“Người mơ mộng” và “câu chuyện thần tiên”

Hố sâu khoảng cách giàu - nghèo đang càng lúc càng trở thành một vấn đề nhức nhối đối với thế giới hiện đại. Thu hẹp khoảng cách ấy là một thách thức, và ngay cả việc mang đến cho người nghèo một cơ hội bằng các biện pháp tài chính cũng là điều không hề dễ dàng. Song, từ hơn 40 năm qua, có một người đã và đang nỗ lực thực hiện điều đó, mà những thành công của ông tạo nên ảnh hưởng tích cực đối với cả cộng đồng quốc tế - Muhammad Yunus.

“Người mơ mộng” và “câu chuyện thần tiên”
“Người mơ mộng” và “câu chuyện thần tiên” ảnh 1

Thành công lớn từ "một chuyện nhỏ"

Năm 2006, Muhammad Yunus cùng đứa con tinh thần của ông - Ngân hàng Grameen - được trao giải Nobel Hòa bình. Một giải thưởng bất ngờ, bởi Yunus vốn là một nhà kinh tế học. Tuy vậy, Ủy ban Nobel lại có một góc nhìn khác, dựa vào những gì ông đóng góp cho đất nước Bangladesh.

"Hòa bình và hạnh phúc lâu dài không thể đạt được nếu những nhóm dân cư trong xã hội không tìm được cách thoát khỏi đói nghèo. Cả về mặt văn hóa lẫn văn minh, Yunus và ngân hàng của ông đã cho thấy ngay cả người bần cùng nhất trong số những người nghèo cũng có thể làm việc, để tự thúc đẩy bản thân mình phát triển".

Bangladesh có diện tích chưa bằng một nửa Việt Nam, nhưng lại có dân số đông gần gấp đôi. Ở những năm giữa thế kỷ 20, Bangladesh vẫn rất nghèo đói và lạc hậu. Con đường duy nhất để những người như Yunus thoát nghèo là học tập. Trong kỳ thi đại học năm ấy, Yunus đứng thứ 16 trong số 39.000 thí sinh tham dự.

Câu chuyện đưa Yunus đến giải Nobel Hòa bình bắt đầu tròn ba thập niên trước đó. Có điều kiện phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa, Yunus vẫn chọn trở lại Bangladesh sau một thời gian làm việc tại Mỹ. Năm 1976, ông thực hiện chuyến khảo sát đến một ngôi làng gần trường đại học Chittagong, nơi ông làm việc. Tại đó, ông đã thăm, làm việc với những con người khốn khó nhất trong xã hội, và nhận được một đề nghị bất ngờ.

"Ông có thể cho tôi vay tiền được không? Không cần nhiều đâu", một người phụ nữ hỏi. Tại ngôi làng có tên Jobra đó, dân làng có nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng mây tre đan. Tuy nhiên để có tiền mua vật liệu, họ phải vay từ các thành phần xã hội đen với lãi suất cắt cổ. Họ tìm đến tín dụng đen vì các ngân hàng thương mại truyền thống không muốn cho người nghèo vay những khoản tiền quá nhỏ như vậy. Quá rủi ro.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Yunus: Sao không thử cho họ vay, và quan sát hành vi của những "con nợ" này? 42 phụ nữ trong làng được Yunus cho vay khoản tiền tương đương 27 USD, một con số rất nhỏ, cùng mức lãi suất không thể ưu đãi hơn: 0,07%.

Kết quả thật khó tin: Toàn bộ 42 đối tượng cho vay đều hoàn trả đúng hạn. Ảnh hưởng không chỉ nằm ở mức độ thu hồi vốn hoàn hảo. Yunus nhận thấy những khoản vay dành cho người nghèo, dù rất nhỏ, lại có thể thay đổi lớn cuộc sống của họ. Từ đó, Yunus bắt đầu quan tâm dần đến khái niệm "tín dụng vi mô" và "tài chính vi mô", liên quan đến hoạt động cho vay dành cho những đối tượng nghèo nhất trong xã hội.

Bằng uy tín của cá nhân, và cả những tổ chức hỗ trợ, Yunus đã vay tiền từ ngân hàng địa phương để cho người nghèo vay tiền. Ðến năm 1982, đã có tới 28.000 người được cho vay. Thành công của chương trình giúp Yunus thành lập ngân hàng Grameen sau đó một năm. Ở thời điểm Yunus nhận giải Nobel Hòa bình, ngân hàng Grameen đã cho 7,4 triệu người nghèo Bangladesh vay số tiền tương đương 6,38 tỷ USD.

Dùng truyền thống để phát triển hiện đại

Ý tưởng "tài chính vi mô" và "cho người nghèo vay tiền" của Yunus từng bị coi là điên rồ. Có người gọi Yunus là "kẻ mơ mộng về một câu chuyện thần tiên". Họ cho rằng những đối tượng vay tiền từ ngân hàng Grameen phần lớn không dùng số tiền này để kinh doanh hay cải thiện đời sống. Thay vào đó, chúng được dùng để tiêu pha và rất khó thu hồi.

Trái với những đánh giá phiến diện - từ cả trong và ngoài Bangladesh, Yunus đã xây dựng một hệ thống quản lý giúp hạn chế tối đa rủi ro. Chìa khóa nằm ở chính những giá trị truyền thống của Bangladesh.

Thứ nhất, Yunus và ngân hàng Grameen thành lập một cộng đồng không chính thức giữa những người vay tiền ở cùng địa phương, gọi là "nhóm đoàn kết". Các thành viên trong nhóm đoàn kết này không chỉ là người vay tiền, mà còn kiêm luôn nhiệm vụ đồng giám sát hoạt động sử dụng khoản vay. Bên cạnh đó, họ cũng hỗ trợ láng giềng sản xuất để khoản vay đạt hiệu quả.

Thứ hai, Yunus chọn đối tượng vay tiền chủ yếu theo giới tính. 94% những người được ngân hàng Grameen cho vay là phụ nữ. Theo quan điểm của Yunus, phụ nữ làm việc chăm chỉ hơn nam giới, và họ nghiêm túc hơn trong công việc.

Ðến nay, hơn 100 nước đang phát triển áp dụng mô hình tài chính vi mô của Bangladesh. Phương pháp giảm thiểu rủi ro của họ cũng tương tự Yunus: Quản lý đối tượng cho vay theo nhóm, và ưu tiên phụ nữ vay tiền.

"Yunus đã mang lại lợi ích cho hàng triệu người trên toàn thế giới", Ủy ban Nobel vinh danh ông vào năm 2006. "Cho người nghèo vay tiền mà không cần bất kỳ sự bảo đảm tài chính nào vốn là một ý tưởng bất khả thi, nhưng Yunus đã biến nó thành sự thật".

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton lại có một quan điểm khác: "Theo tôi, với sáng kiến giúp tầng lớp bần cùng thoát nghèo, Yunus xứng đáng nhận giải Nobel Kinh tế, và lẽ ra ông phải được trao từ rất lâu rồi".

Luôn tìm ra con đường giúp thoát nghèo

Giải Nobel Hòa bình không thể giúp Yunus ở lại cống hiến cho ngân hàng Grameen lâu như ông mong muốn. Năm 2011, ông bị xóa tên khỏi ngân hàng Grameen với chức danh Giám đốc quản lý với lý do "quá già". Từ vị trí người sáng lập, mang lại thành công cho ngân hàng Grameen, giờ đây Yunus chỉ còn là một cố vấn trong ban điều hành.

Tuy vậy, Yunus đã kịp nghĩ tới những mục tiêu xa hơn với mô hình "giúp người nghèo thoát nghèo" của ông. Rất lâu trước khi thế giới nói về những "doanh nghiệp xã hội hoạt động phi lợi nhuận", ngân hàng Grameen của ông đã thực hiện điều đó. Bản thân Yunus đã dành một phần trong 1,4 triệu USD số tiền ông nhận được từ giải Nobel Hòa bình để làm công tác xã hội. Bằng tiền và uy tín cá nhân, Yunus mở một công ty chuyên sản xuất thực phẩm giàu dinh dưỡng với giá thấp. Phần tiền còn lại giúp thành lập một bệnh viện chữa mắt cho người nghèo Bangladesh.

Còn tại ngân hàng Grameen, Yunus không chỉ để lại một ngân hàng được định giá 1,6 tỷ USD. Hàng triệu người nghèo từng vay tiền từ ngân hàng Grameen cũng là cổ đông nhỏ, và họ có quyền bầu ra chín thành viên vào Hội đồng quản trị, cũng là những phụ nữ nghèo như họ.

Yunus rồi cũng sẽ ra đi vào một ngày nào đó, nhưng di sản của ông là bất tử.