Người kể chuyện cổ tích Siberia

Đọc tác phẩm của Tamara Cheremnova như thể được sống trong thế giới của cổ tích, của những điều nhân văn. Nhưng, cuộc đời của bà lại là chuỗi những thua thiệt, nghiệt ngã. Sinh ra với căn bệnh bại não, từng sống trong trại tâm thần, điều gì khiến tâm hồn Tamara Cheremnova giữ được sự trong suốt đến diệu kỳ?

Người kể chuyện cổ tích Siberia

Ở nơi tăm tối nhất

Năm 1961, khi chỉ còn một ngày nữa là sinh nhật tròn sáu tuổi, cha mẹ Tamara Cheremnova đã quyết định đưa cô con gái nhỏ tới nhà chăm sóc đặc biệt. Họ đâu ngờ rằng, đã gửi cô con gái mắc căn bệnh bại não của mình đến một nơi thật sự là “địa ngục”. Tất cả đã ăn sâu vào cô, khiến cô đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong cuốn tự truyện Grass, Asphalt Samples, Tamara đã kể lại những ký ức đau đớn về nỗi cô đơn, về việc bị bỏ đói. Điều kiện sinh hoạt hết sức ngặt nghèo, các bệnh nhân vốn đã khó khăn trong đi lại không hề có xe lăn, lại chỉ được đi vệ sinh vào những khung giờ nhất định…

Tamara không thể hiểu nổi vì sao cô lại bị nhốt trong phòng, vì sao cô luôn phải nằm trên giường tách biệt với mọi người? Câu hỏi ấy nhận lại được câu trả lời vô cảm của các nữ y tá - “Vì cô vô dụng!”. Ngày đó, người nào bị chẩn đoán “thiểu năng trí tuệ” thật chẳng khác gì bị tuyên án tù. Người khuyết tật bị coi là công dân hạng hai, họ không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường. Khi nằm trong phòng, bất động trên giường, tầm nhìn của Tamara chỉ thấy được một góc của bầu trời với những đám mây lững lờ ngoài ô cửa. Cô thậm chí đã từng khao khát và cả ghen tị với những đám mây kia. Tamara ước, “giá gì tôi có thể trở thành những đám mây đó, thoát ra khỏi nhà chăm sóc, đến bất cứ đâu, miễn là nơi đó không còn sự chán ghét tôi!”.

Tamara khắc khoải chờ mong những khi bố mẹ đến thăm, nhưng lần nào cũng vậy, nỗi buồn lại khiến cô bé thu mình hơn nữa với ý nghĩ mình bị bỏ rơi. Bố mẹ không đưa cô về nhà. Ở thời điểm ấy, cô chưa thể hiểu, bố mẹ không còn cách nào khác, cô chỉ có một mong mỏi duy nhất, và cháy bỏng - Đến bao giờ bố mẹ có thể vượt qua sự xấu hổ sai lầm, rằng “đứa con của họ không giống những đứa trẻ khác và cần được chăm sóc và chăm sóc y tế nhiều hơn” - Tamara viết trong tự truyện How I Raised Myself.

Nhưng phép màu đã không xảy ra với cô bé. Năm 18 tuổi, với bệnh án “thiểu năng trí tuệ”, Tamara bị đưa đến trại tâm thần. Những ngày tháng bị đày đọa đã không đánh gục Tamara, cô tìm cách cứu vớt chính bản thân mình. Tamara đã viết một lá thư kể cho Viện sĩ Yevgeny Chazov, câu chuyện cuộc đời mình.

Cho đến lúc này, “đũa thần” đã chạm vào cuộc đời của cô gái trẻ. Bệnh án của cô được xem xét lại, và kết luận cuối cùng chính là một phép màu. Tamara được chuyển từ bệnh viện tâm thần đến một nhà chăm sóc chung. “Đây không phải là một nhà điều dưỡng và không giống ở nhà, nhưng vẫn tốt hơn một nhà thương điên”, Tamara vui vẻ nói.

Không được từ bỏ!

Tamara đến với văn học như một sự cứu rỗi hay nói đúng hơn là một “cuộc vượt thoát” khỏi số phận của mình. Ngược trở lại những ngày ở nhà chăm sóc đặc biệt, Tamara được học chữ, học số từ cô giáo Anna Sutyagina. Nhờ “cô giáo đặc biệt” đó, Tamara lần đầu được tiếp xúc với những câu chuyện cổ, với văn học, với sách: “Sách là điều sau này giúp tôi đối diện với tất cả, không từ bỏ, không đánh mất phẩm giá con người”, cô nhớ lại.

Nhưng cũng phải đến năm 1990, cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của Tamara, From the Life of the Wizard Mishuta, mới được Nhà xuất bản vùng Kemerovo phát hành. Khoản nhuận bút đầu tiên bà đã dành để mua một chiếc máy đánh chữ. Mười ba năm sau, Tamara hoàn thành cuốn sách About Red-haired Tayushka. Nhà xuất bản ngưỡng mộ tài năng và nghị lực của bà, nhưng họ lại băn khoăn vì cho rằng, câu chuyện quá triết lý, e rằng không phù hợp với trẻ em.

Một điều tình cờ may mắn đã xảy ra: Olga Zaykina - một độc giả người Nga, đã đọc một trong những câu chuyện cổ tích của Tamara trên Internet và trực tiếp liên hệ với tác giả, với mong muốn tìm đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm khác của Tamara. Và khi Tamara quyết định gửi cho Olga bản nháp Tayushka, thì Olga hoàn toàn bị chinh phục bởi chiều sâu và tính nhân văn của câu chuyện, cô lập tức đề nghị được đăng tải trên mạng tất cả những câu chuyện của Tamara. Tamara gõ rất chậm, do chỉ có một bàn tay hoạt động. Nhưng bà vẫn tiếp tục viết truyện cổ tích, tiểu luận cho người lớn và trao đổi qua phương tiện truyền thông xã hội và email. Không được phép từ bỏ hy vọng! Kể cả khi bị coi là “kẻ hạng hai”, bạn cũng không được vứt bỏ chính mình!

Người kể chuyện cổ tích Siberia ảnh 1

Niềm hạnh phúc ở tuổi 60

Câu chuyện cổ tích của chính Tamara cuối cùng cũng có đoạn kết hạnh phúc, khi tìm được hơi ấm gia đình. Năm 2017, Natalya Vasilanko, một độc giả nhìn thấy được những bức ảnh hồi bé của Tamara. “Tôi không thể gạt gương mặt của Tamara ra khỏi tâm trí. Tôi đã quyết định, và nói với chồng mình về mong muốn trao cho cô bé ấy một gia đình thật sự” - mẹ nuôi của Tamara tâm sự.

Và thế là cuộc đời cô độc của Tamara cũng kết thúc với một chương mới mở ra. Dù cho, khi được nhận nuôi, Tamara đã ngoài 60 thì một cuộc sống ấm áp bên gia đình như mong ước cuối cùng cũng thành hiện thực.

Tamara Cheremnova, đến bây giờ, vẫn luôn nhắn nhủ tới mọi người rằng “Hãy trân trọng những đứa con của bạn, vì nó chính là món quà mà thượng đế trao đến cho bạn ! Yêu lấy chính mình và mọi người chung quanh, đừng bao giờ bỏ cuộc!”.

Cuối năm 2018 vừa qua, khi chương trình BBC 100 Women công bố danh sách 100 người phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng tới từ khắp nơi trên thế giới, nữ tác giả của chúng ta đứng ở vị trí thứ 19 trong bảng danh sách nơi vinh danh các “nữ anh hùng” trong cuộc sống thường ngày! Câu chuyện về bà ngày càng trở nên nổi tiếng và trở thành động lực cho rất nhiều bạn trẻ, họ đều bất ngờ với nghị lực phi thường của “người kể chuyện cổ tích Siberia”, rồi ồ lên “sao cô ấy có thể viết nên những câu chuyện tuyệt vời như thế !”.