Ngày “đại bàng” về núi

Việc các vận động viên chủ động kết thúc sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao phong độ không phải là hiếm. Song, lý do rời khỏi sàn đấu mà võ sĩ được mệnh danh là “độc cô cầu bại” người Nga Khabib Nurmagomedov đưa ra khiến hàng triệu người hâm mộ và cả những đối thủ của anh phải rung động.
 

Ngày “đại bàng” về núi

Buổi luyện tập đáng nhớ
 
 Vào một buổi sáng tháng 9-1997, Abdulmanap Nurmagomedov nói với cậu con trai thứ hai Khabib rằng mấy cha con sẽ có cuộc dạo chơi thú vị trong rừng.
 
 Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Abdulmanap học vật tự do từ nhỏ, trước khi được đào tạo võ tự vệ sambo và judo, rồi trở về quê làm huấn luyện viên tại ngôi làng nhỏ Sildi ở Cộng hòa Dagestan, vùng Kavkaz xa xôi, phía nam của LB Nga.
 
 Hồi hộp bước theo cha, Khabib đoán rất có thể sẽ nhận được điều bất ngờ, bởi ba ngày nữa là sinh nhật thứ chín của cậu. Đi một quãng, Khabib gặp một con gấu nhỏ bị xích vào một cái cây gần đó. Abdulmanap bật máy quay, chĩa về phía con trai và yêu cầu cậu vật nhau với con gấu.
 
 Tập đấu vật từ nhỏ giống ông và cha, Khabib quá quen với các bài tập thể lực nghiêm ngặt, xong đấu với một con gấu là điều mà Khabib chưa từng nghĩ tới. Vừa thích thú, nhưng cũng e ngại trước móng vuốt của thú dữ, song không hề quay lại hỏi cha lý do của cuộc đấu kỳ lạ, Khabib chùng gối, hạ trọng tâm và lao vào cuộc chiến.

Ngày “đại bàng” về núi -0
“Đại bàng” viết tiếp giấc mơ của người cha - người thầy. 

 Năm 2001, gia đình nhà Nurmagomedov chuyển từ làng Sildi tới sống ở Thủ đô Makhachkala của Dagestan, nơi Abdulmanap biến tầng trệt nhà mình thành phòng tập để dạy đấu vật cho hai con trai và các thiếu niên trong vùng. Khabib dần cảm thấy môn vật cổ truyền là không đủ và xin phép cha được tập thêm các môn đối kháng khác. Nhận thấy tiềm năng và đặc biệt là đam mê mãnh liệt với thể thao của Khabib, Abdulmanap gửi con trai tới tập luyện cùng huấn luyện viên judo nổi tiếng bậc nhất nước Nga khi đó là Dzafar Dzafarov gần hai năm. Một quãng thời gian dài, Khabib cùng cha rong ruổi khắp nơi để thử sức ở các giải đấu vật, sambo, judo, boxing... nghiệp dư và nhận không ít thất bại.
 
 Sau nhiều nỗ lực, Khabib hai lần giành giải vô địch sambo của Nga, hai lần về nhất tại giải sambo quốc tế, và nhiều năm liền là đối thủ không thể bị đánh bại tại quê nhà Dagestan.
 
 Mũ papakha
 
 Khabib tự chọn cho mình biệt danh “đại bàng”, linh vật của Dagestan. Bay ra từ làng quê, không ngừng nghỉ, đại bàng Khabib sải cánh, nỗ lực vươn tới những chân trời mới. Năm 20 tuổi, Khabib có thắng lợi đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu võ thuật tổng hợp (MMA) và cũng kể từ đó, suốt 12 năm qua, “đại bàng Nga” chưa từng một lần nếm mùi thất bại. Hôm 25-10, Khabib hạ gục võ sĩ người Mỹ Justin Gaethje, bảo vệ thành công danh hiệu vô địch hạng cân nhẹ lần thứ tư, đồng thời vươn lên số 1 trong bảng xếp hạng các võ sĩ mạnh nhất không phụ thuộc vào hạng cân của UFC, hệ thống thi đấu MMA nổi tiếng nhất thế giới. Đây là trận thắng thứ 13 liên tiếp của Khabib tại các sự kiện UFC và thứ 29 trong toàn bộ sự nghiệp. Tổng thống Nga V.Putin, một môn đệ của judo, sambo và vật tự do, ngay lập tức gọi điện chúc mừng Khabib, đồng thời hẹn gặp mặt khi Khabib trở về. Trước đó, Tổng thống V.Putin cũng đã hai lần gặp trực tiếp để chúc mừng Khabib sau những chiến thắng quan trọng của “đại bàng”.
 
 Tuy nhiên, những điều kỳ diệu Khabib làm được vốn đã vượt ra khỏi sàn đấu. Tháng 1-2012, Khabib giành chiến thắng đầu tiên tại hệ thống giải đấu UFC. Khán giả ngay lập tức tò mò về tay đấm đến từ một nơi hẻo lánh của nước Nga không chỉ bởi sức bền và kỹ thuật vật tự do điêu luyện trong trận đấu, mà còn bởi trang phục lạ mắt. Khabib xuất hiện trên sàn đấu, mặc đồ thể thao, đeo găng tay như các võ sĩ khác, song đầu đội thêm papakha, loại mũ lông truyền thống của dân vùng Kavkaz. Cứ sau mỗi trận thắng của Khabib, “papakha”, “Dagestan” dần trở thành những từ khóa tìm kiếm phổ biến hơn trên internet.
 
 Papakha là một phần trong trang phục truyền thống của đàn ông thuộc nhiều sắc tộc tại vùng Kavkaz. Đàn ông Kavkaz khi đội papakha không bao giờ cúi đầu, đồng thời giữ lưng thẳng, đi đứng hiên ngang. Họ luôn giữ gìn mũ rất cẩn thận, bởi người Kazkav có câu: “Nếu đầu vẫn còn trên cổ, thì nhất định phải đội papakha”. Đội papakha không phải chỉ để giữ ấm, mà đó còn là biểu tượng danh dự và tôn nghiêm của người đàn ông.
 
 Với “đại bàng” và “papakha”, Khabib muốn cho cả thế giới thấy người Dagestan luôn tự hào về lịch sử và văn hóa của mình. Khi mới bước ra đấu trường quốc tế, nguồn thu nhập còn rất hạn chế, song Khabib liên tiếp từ chối các hợp đồng quảng cáo có trị giá rất lớn từ các hãng sản xuất mũ lưỡi trai, để tiếp tục đội papakha - thứ mũ không thể thay đổi của ông và cha anh.
 
 Chính quyền Dagestan hai lần trao huân chương Vì sự phụng sự Cộng hòa Dagestan cho Khabib.
 
 Nước mắt ngày giã từ
 
 Tại trận đấu thứ 29 trong sự nghiệp hôm 25-10, ngay sau khi được trọng tài tuyên bố chiến thắng trước võ sĩ người Mỹ Justin Gaethje, Khabib Nurmagomedov đổ gục xuống sàn bật khóc. Trận thắng đưa tới đỉnh cao sự nghiệp không bù đắp nổi sự mất mát mà đại bàng Nga phải trải qua. Hôm đó là lần đầu Khabib thi đấu mà không có cha. Hồi tháng 7, ông Abdulmanap Nurmagomedov, cha của Khabib qua đời vì những biến chứng sau hai tháng chống chọi với Covid-19. Trước trận đấu, Khabib nói với mẹ rằng, không biết sẽ phải chiến đấu thế nào khi không còn cha bên cạnh, người vừa là huấn luyện viên, vừa là bạn đồng hành không rời từ những ngày đầu đời của anh. Trong nghẹn ngào, Khabib nói rằng, đã hứa với mẹ đây là trận đấu cuối cùng và sẽ thực hiện đúng lời hứa.
 
 Khabib đứng đầu danh sách các ngôi sao giải trí và thể thao của Nga dưới 40 tuổi có thu nhập tốt nhất trong các năm 2019 và 2020, nhận được hơn sáu triệu USD chỉ trong trận đấu cuối cùng, có hơn 25 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Instagram… Song, tiền bạc và sự hào nhoáng không đủ sức để giữ chân Khabib. Đại bàng ngẩng cao đầu bay về núi, về bên những người ruột thịt, như đã hứa. Khabib lên kế hoạch mở phòng tập ngay tại chính quê hương của mình như người cha quá cố từng làm, để giúp sức cho những lứa đại bàng mới của vùng núi Kavkaz cất cánh bay xa.