Người “sửa lưng” Tổng thống Mỹ

Nước Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, với số người mắc nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại đây có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa, nếu không có sự quyết liệt đến cực đoan của chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci - người được trìu mến gọi là “vị bác sĩ của nhân dân”.

Người “sửa lưng” Tổng thống Mỹ

Sứ giả của sự thật

Anthony Fauci và cộng sự trong Ðội phản ứng Covid-19 bước vào phòng Bầu dục tại Nhà trắng, vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chần chừ chưa thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nhằm khống chế dịch bệnh, vì lo ngại những tác động xấu đến nền kinh tế.

Bằng lập luận đanh thép và đồ thị trực quan, Anthony Fauci đã thuyết phục thành công Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, nếu không có biện pháp cách ly xã hội, hơn 2,2 triệu người Mỹ có thể bỏ mạng vì dịch bệnh. Ông Trump lắng nghe chăm chú từng lời nói, tự nhận mình là “học trò” của ông Fauci trong sự ngỡ ngàng của các quan chức Nhà trắng vì “chưa từng có ai thu hút sự chú ý của Tổng thống như thế”.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Trump lại dành cho ông Fauci sự tôn trọng lớn như vậy. Ở tuổi 79, ông Fauci đã có hơn 30 năm làm Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ, và là cố vấn y tế hàng đầu của sáu đời Tổng thống Mỹ. Trong suốt sự nghiệp, ông Fauci được xem là khắc tinh của những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS, Zika hay Ebola, với tư cách chuyên gia đầu ngành.

“Sứ giả của sự thật” là biệt danh nhiều đồng nghiệp đặt cho ông vì sự chính trực, không ngại va chạm với bất kỳ ai, kể cả đó là nguyên thủ quốc gia. Khi được hỏi về ý tưởng thuốc trị sốt rét có thể là “cứu tinh” của nhân loại trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Fauci thẳng thừng khẳng định: Ðiều đó không có cơ sở khoa học!

Tuy thế, Fauci cũng không mong muốn Tổng thống Mỹ trở thành đối tượng bị chỉ trích. Trước truyền thông, ông nhiều lần khẳng định “không có xích mích với Tổng thống” và ông Trump “là người biết lắng nghe”. Thái độ quyết liệt bảo vệ sự thật nhưng cũng không kém phần mềm mại, đầy nhạy cảm chính trị của ông Fauci đối với Tổng thống được xem như yếu tố quan trọng, giúp Chính phủ Mỹ đưa ra nhiều quyết sách có lợi cho chiến dịch phòng, chống Covid-19.

Người “sửa lưng” Tổng thống Mỹ ảnh 1

“Ðại dịch chắc chắn sẽ xuất hiện”

Ðại dịch mà thế giới đang đối mặt không nằm ngoài dự đoán của bác sĩ Anthony Fauci. Vào năm 2017, chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông Fauci đã có bài phát biểu quan trọng với tựa đề “Chuẩn bị Ðại dịch cho chính quyền tiếp theo”. Ông khiến cử tọa chết lặng khi để ngỏ về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà con người hoàn toàn không có hiểu biết gì về nó, và ông kết luận rằng, một đại dịch mới gần như là không thể tránh khỏi - đúng ba năm trước khi Covid-19 được ghi nhận xuất hiện ở Vũ Hán.

Hơn 30 năm trước, Fauci - khi đó là lãnh đạo trẻ tuổi bậc nhất Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ - đã trải qua những năm tháng kinh hoàng khi đại dịch HIV/AIDS giết hàng triệu người trên thế giới. Chính cái chết không thể tránh khỏi của bệnh nhân đã ám ảnh vị bác sĩ này, thúc đẩy ông “đối đầu” với ngành dược ở Mỹ để đẩy nhanh quá trình cấp thuốc cho bệnh nhân AIDS.

Kể từ thời điểm đó, Fauci trở thành chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu về AIDS, “kiến trúc sư trưởng” của Chương trình hỗ trợ chống AIDS ở các nước thế giới thứ ba, và hiện vẫn nuôi tham vọng đẩy lùi dứt điểm căn bệnh thế kỷ.

Quá khứ chống dịch ấy giúp Fauci nhận ra rằng, một chuyên gia như ông nên xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, trở thành nhân vật được công chúng tin tưởng thì mới có thể dễ dàng nâng cao nhận thức cộng đồng về dịch bệnh. Còn nhớ vào năm 2014, nước Mỹ lo sợ trước thông tin căn bệnh chết người Ebola đã lây từ một vị khách châu Phi sang một nữ y tá người Mỹ gốc Việt. Sau khi cô được tuyên bố khỏi bệnh, ông Fauci đã đến ôm cô thật chặt trước ống kính truyền hình, trấn an dư luận.

Như một định mệnh

Ở tuổi 79, Anthony Fauci nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong cao nhất vì Covid-19 nhưng điều đó vẫn không ngăn ông làm việc đến 20 giờ mỗi ngày để góp phần kiềm chế đại dịch. Ông di chuyển liên tục khắp Thủ đô Washington D.C, gặp gỡ các nhà lập pháp và doanh nhân nhằm chứng minh mức độ nguy hiểm của đại dịch.

Giọng nói của ông trở nên khàn đặc sau hàng giờ đồng hồ trả lời thắc mắc về dịch bệnh trên sóng truyền hình và nền tảng video internet. Một nghị sĩ Mỹ, trong phiên điều trần mới đây, còn bông đùa rằng ông Anthony Fauci chắc hẳn phải có anh em sinh đôi vì thấy ông xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Vị chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm ấy còn vô cùng nhạy bén trong việc truyền tải thông tin dịch bệnh đến giới trẻ Mỹ. Thay vì nội dung khoa học khô khan, Anthony Fauci kết hợp với ngôi sao bóng rổ có hàng triệu người trẻ theo dõi trên mạng xã hội để nhấn mạnh tầm quan trọng của cách ly xã hội, và rằng người trẻ vẫn có khả năng tử vong vì đại dịch - cách tiếp cận hiếm thấy với các nhà khoa học, đặc biệt là ở độ tuổi như ông.

Tinh thần tận hiến, làm việc không ngừng nghỉ của ông được người vợ Christine Grady - là một điều dưỡng viên, nhà đạo đức học y khoa - hết lòng ủng hộ. Cũng như chồng, bà Grady vẫn làm việc với cường độ cao ở tuổi 67, bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh.

Cựu Tổng thống Mỹ George H. Bush luôn xem Anthony Fauci là người hùng của nước Mỹ trong cuộc chiến thời bình chống lại những căn bệnh nguy hiểm bậc nhất lịch sử hiện đại. Người dân Mỹ gọi ông là “người đáng tin nhất”, còn trong mắt hậu bối ngành Truyền nhiễm, ông như ngọn hải đăng dẫn đường. Nhưng với Fauci, món quà quý giá nhất chính là tiếp tục được cống hiến cho khoa học, và được nhìn thấy ngày thế giới chiến thắng Covid-19.

Ít ai biết rằng, ông Fauci từng là công nhân xây dựng bán thời gian sau khi tốt nghiệp ngành Cổ điển học. Duyên phận thế nào, ông lại tham gia tu sửa Thư viện của Trường đại học Y Cornell và tình cờ đi lạc vào giảng đường trường này. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, Fauci đã ao ước trở thành sinh viên Y khoa và hoàn thành ước nguyện một năm sau đó. Như một định mệnh…