Sống chết với rừng già

Mỗi ngày, Raimundo Praia Belem Mura lại cùng các thành viên trong làng bước vào rừng Amazon. Giống như cha ông mình, họ quét sơn lên người, mang theo cung tên, gậy gộc như thể bước vào một trận chiến sống còn. Chỉ có một điều khác biệt so với quá khứ: Kẻ thù của họ bây giờ là nạn cháy rừng.

Sống chết với rừng già

Ðịch thủ vô hình

Rừng rậm Amazon đang bị phá hủy với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử. Tính riêng trong bảy tháng năm nay, diện tích rừng bị mất đã tăng 67% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cháy rừng là nguyên nhân gây hậu quả nặng nề nhất. Nạn cháy rừng ở Amazon đang ở mức cao chưa từng có trong vòng sáu năm qua. Trung bình mỗi ngày, lại có một khoảnh rừng rộng tương đương một sân bóng đá bị thiêu rụi.

Hơn ai hết, những thổ dân da đỏ Mura là những người nhận thức rõ nhất hiểm họa của cháy rừng. Dù đã bước sang thế kỷ 21, nhưng phần lớn trong số 18.000 người Mura vẫn sống phụ thuộc thiên nhiên. Họ được Chính phủ Brazil cấp cho một vùng đất riêng mà ở đó họ được phép săn bắt, hái lượm. Thậm chí nguồn lương thực chính của người Mura đến lúc này vẫn là một loại hạt đặc biệt mọc dại trong rừng.

Dù vậy, ngay cả Chính phủ Brazil cũng không ngăn nổi những kẻ "nhăm nhe" đốt rừng làm đồn điền canh tác. Vì thế, người Mura phải tự trang bị để bảo vệ mảnh đất của họ. Những cuộc tuần tra rừng được thực hiện thường xuyên. Không giống những cán bộ kiểm lâm của Brazil được chi trả lương hằng tháng để làm nhiệm vụ, người Mura làm việc này một cách tự nguyện và dĩ nhiên không được hưởng đãi ngộ gì hết.

Raimundo Praia Belem Mura năm nay đã 73 tuổi, cả cuộc đời ông gắn bó với rừng già Amazon. Cảm nhận của ông về sự thay đổi của Amazon sau nhiều thập niên qua gói gọn trong từ: "Ðau đớn". Ngôi làng Raimundo định cư cùng con cháu từng ở giữa ngút ngàn xanh thẳm, nhưng bây giờ nó chỉ còn là bãi đất hoang trơ trọi.

Mỗi mùa mưa đến, Raimundo và các thành viên trong làng lại phải cuống cuồng chạy lên những ngọn đồi cao để tránh lũ quét. Cơn lũ qua đi để lại những thân cây bị nhổ bật gốc nằm ngổn ngang giữa đống đất bùn. Chẳng sinh vật nào có thể sống trên những mảnh đất chết như vậy cả, và chúng sớm muộn cũng bị những đồn điền canh tác khổng lồ nuốt trọn.

"Mỗi ngày trôi đi, chúng tôi lại thấy rừng già bị phá hủy nặng nề hơn. Ở chỗ này, người ta phá rừng lấy gỗ. Tại chỗ kia, nhiều kẻ xâm lấn đất đai của cha ông tôi để làm đồn điền trồng trọt. Mọi thổ dân Mura đều buồn bã trước thảm cảnh đó. Rừng đang chết. Thế giới cần có rừng, nhưng chẳng ai bảo vệ nó cả", Raimundo nói.

Cuộc chiến không cân sức

Khác với hiện tượng cháy rừng tự nhiên (do thiên tai, sấm sét...), rừng bị cháy do bàn tay con người gây ra không bao giờ phục hồi như cũ. Hưởng lợi nhiều nhất từ điều này dĩ nhiên là những điền chủ giàu có.

Giống nhiều quốc gia khác, Brazil có chủ trương khuyến khích người dân khai khẩn đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, đám điền chủ lại lợi dụng chính sách đó để lén lút đốt phá rừng. Ðây là một mũi tên trúng nhiều đích: Họ vừa khai thác gỗ lậu ở rừng, vừa đuổi thổ dân đi chỗ khác, lại vừa có thêm đất canh tác sau đó dưới danh nghĩa "khai khẩn đất hoang".

Sống chết với rừng già ảnh 1

Giữa lúc Raimundo nghẹn ngào vì lực bất tòng tâm bảo vệ rừng Amazon, lửa vẫn cháy âm ỉ ở những cánh rừng quanh làng. Mỗi ngày ông và các thành viên trong bộ tộc của mình đều cố gắng vào rừng dập lửa, nhưng những nỗ lực ấy như muối bỏ bể. Mỗi làng chỉ có khoảng 50 - 60 người, với vũ trang thô sơ như thời tiền sử. Thứ hiện đại duy nhất họ sở hữu là quần áo nhận từ những tổ chức từ thiện.

Ngược lại, đối thủ của người Mura lại là những kẻ sở hữu máy móc, thậm chí nai nịt súng ống đến tận răng. Trông thấy chúng, họ chỉ biết bỏ chạy. Ðó là lý do dù đã chiến đấu chống những kẻ đốt rừng suốt nhiều năm qua, nhưng người Mura chẳng thể ngăn cản chúng tiếp tục xâm lấn. Tình thế nguy ngập đến mức nhiều dân làng phải chạy vào rừng sâu trước khi bị đe dọa đến tính mạng.

"Rõ ràng dùng cung tên, giáo mác, gậy gộc đối đầu với cưa máy hay súng ống thì không cân sức chút nào", Raimundo giãi bày. "Từ 20 năm nay, tôi đã phải đối đầu với những kẻ đốt phá rừng. Cũng có một vài lần tôi thắng. Nhưng sau đó, chúng lại quay lại, mang thêm nhiều đồng bọn và vũ khí".

Ðến giọt máu cuối cùng

Sau nhiều năm nhẫn nhục chịu đựng và chỉ biết đấu tranh trong im lặng, cuộc chiến của thổ dân Mura dần đổi chiều. Raimundo và con cháu ông không còn đơn độc nữa. Nạn cháy rừng tại Amazon đang trở thành chủ đề quan tâm của toàn thế giới, chứ không còn của riêng Brazil. Nhiều nhà hoạt động xã hội bảo vệ môi trường đã lên tiếng ủng hộ người Mura, qua đó khiến chính quyền sở tại phải hành động quyết liệt hơn.

Năm ngoái, bang Amazonas đã cử một nhóm kiểm lâm đến bảo vệ khu rừng quanh nơi Raimundo sinh sống. Họ đuổi những tên lâm tặc khỏi khu vực xẻ gỗ được chúng dựng ra với danh nghĩa "hỗ trợ xây dựng đường bộ và khu vực lân cận". Dự kiến trong thời gian tới, lâm tặc sẽ bị quét sạch bởi quân đội Brazil đã sẵn sàng vào cuộc. Ngay cả Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã lên tiếng cam kết thực hiện những biện pháp mạnh, nhằm ngăn nạn đốt phá rừng tiếp diễn.

Dù vậy, chính quyền hay quân đội cũng chỉ hỗ trợ được một phần, và sự tham gia của họ thường mang tính thời điểm nhiều hơn là duy trì lâu dài. Vì thế, người Mura phải tìm cách hiện đại hóa những hình thức đấu tranh của họ. Thay vì chiến đấu trong im lặng, họ tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan lập pháp. Giờ đây, người Mura hoàn toàn có quyền kiện những kẻ phá rừng. Bản án cho những tên đốt rừng Amazon có thể sẽ là nhiều năm tù giam cộng thêm khoản tiền phạt khổng lồ.

Về phần Raimundo, sau nhiều năm chiến đấu bảo vệ rừng Amazon, ông đã ở tuổi gần đất xa trời. Tuy nhiên không vì thế mà quyết tâm của ông vơi đi. Raimundo có thể thua trong cuộc chiến này, nhưng con cháu ông vẫn còn cơ hội chiến thắng. Vì thế, Raimundo nguyện là tấm gương đi đầu chống lại những tên lâm tặc. "Vì rừng già Amazon, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến giọt máu cuối cùng!".