Soi sáng nơi ngục tù

Một cô gái trẻ vừa tròn 20 tuổi, chưa lập gia đình, nhưng sẵn sàng dành cả thanh xuân để cưu mang hơn 140 đứa trẻ bị buộc phải sống trong nhà tù. Cô gái ấy có tên là Pushpa Basnet, người Nepal.

Soi sáng nơi ngục tù

Tiếng gọi sau song sắt

Năm 2005, Pushpa Basnet đang theo học ngành công tác xã hội và có chuyến đi thực tế đến một nhà tù nữ ở Kalimati. Tại đây, cô choáng váng phát hiện: Con cái của những nữ phạm nhân phải ở cùng mẹ trong điều kiện thiếu thốn của nhà tù, không được chăm lo y tế và giáo dục.

Nepal là một đất nước nghèo, với 55% dân số sống dưới mức trung bình, phần lớn phạm nhân đều chấp nhận nuôi con trong tù, vì họ hàng cũng không có khả năng cưu mang. Hoặc tệ hơn, họ sẵn sàng đẩy các em đi “cho rảnh nợ”. Những đứa trẻ cũng chỉ được ở cùng mẹ trong tù đến năm tám tuổi, và đối diện với tương lai mù mịt. “Trẻ em vô tội sao lại phải ở tù?”, câu hỏi bật lên vô thức khi Basnet bắt gặp ánh mắt van lơn của một bé gái đáng yêu sau song sắt. Trái tim Basnet như bị bóp nghẹt. Cô biết rằng mình phải hành động.

Hai tháng sau đó, Basnet lên kế hoạch nhận bảo trợ trẻ ở nhà tù, trong sự phản đối quyết liệt của gia đình. Cô đã phải bán đi tất cả trang sức mình có, vay mượn bạn bè để có kinh phí nuôi các em.

Thế nhưng, tài chính chưa phải là trở ngại lớn nhất của Basnet. Các nữ phạm nhân tại Kalimati không tin tưởng giao con nhỏ cho một cô gái mới 20 tuổi. Các quản giáo cũng từ chối hỗ trợ vì cho rằng ý tưởng của cô là viển vông và chưa có tiền lệ. Phải sau nhiều cuộc nói chuyện vừa chân thành vừa kiên quyết, Basnet mới thuyết phục được các phạm nhân đồng ý để con cái họ có cơ hội thay đổi số phận.

Ban đầu, vì chưa đủ tiềm lực tài chính, cô Basnet đến đón các em tại cổng nhà tù mỗi buổi sáng, đưa chúng đến trung tâm để vui chơi và khám sức khỏe, rồi lại đưa về. Với nhiều đứa trẻ mà cô nhận chăm sóc, đây là lần đầu tiên chúng được ra khỏi cửa nhà tù để quan sát thế giới!

Nhận thấy sự quyết tâm và tấm lòng nhân hậu của con gái, cha mẹ cô Basnet từ phản đối đã trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ nhất, sẵn sàng cung cấp tiền bạc để thuê một căn hộ cho Basnet “ra riêng” cùng “lũ trẻ nhà tù” ấy. Kể từ đây, cô gái 20 tuổi chính thức trở thành mẹ của những đứa trẻ không cùng huyết thống.

Bà mẹ của 100 đứa con

Số trẻ em được Basnet nhận nuôi nhanh chóng đạt mốc 100 em. Ở ngôi nhà chung, các bé được phân vai công việc rõ ràng. Những em lớn sẽ có trách nhiệm coi sóc em nhỏ và việc nhà được phân chia tùy theo sức mỗi người, trong không khí của một đại gia đình.

Basnet làm việc không ngơi tay, chuẩn bị thức ăn rồi lại đưa lũ trẻ đến trường. Vậy nhưng cô chưa từng tỏ vẻ mệt mỏi, vì nụ cười của các em nhỏ dường như là nguồn năng lượng vô tận. Cô cũng tâm sự rằng tủ đồ chỉ toàn quần áo thể thao và dép lê vì “bạn không thể mặc váy và giày cao gót để chạy theo lũ trẻ được”. Với một cô gái tuổi đôi mươi, chuyện không “lụa là gấm vóc” quả là sự hy sinh to lớn.

Theo thời gian, khoản tiền gia đình Basnet trợ cấp cho cô duy trì mái ấm cũng thành muối bỏ bể. Không nản lòng, Basnet nảy ra sáng kiến hướng dẫn các nữ phạm nhân làm đồ thủ công mỹ nghệ, rồi đem bán từ thiện để có chi phí. Cách này không chỉ đem lại khoản tiền kha khá mà còn giúp phạm nhân cảm thấy vẫn có ích, vẫn đang cùng Basnet nuôi dạy con mình.

Những nỗ lực không mệt mỏi của Basnet đã giúp cô được xướng tên là “Anh hùng năm 2012” theo bình chọn của hãng thông tấn CNN. Cô sử dụng toàn bộ số tiền thưởng (khoảng 300 nghìn USD) để xây dựng mái ấm Nhà Bướm khang trang hơn, với phòng học võ, học nhạc và lập một tài khoản ngân hàng để tiết kiệm cho các em sau này.

Năm 2015, trận động đất kinh hoàng ở Nepal đã phá hủy toàn bộ mái ấm Nhà Bướm. Nhưng, thiên tai không ép được trái tim nhân hậu của Basnet lùi bước. Cô cần mẫn dựng lại mái ấm từ đống tro tàn và tiếp tục sứ mệnh mang ánh sáng đến cho những đứa trẻ sống trong bóng tối.

Soi sáng nơi ngục tù -0
 

Ði thật xa để trở về

Pushpa Basnet vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, có truyền thống hiếu học. Nhưng khác với anh em trong nhà, cô khá bướng bỉnh và... không hề chăm chỉ. Basnet thậm chí không thể thi đỗ vào cấp 3, nên phải ở nhà một năm để ôn luyện. Trong thời gian này, cô trở thành tình nguyện viên nhỏ tuổi của một trại trẻ mồ côi gần nhà. Ðây cũng chính là nơi lòng trắc ẩn và niềm say mê công tác xã hội của Basnet bắt đầu nảy mầm.

Thời gian phục vụ ở trại trẻ mồ côi giúp Basnet nhận ra gia đình quan trọng thế nào với sự phát triển của trẻ nhỏ. “Cây có cội, suối có nguồn” - những đứa trẻ lớn lên ở mái ấm Nhà Bướm vẫn giữ mối liên hệ khăng khít với cha mẹ. Bọn trẻ sẽ đến thăm mẹ vào mỗi cuối tuần và ngày lễ. Ðiều đó vừa giúp lũ trẻ nhận đầy đủ hơi ấm tình mẫu tử, vừa là động lực để nữ phạm nhân cải tạo tốt. Khi người mẹ mãn hạn tù và có công việc ổn định, những đứa trẻ sẽ được đoàn tụ, nhường chỗ cho những hoàn cảnh khác.

Sống trong tình thương và sự đùm bọc của hai người mẹ - mẹ ruột và cô Basnet - hơn 100 trẻ ở mái ấm Nhà Bướm cảm thấy mình bình đẳng và hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường khác ở Nepal. Sau 15 năm, nhiều bé đã trở thành cử nhân hay thạc sĩ và trở lại giúp đỡ mái ấm - một cái kết không thể viên mãn hơn với bà mẹ của hơn 100 người con. Nhưng Pushpa Basnet sẽ không dừng lại. Cho đến khi sau song sắt không còn tiếng khóc trẻ thơ nào…