Mãi cháy một tình yêu

Đã có mặt tại 66 quốc gia, đã theo chân đội tuyển (ĐT) Brazil đến 150 trận đấu ở tổng cộng bảy kỳ World Cup, sáu kỳ Cúp vô địch Nam Mỹ (Copa America), bốn kỳ Cúp các liên đoàn châu lục (Confederations Cup) và một kỳ Thế vận hội (Olympic), Clovis Acosta Fernandes được mệnh danh là cổ động viên số 1 trong lịch sử bóng đá Brazil, và là biểu tượng trung thành nhất với trái bóng trên toàn thế giới.

Mãi cháy một tình yêu

“Cầu thủ thứ 12”

Clovis thừa hưởng tình yêu với bóng đá và đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Brazil từ người cha của mình. Tại hai kỳ World Cup liên tiếp vào các năm 1958 và 1962, thời Pele huyền thoại còn đang thi đấu, cha Clovis đã bắn pháo hoa ngay trong sân nhà, mừng danh hiệu vô địch của “đội bóng Vàng - Xanh”. Cho tới kỳ World Cup 1970, chàng trai trẻ Fernandes tự nhủ: Nếu World Cup không tới Brazil, ông sẽ tìm tới World Cup.

Trưởng thành, kết hôn và có cuộc sống yên bình tại thành phố cảng Porto Alegre, Clovis chăm chỉ làm việc tại tiệm bánh pizza nhỏ của riêng mình, cùng tình yêu bóng đá vẫn cháy âm ỉ. Bỗng một ngày, trước kỳ World Cup 1990, Colvis cảm nhận tình yêu đó bùng cháy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ông tuyên bố bán tiệm bánh pizza để lấy tiền đi Italy cổ vũ đội nhà. Bạn bè, người thân đều cho rằng đó là một “quyết định gàn dở”, xuất phát từ “khủng hoảng tuổi trung niên”. Tuy nhiên, Clovis vẫn quyết tâm bán tiệm bánh, mua cho vợ chiếc đàn piano mà bà từng mơ ước bấy lâu, rồi lên đường.

Mãi cháy một tình yêu ảnh 1



“Tôi nhớ hồi World Cup năm 1986 ở Mexico, tôi đã không bỏ sót trận đấu nào trên ti-vi. Cảm giác khi đó khiến tôi tự hứa rằng, một ngày nào đó tôi phải có mặt ở một kỳ World Cup, một ngày nào đó tôi phải theo chân cổ vũ đội tuyển Brazil ở trận chung kết. Giấc mơ đó trở thành hiện thực vào năm 1990 - World Cup đầu tiên của tôi”, Clovis từng chia sẻ. Để có đủ tiền theo chân và cổ vũ đội bóng, Fernandes thậm chí xin giúp việc trong một cửa hàng pizza ở Italy. Tại kỳ World Cup năm đó, ĐT Brazil bị loại ở vòng 1/8. Clovis, dĩ nhiên, rất buồn trở về nhà, nhưng ánh mắt ông vẫn rực lên với khát khao mới, về những chuyến đi và cảm xúc với bóng đá. Từ đó, vợ và các con ông hiểu: không gì có thể ngăn cản ông.

Kỳ World Cup tiếp theo, năm 1994, Clovis đi Mỹ, mang theo cậu con trai Frank, mà trước đó, ông bắt học tiếng Anh để làm phiên dịch viên cho chuyến đi. Bản thân Clovis vẫn chỉ nói tiếng Bồ Đào Nha và khăng khăng với con trai rằng: bóng đá là ngôn ngữ quốc tế. World Cup năm đó ĐT Brazil vô địch. Một nhóm cổ động viên với tên gọi “Gaucho da Copa” (Các chàng cao bồi của Copa), do “cao bồi” Clovis Fernandes với mũ rộng vành và ria mép dẫn đầu, xuất hiện trên khắp các trang báo Brazil. Gaucho nhận được lời cảm ơn đặc biệt từ các cầu thủ ĐTQG.

Kể từ đó, Fernandes có mặt trên mọi hành trình của ĐTQG Brazil, từ World Cup tới Copa America hay Confederations Cup. “Tôi là cầu thủ thứ 12 của họ, tôi có mặt trên mọi hành trình. Nếu Cafu chơi 150 trận cho Brazil thì tôi đã có mặt trong 146 trận cầu của họ. Tôi sát cánh cùng đội tuyển giành chiến thắng hai lần, ở Mỹ và ở Nhật Bản - Hàn Quốc” - ông tự hào.

“Người đàn ông buồn nhất Brazil”

Năm 2014, sự nổi tiếng của “Gaucho” đã vượt khỏi lãnh thổ Brazil. Năm đó Brazil là nước chủ nhà đăng cai World Cup. Nỗi thất vọng lớn nhất trong 25 năm đến với ông, khi đội nhà thảm bại trước ĐT Đức tại bán kết với tỷ số 1-7. Giữa hàng nghìn cổ động viên Brazil buồn bã trên khán đài, hình ảnh ông già Clovis Fernandes với ria mép đã bạc, đầu đội mũ rộng vành, nước mắt lưng tròng, ôm chặt chiếc cúp mô hình vào lòng được các quay phim và nhiếp ảnh gia đặc biệt chú ý và truyền đi khắp thế giới. Từ đó, Fernandes nhận thêm biệt danh “người đàn ông buồn nhất Brazil”. Clovis Fernandes sau đó trao chiếc cúp của mình cho một cổ động viên nữ Đức và nhắn nhủ: “Hãy mang nó tới trận chung kết. Như cô thấy đấy, thật không dễ dàng gì, nhưng các bạn xứng đáng với chiến thắng này, xin chúc mừng!”.

Ngày 16-9-2015, Bệnh viện Santa Casa ở Porto Alegre khiến những người yêu mến bóng đá thế giới bàng hoàng, hụt hẫng, khi đưa tin buồn về Clovis Acosta Fernandes. Trang Twitter của FIFA World Cup cũng đưa ra thông báo với sự tiếc thương: “Hôm nay, làng bóng đá mất đi một trong những cổ động viên mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại. Clovis Acosta Fernandes, người đã cổ vũ đội bóng Brazil yêu dấu của ông tại bảy kỳ FIFA World Cup ở trên 60 nước đã qua đời ở tuổi 60, sau cuộc chiến dai dẳng với ung thư. Hình ảnh ông rơi nước mắt trong trận bán kết mà Selecao thất bại là một trong những hình ảnh mẫu mực của giải đấu. Chúng tôi sẽ rất nhớ ông, Clovis!”.

Tại kỳ World Cup 2018 vừa khép lại tại Nga, vũ điệu Samba của Brazil đã phải dừng nhịp, khi đội bóng Nam Mỹ để thua ĐT Bỉ trong trận đấu ở vòng tứ kết. Lần đầu sau 30 năm, trên khán đài vắng bóng người cao bồi già với bộ ria mép và nụ cười hiền hậu. Tuy nhiên, chiếc cúp và mũ rộng vành, cùng các con trai của Fernandes vẫn xuất hiện trên khán đài các sân vận động ở Nga.

Frank Fernandes, con trai của Clovis Fernandes đùa rằng, chiếc cúp của cha anh được nhiều người ôm và hôn hơn chiếc cúp thật. Bởi, cúp thật thường chỉ được nâng cao quá đầu bởi các đội trưởng đội tuyển vô địch mỗi kỳ World Cup, sau đó được cất trong bảo tàng, phòng lưu niệm. Trong khi đó, cúp vàng của nhà Fernandes vẫn tiếp tục được chụp ảnh, ôm, hôn bởi hàng nghìn cổ động viên qua mỗi kỳ World Cup. Các con trai, con gái và các cháu của “người cao bồi già” tiếp tục truyền đi ngọn lửa tình yêu bóng đá tới khắp nơi trên thế giới. Frank Fernandes, nếu tính cả giải đấu năm nay tại Nga, đã tham dự bảy kỳ World Cup. Trong khi đó, người em trai Gustavo Fernandes đã tham dự bốn kỳ.

Họ là sự tiếp nối, và sẽ là sự tái sinh hình ảnh cũng như những ký ức tuyệt vời về người cha được cả thế giới yêu mến của mình.