Ông sếp ngược đời

Bất cứ nhân viên văn phòng nào trên thế giới cũng sẽ đều muốn mình được đối xử như một thành viên của Công ty thanh toán Gravity. Chí ít, họ cũng muốn nơi mình làm việc có một ông sếp như Giám đốc điều hành Dan Price (Trong ảnh).

Ông sếp ngược đời

Quyết định lạ kỳ

Nếu có cơ hội tham dự một cuộc họp nội bộ của Gravity, hẳn bạn sẽ ấn tượng về một người đàn ông tóc dài, râu ria rậm rạp. Trông anh giống một nghệ sĩ hơn là người ngồi bàn giấy. Ngoại trừ điều đó, anh cũng giống như 120 nhân viên khác tại công ty: mặc quần bò áo thun, và không có phòng riêng. Nhưng, đó là cách mà Giám đốc điều hành Dan Price lựa chọn.

Không chỉ ăn mặc và sinh hoạt giống nhân viên, Price còn tự nguyện… giảm lương xuống bằng với họ. Câu chuyện bắt đầu từ một ngày đầu năm 2015, khi anh đọc một nghiên cứu của một nhóm các nhà kinh tế học thuộc Trường đại học Princeton. Trong nghiên cứu đó, họ chỉ ra: Một người lao động bình thường tại Mỹ sẽ làm việc chăm chỉ và hăng hái nhất khi họ hưởng mức lương khoảng 75.000 USD/năm.

Price thật sự lặng người khi nghĩ đến các nhân viên tại Gravity. Tại công ty anh, trung bình mỗi người chỉ được trả lương 33.000 USD/năm, tương đương mức thu nhập trung bình của người dân Mỹ. Rõ ràng là họ vẫn làm việc chăm chỉ mỗi ngày, nhưng thu nhập nhận về lại thấp hơn quá nhiều so ngưỡng giúp họ cảm thấy hạnh phúc. Làm nhiều, hưởng ít chỉ khiến mỗi chúng ta phí hoài cuộc đời mình, cuộc đời mà ai cũng chỉ có thể tận hưởng một lần.

Câu trả lời cho vấn đề trên chỉ có thể là tăng lương. Tuy nhiên nếu chỉ làm vậy, lợi nhuận sẽ sụt giảm trầm trọng, đồng nghĩa công ty không thể thu hút những nhà đầu tư bỏ tiền vào. Price không còn lựa chọn nào khác ngoài cắt giảm kinh phí, nhưng chắc chắn anh không thể sa thải nhân viên được. Ðúng lúc ấy, một ý tưởng nảy ra trong đầu Price: "Sao mình không cắt giảm lương của... chính mình nhỉ?".

Tại Gravity thời điểm đó, Price nhận lương 1,1 triệu USD/năm - cao gấp 36 lần nhân viên thông thường. Tuy nhiên, mức chênh lệch đó vẫn còn thấp so với những công ty khác. "Sếp bự" tại các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ thường tự thưởng cho mình mức lương "trên trời", lên tới 11-12 triệu USD/năm - gấp hơn 300 lần lương nhân viên - bất kể tình hình kinh doanh tốt lên hay xấu đi. Với Price, sự bất bình đẳng ấy không thể tiếp diễn mãi.

Ông sếp ngược đời ảnh 1

Khen và chê

"Nào các bạn, hôm nay tôi có một tuyên bố quan trọng muốn gửi tới mọi người. Kể từ hôm nay, tôi tự nguyện cắt giảm lương của mình xuống còn 70.000 USD/năm. Ðổi lại, lương trung bình của các bạn sẽ lập tức tăng gấp rưỡi từ 33.000 lên 50.000 USD/năm, và tăng lên tương đương với tôi trong ba năm tới. Ai cũng được tăng!". Sau phát biểu của Price, toàn thể nhân viên Gravity lặng người, rồi hò hét trong sung sướng. Ðây rõ ràng là giấc mơ có thật mà họ chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Jose Garcia là một trong số 120 nhân viên Gravity ở thời điểm được tăng lương. Sau khi biết tin, anh lập tức gọi điện cho mẹ mình rồi òa khóc nức nở. Garcia đã 29 tuổi nhưng vẫn phải gánh khoản nợ lên tới 54.000 USD từ thời còn đi học. Nhờ có Price, món nợ tưởng chừng cả đời không thể trả hết của Garcia tất toán. Anh đã thoát khỏi số phận của một phần tư dân số Mỹ, những người đến chết vẫn ngập trong nợ nần.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui trước quyết định tăng lương của Price. Những người bất mãn nhất dĩ nhiên là các cổ đông, bởi phần lợi nhuận họ được chia đã sụt giảm trông thấy, vậy nên họ quyết định kiện Price ra tòa. Ðau đớn nhất với Price là trong số cổ đông kiện anh có cả người anh trai Lucas Price. Họ cáo buộc Price đã "đi ngược lại lợi ích của chủ sở hữu, bằng việc tăng lương quá cao cho nhân viên".

Ngoài ra, Price cũng phải chịu chỉ trích không ít từ các công ty cạnh tranh, bởi anh đã chiêu mộ những nhân tài tiềm năng từ họ bằng cách phá vỡ trần lương. Mức lương 70.000 USD/năm Price cam kết cho các nhân viên mình hưởng cao gấp đôi lương tại các công ty khác, do đó đã có tới hơn 500 người xin ứng tuyển vào Gravity chỉ sau… một ngày. Một số chuyên gia kinh tế thậm chí còn nói chuyện Price tăng lương chỉ là chiêu trò quảng cáo cho công ty.

"Kiểu tăng lương ngược đời như thế sẽ chẳng bao giờ hiệu quả trong kinh doanh", nhà kinh tế Rush Limbaugh nhận định. "Price rõ ràng đã quyết định khá bồng bột. Dù có tự giảm lương của mình, cậu ấy cũng chỉ cáng đáng một phần gánh nặng cho công ty khi tăng lương đột ngột. Chưa kể là tại một công ty, lương giám đốc luôn phải cao hơn lương nhân viên để họ có động lực thăng tiến. Giám đốc tự hạ lương mình xuống chẳng khác nào đánh đồng mình với họ".

Món quà bất ngờ

Những nhà đầu tư có thể không đồng tình với quyết định lạ kỳ của Price, nhưng cộng đồng nghiên cứu kinh tế lại không nghĩ như vậy. Không lâu sau khi Price gây chú ý bằng quyết định tăng lương nhân viên, Giáo sư Angus Deaton nhận giải Nobel kinh tế cho những đóng góp của ông trong nghiên cứu về tiêu dùng, nghèo đói và thu nhập. Ðiều trùng hợp là Giáo sư Deaton cũng chính là tác giả của học thuyết truyền cảm hứng cho Price tăng lương.

Về phần Price, bản thân anh không nghĩ quyết định của mình lại được hoan nghênh nhiệt liệt đến thế: "Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình cũng chẳng cần tiêu pha gì nhiều. Sau khi ly hôn, tôi sống độc thân và chỉ có một chú chó làm bạn. Khoản lương triệu đô trước đây cũng là tôi ký duyệt cho mình, nhưng sau này lại thấy nó thiếu hợp lý, nên tôi bỏ đi thôi".

Giờ đây, Gravity đã phát triển ngoài tầm tưởng tượng của Price. Nhờ hiệu ứng "vị giám đốc có tâm", số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Gravity đã tăng chóng mặt. Ban đầu Price cam kết tăng lương cho các nhân viên lên 70.000 USD/năm, nhưng với kết quả kinh doanh tốt lên từng ngày, giờ đây mỗi người hưởng trung bình 103.000 USD/năm. Ðiều đó cũng có nghĩa lương của Price chỉ bằng hai phần ba các nhân viên dưới quyền mình!

Nhưng với Price, điều tuyệt vời nhất anh có được không chỉ là như vậy. Nhiều cặp vợ chồng tại Mỹ kết hôn nhưng không dám sinh con vì gánh nặng tài chính. Tuy nhiên ở Gravity, các nhân viên lại liên tục chào đón thành viên mới trong nhà. Khoản lương kếch xù cũng giúp họ sớm sở hữu ngôi nhà mơ ước. "Ðiều quan trọng không phải là tăng lương lên bao nhiêu, mà là được thấy họ hạnh phúc làm việc", Price nói.

Các nhân viên Gravity cũng dành món quà nho nhỏ cho Price thay lời cảm ơn. Tháng 7-2016, một chiếc xe hơi được gửi đến trụ sở công ty kèm lời nhắn và chữ ký của toàn thể nhân viên: "Gửi Dan. Cảm ơn sếp đã luôn ưu tiên tập thể hơn bản thân mình. Ðây là chút quà tri ân, vì sự hy sinh của sếp có ý nghĩa với chúng tôi nhiều lắm!".