“Người rừng” Ấn Độ

Từ một hòn đảo trơ trụi, không một bóng cây, chỉ bằng sức lực, ý chí phi thường của một con người, Majuli đã trở thành một khu rừng rậm rạp, nơi sinh tồn của nhiều loài động vật hoang dã. Đó là kết quả nằm ngoài cả sự mong đợi và trí tưởng tượng của Jadav Payeng, cái tên giờ đây đã được vinh danh trên toàn thế giới, và đang tiếp tục truyền đi niềm cảm hứng lớn với những hành động bảo vệ môi trường.

“Người rừng” Ấn Độ

Cú sốc bên bờ sông chết

Mùa hè oi bức năm 1979, dọc theo bờ sông Brahmaputra, trên đảo nổi Majuli (Ấn Ðộ), hàng trăm con rắn bị nước lũ cuốn trôi, đánh dạt lên bãi cát. Nắng gay gắt, lại không có chút bóng râm nào che phủ đã cướp đi sinh mạng của lũ rắn kia. Hàng loạt những dải cong, vòng và xoắn nằm la liệt, vô hồn trên cát. Jadav Payeng - thiếu niên của bộ lạc Mishing (vùng Assam) khi ấy mới 16 tuổi đã bị sốc trước cảnh tượng ấy.

Trái tim chàng trai trẻ như quặn lại. Cậu ngay lập tức tìm đến những người bảo vệ rừng và đề nghị họ giúp đỡ mình trồng cây. "Hãy tự đi mà làm!" Ðó là những gì mà cậu được đáp lại. Jadav tìm đến ngôi làng Deori ở gần đó để lắng nghe lời khuyên. Già làng ở đây hoàn toàn ủng hộ và quyết định tặng cậu bé 50 cây non cùng 25 cây tre, kèm theo lời động viên, rằng cây tre sẽ mang đến sự mát mẻ.

Jadav Payeng quyết định sẽ sống một mình trên hòn đảo phủ đầy cát và phù sa này, ngày ngày gieo hạt, trồng cây. Từ số cây ban đầu được tặng, chàng trai trẻ đã trồng ngày một nhiều loại cây hơn. Không chỉ tre, Jadav trồng cả dừa bởi theo anh: "Cây dừa sẽ ngăn được xói mòn nếu trồng đủ số lượng.

Chẳng cần ai chú ý, cũng chẳng cần ngợi khen, Jadav lúc ấy không thể ngờ rằng, từ 50 gốc cây non đầu tiên, sau 40 năm đã trở thành một khu rừng cực kỳ rậm rạp. Mật độ cây cối dày đặc trong rừng Molai khiến bất cứ ai cũng phải kinh ngạc nếu biết rằng chúng được trồng bởi duy nhất một người.

Khu rừng trên đảo Majuli sau này được đặt tên là Molai Kathoni, theo tên của Padma Shri Jadav "Molai" Payeng. Kathoni trong tiếng Assam nghĩa là rừng. Jadav Payeng thổ lộ: "Tôi không nghĩ rằng sáng kiến nhỏ của mình sẽ tạo nên sự khác biệt đến vậy".

Khu bảo tồn Molai Kathoni

Hết năm lớp 10, biến cố cha mẹ qua đời cùng cú sốc bên bờ sông Brahmaputra khiến Jadav quyết định bỏ học, về chăm sóc đàn gia súc do người thân để lại và kiếm sống bằng nghề bán sữa.

Một ngày của ông bắt đầu trước khi bình minh ló rạng bằng việc vắt sữa và chăm sóc đàn trâu bò. Giữa trưa, ông di chuyển tới Molai Kathoni. Jadav phải đạp xe hai ki-lô-mét, rồi lên thuyền qua sông, sau đó đạp hơn bốn ki-lô-mét nữa mới đến được khu rừng. Không kể mưa hay nắng, Jadav duy trì đều đặn hành trình đạp xe, vượt sông, rồi lại đạp xe để trông coi và chăm sóc khu rừng.

“Người rừng” Ấn Độ ảnh 1

Việc tưới nước cả Molai Kathoni ấy cũng không đơn giản. Sáng kiến được Jadav thực hiện đó là mua thật nhiều chậu lớn chứa tới năm lít nước, đục một lỗ nhỏ dưới đáy, nhét chặt cỏ khô vào, đổ đầy nước rồi đặt lên những cây non đang phát triển. Cách làm này đã giúp tưới đều hơn 5,5 km2 rừng mỗi ngày.

Rừng rậm rạp hơn, động vật hoang dã cũng nhiều lên trông thấy. Chính phủ Ấn Ðộ chỉ thật sự biết tới Molai Kathoni vào năm 2008 với thông tin về một đàn voi hoang dã hơn 100 con. Chúng cư trú tại đây khoảng sáu tháng mỗi năm và đã sinh ra 10 chú voi con trong rừng. Mặc dù vậy, đàn voi này cũng là thủ phạm tàn phá rất nhiều ngôi nhà ở một làng gần đó. Dân làng trong cơn tức giận, lập tức kéo đến đòi phá bằng được khu rừng. Chính sự quyết liệt của Jadav đã bảo vệ Molai Kathoni: "Hãy chặt đầu tôi trước khi đốn ngã những cái cây của tôi".

Không chỉ đàn voi, rừng Molai còn là nhà của năm chú hổ hoàng gia Bengal, tê giác Ấn Ðộ, hơn 100 con nai, lợn rừng, thỏ, khỉ, một số giống chim, kền kền, và đương nhiên là bò sát và rắn - nguồn gốc của câu chuyện phi thường này. "Trong vòng 35 năm, những con hổ đã ăn thịt cả thảy 85 con bò, 95 con trâu và 10 con lợn", Jadav Payeng nói một cách đầy thực tế, rồi lại bông đùa "Chúng không biết ở đây có hổ".

Từ cảnh tượng hoang vu, chết chóc, đầy ám ảnh ban đầu, cậu bé Jadav bằng sự nhiệt thành đã từng bước hồi sinh Majuli, biến nơi này thành một khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã tràn đầy sức sống. Hòn đảo Majuli trên sông Brahmaputra với tổng diện tích gần 10 km2 là một trong những hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới. Trong đó, rừng Molai chiếm 5,5 km2.

Hy vọng về mầu xanh

Câu chuyện về một cậu bé mới chỉ học hết lớp 10, ngày ngày cần mẫn với công việc trồng và chăm sóc rừng cây có thể vẫn còn nằm trong bóng tối nếu không tình cờ được Jitu Kalita phát hiện. Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã địa phương, người đã giúp tên tuổi Jadav được vinh danh trên khắp thế giới, nay là bạn và người cố vấn của anh.

Câu chuyện của Jadav truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nỗi có hẳn một cuốn sách dành cho trẻ em kể về việc Jadav cố gắng cứu hòn đảo của anh và tự mình biến khu rừng thành nhà của động vật hoang dã.

Rừng Molai và Jadav Payeng cũng là chủ đề của các bộ phim tài liệu đoạt nhiều giải thưởng. Năm 2012, bộ phim tài liệu địa phương "Rừng Molai" (The Molai Forest) được sản xuất bởi Jitu Kalita, được chiếu tại Ðại học Jawaharlal Nehru. Năm 2013, William Douglas McMaster đã hoàn thành phim ngắn về công việc của Jadav mang tên "Người rừng" (Forest man). Bộ phim đã giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên
hoan phim Cannes (Pháp) vào năm 2014.

Năm 2015, anh được trao tặng Padma Shri, giải thưởng dân sự cao thứ tư của Chính phủ Ấn Ðộ. "Padma Shri là giải thưởng mang tính khích lệ. Trồng rừng là nhiệm vụ của tôi. Ai cũng phải làm một điều gì đó cho Trái đất, nếu không, sẽ không còn ai và cũng chẳng còn gì tồn tại nữa", Jadav khẳng định. "Nếu mỗi học sinh trong nước được giao trách nhiệm trồng và chăm sóc hai cây, Ấn Ðộ sẽ xanh hơn rất nhiều".

Trong hình dung của Jadav, mầu xanh có thể bao phủ Majuli, tiến xa hơn đến Kamalabari và huyện Dibrugarh. Hoàng hôn buông xuống, Jadav lại đạp xe, lên thuyền, rồi cưỡi chiếc xe đạp trở về nhà cho kịp bữa tối lúc tám giờ. Ngày mai sẽ là một ngày mới và các hạt giống sẽ tiếp tục được mọc lên, thành những khu rừng.