Quân bài chiến lược

Gần giống như cách Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử bốn năm về trước, hành trình để Amy Coney Barrett trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cũng căng thẳng đến nghẹt thở.

Quân bài chiến lược

Người được chọn

Kế thừa vị trí của một người tiền nhiệm lừng lẫy - cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, nhưng Amy Coney Barrett lại bị cho là có những quan điểm đối lập chính những giá trị mà Ginsburg bảo vệ. Bởi vậy, từ ngày 12-10, gần như toàn bộ giới quan sát quốc tế chăm chú theo dõi bốn ngày điều trần mà Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ tiến hành, nhằm quyết định xem có nên phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, về việc bổ nhiệm nữ thẩm phán còn khá trẻ (sinh ngày 28-1-1972) này vào một trong những vị trí quan trọng nhất của ngành tư pháp Hoa Kỳ hay không.

Trong bốn ngày đó, mặc kệ những công kích dữ dội từ phía các nghị sĩ đảng Dân chủ, mặc kệ cả những cuộc tuần hành rầm rộ chống lại mình của hàng nghìn người bên ngoài Ðồi Capitol (Capitol Hill - trụ sở Quốc hội Mỹ), Amy Coney Barrett bình tĩnh trả lời và phản biện mọi câu hỏi dành cho mình. Suốt cuộc điều trần, Amy Coney Barrett đã đối đáp xuất sắc, chẳng cần nhìn giấy tờ gì (dù không tốt nghiệp trường đại học danh giá nào) khiến không ít người dân Mỹ chuyển từ phản đối qua ủng hộ bà. Thậm chí, theo một số nhận xét hóm hỉnh trên các mạng xã hội, những câu hỏi "móc máy" và hóc búa nhất của phe Dân chủ bị Amy dễ dàng hóa giải, như thể "1+1=2".

Cuối cùng, sau 30 giờ điều trần, tất cả các thượng nghị sĩ Dân chủ vẫn phản đối bà, và vẫn có duy nhất một thượng nghị sĩ Cộng hòa không ủng hộ bà. Vấn đề là, với sự kiểm soát cũng như đồng thuận của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, Amy Coney Barrett vẫn giành được vị trí danh giá và quan trọng đó, với 52 phiếu thuận trên 48 phiếu chống.

Ðó mới chỉ là người phụ nữ thứ năm trong lịch sử nước Mỹ trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao. Cũng là người đầu tiên có con còn đang ở độ tuổi đi học đảm trách vị trí này.

Quân bài chiến lược -0

Niềm tin và luật pháp

Thật đáng ngạc nhiên, xuất thân khởi điểm của Amy Coney Barrett lại không phải là ngành luật. Bà lựa chọn một hướng đi hoàn toàn khác, "hoa mỹ" và mơ mộng hơn nhiều, khi lấy bằng cử nhân Văn chương vào năm 1994. Sau đó, bà mới chuyển hướng để theo học tại trường luật Notre Dame, với học bổng toàn phần. Có lẽ, sự khác biệt giữa hai ngả đường này xuất phát từ chính các yếu tố gia đình. Amy là chị cả của sáu đứa em, trong một gia đình trung lưu ở New Orleans, với người cha là luật sư của hãng dầu Shell, còn người mẹ là giáo viên Pháp văn trung học.

Từ vẻ đẹp biến ảo của văn chương đến trạng thái đơn nghĩa không thể bị hiểu lầm của ngôn ngữ luật pháp có lẽ là một chặng dài suy tưởng và tìm kiếm mục đích sống mà Amy trải qua, sau khi tuổi hoa niên khép lại.

Rất ít khía cạnh đời tư của bà từng được đưa lên mặt báo. Cái tên Amy Coney Barrett chỉ mới được nhắc đến nhiều kể từ năm 2017, khi lần đầu bà được đề cử làm thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 của nước Mỹ (được bổ nhiệm thẳng bởi sự xuất sắc của mình, không phải trải qua thời gian công tác ở cấp dưới). Một năm sau, bà lọt vào danh sách ứng viên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn, nhằm thay thế thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Anthony Kennedy nghỉ hưu. Bà kết hôn với một cựu công tố viên liên bang. Bà được Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ (ABA) xếp loại well-qualified - mức đánh giá cao nhất.

Nhắc đến Amy Coney Barrett là nhắc đến một nữ thẩm phán trẻ, nhưng là một ứng viên hoàn hảo của nhóm luật gia bảo thủ ("bảo thủ" ở đây cần được hiểu theo nghĩa đấu tranh nhằm bảo vệ những nền nếp cũ, chứ không phải theo nghĩa tiêu cực). Có lẽ, bà chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quãng thời gian làm thư ký cho cố thẩm phán Antonin Scalia - một nhân vật bảo thủ hàng đầu trong giới luật gia Mỹ suốt 30 năm, cho đến khi qua đời năm 2016.

Và một trong những tuyên ngôn đanh thép nhất của Amy vẫn luôn được nhắc tới: "Tôi sẽ không bao giờ đặt luật pháp dưới niềm tin cá nhân của mình".

Nước "tranh tiên"

Vì sao đảng Dân chủ lại phản đối dữ dội đến vậy, việc Amy Coney Barrett kế thừa vị trí của Ruth Bader Ginsburg?

Vì khác với mọi chức danh trong liên bang Hoa Kỳ, thẩm phán Tòa án Tối cao là vị trí có nhiệm kỳ trọn đời. Chín thẩm phán ấy không được bầu cử lại, hoàn toàn độc lập với các thiết chế nhà nước khác, có quyền phán xét cả các sắc lệnh của Nhà trắng, và chỉ có thể bị thay thế nếu một thẩm phán qua đời hay quyết định nghỉ hưu.

Ở tuổi 48, Amy Coney Barrett còn quá nhiều thời gian (có thể tới 30-35 năm) để giúp phe bảo thủ, hoặc nói rộng hơn là đảng Cộng hòa, giữ vững các quan điểm về chính sách của họ, đồng thời ngăn trở những tư tưởng đối lập. Với sự có mặt của bà (bên cạnh hai thẩm phán khác đã được đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất bổ nhiệm trong nhiệm kỳ là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh), phe "bảo thủ" tại Tòa án Tối cao vẫn áp đảo với tỷ lệ 6-3.

Ta có thể hình dung tính chất của một "nước cờ tranh tiên" trước khi ván cờ bầu cử Mỹ năm 2020 đi vào tàn cục, với đánh giá của chính Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ: "Với việc bà Barrett được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao, đảng Cộng hòa đã có một đóng góp quan trọng với tương lai đất nước, bởi rất nhiều những việc chúng ta đã làm trong bốn năm qua không sớm thì muộn sẽ bị đảo ngược sau cuộc bầu cử" (theo hãng NBC).

Và ở nhiều khía cạnh khác, Amy còn là đòn công kích vào những biểu tượng của phe Dân chủ. Bà sẽ tác động để Tòa án tối cao phán quyết rằng gói chăm sóc y tế Obamacare - niềm tự hào của cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama - là vi hiến. Bà cũng được phe Cộng hòa kỳ vọng sẽ đưa ra các phán quyết có lợi cho họ, ở hai vụ kiện liên quan đến phiếu bầu tại các bang North Carolina và Pennsylvania.

Thiên Thư