Lãng mạn kiểu kinh tế học

Giáo sư người Mỹ Paul Romer tư duy về những con số rất khác những người đồng nghiệp. Ông thích đem các tính toán vào cuộc sống, ngay cả trong ngày vinh quang nhất sự nghiệp học thuật của mình.

Lãng mạn kiểu kinh tế học

Ðám cưới cũng phải kinh tế

Ngày 8-10-2018, Romer được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Ðiển quyết định trao tặng giải Nobel (cùng William Nordhaus), "vì cho thấy tầm quan trọng của tri thức trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn".

Trước Romer, chưa có học giả nào thành công trong việc chứng minh những quyết định của nền kinh tế và điều kiện thị trường có thể quyết định sự ra đời của những sản phẩm công nghệ mới. Romer đã giải thích nó theo cách không ai ngờ tới. Ông đưa ra dẫn chứng là các chính phủ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp làm điều đó bằng những hàm số vô cùng phức tạp. Nhưng để hiểu hơn về Romer, hãy... tạm quên đi những khái niệm trừu tượng về kinh tế học được nhắc đến ở trên.

Khi phía Thụy Ðiển gọi điện thoại sang Mỹ, ở bên kia đầu dây, ông trả lời: "Tôi cảm thấy rất vinh dự. Trùng hợp đến không ngờ, hôm nay cũng là ngày tôi lên kế hoạch chuẩn bị làm lễ cưới". Dĩ nhiên chẳng mấy người tin hai chuyện vui nhất trong đời Romer lại diễn ra trong cùng một năm. Từ những năm đầu thập niên 2010, ông đã nằm trong danh sách những nhà kinh tế học chỉ còn chờ đếm ngược từng năm để lên bục nhận giải thưởng Nobel. Mọi chuyện đều đã nằm trong tính toán của ông.

Ðến tháng 12-2018, Romer tổ chức đám cưới ở Thụy Ðiển. Vài phút sau khi chính thức lên xe hoa, ông mặc nguyên bộ vest đuôi tôm của chú rể, thắt cà-vạt đến nhận giải Nobel. Lý giải về việc làm này của mình, Romer nói: "Mong mọi người thứ lỗi. Dù gì, tôi cũng là nhà kinh tế học mà!". Theo quy định, nhà khoa học nhận giải Nobel cùng người thân sẽ được đài thọ tiền vé máy bay đến Thụy Ðiển. Romer tổ chức đám cưới ở đó đơn giản là để tiết kiệm tiền tàu xe!

Thông thường các giáo sư kinh tế chỉ quan tâm nghiên cứu khoa học, nhưng Romer không giới hạn mình trong khuôn khổ đó. Năm 2001, ông từng bỏ dạy học để khởi nghiệp kinh doanh một chương trình giảng dạy trực tuyến có tên Aplia. Công việc đang ăn nên làm ra thì ông bán công ty để về dạy học, rồi không lâu sau đó chuyển sang làm Giám đốc Kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB). Ở đâu ông cũng thành công bằng tài năng xuất chúng của mình.

Yêu như nhà khoa học

Mọi người có thể tò mò thắc mắc vì sao một học giả nổi tiếng, lại xuất thân gia thế như Romer mà gần 60 tuổi vẫn "chưa có mảnh tình nào vắt vai". Nhưng nếu biết chuyện ông phải khốn khổ thế nào mới cưới được bà Caroline Weber, tất cả sẽ phì cười. Romer có thể rất giỏi trong khoản viết lách, thực hiện những phép tính khó, nhưng gần như mù tịt trên tình trường. Khoản ăn nói của ông cũng dở tệ và chỉ khá lên kể từ ngày lập gia đình.

"Tôi giúp không ít học thuyết lấp đầy các khoảng trống trong lập luận, nhưng lại không cách nào tự lấp đầy khoảng trống trong tim mình" - Romer hồi tưởng - "Chính vợ tôi là người đã làm điều đó. Kể từ ngày gặp cô ấy, tôi dường như khám phá ra một phần năng lực tiềm ẩn của bản thân mà trước đây tôi không hề biết". Thật khó để hiểu Romer đã yêu như thế nào vì "nửa kia" nói bà không thật sự ấn tượng với ông trong lần đầu gặp mặt. Bà thấy ông có vẻ ngoài ưa nhìn nhưng lại bị công việc và môn nghiên cứu kinh tế ám ảnh.

Lãng mạn kiểu kinh tế học ảnh 1

Nỗi lo ngại của bà Weber đã thành sự thật. Sau buổi hẹn đầu tiên Romer hộ tống bà về đến tận nhà nhưng không hỏi số điện thoại, mà hỏi... địa chỉ email công việc. Ông muốn gửi ngay cho bà xem khóa học mở mà ông chuẩn bị tiến hành trong tháng tới! Nhìn vào khuôn mặt chưng hửng của "ý trung nhân" Romer mới giật mình nghĩ "Thôi xong rồi. Hỏi kiểu này đừng hòng cô ấy thèm liên lạc". Và đúng là như thế thật! Bức mail Romer gửi sau ba tháng không hề được hồi đáp.

Phải nhờ bạn bè giúp đỡ để có cơ hội gặp lại thêm năm lần bảy lượt, nàng mới để ý đến chàng hơn. Ðến lúc Romer ngỏ lời, Weber mới biết ông sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc chứ không chỉ là gã lập dị mê khoa học như bà vẫn nghĩ!

Vì những kẻ yếu thế

Ông Roy Romer, cựu Thống đốc bang Colorado là một trong những chính trị gia có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ trong nhiều năm qua. Nhận xét về bảy người con của mình, ông khẳng định không ai thể hiện tài năng vượt trội như cậu con trai Paul Romer. Romer hoàn toàn có thể trở thành một Thống đốc hoặc Thượng nghị sĩ nếu nối nghiệp cha, thậm chí có cơ hội đắc cử Tổng thống. Nhưng thay vì bước vào chính trường, ông lại chỉ thích làm toán.

Tốt nghiệp Cử nhân Toán học khi mới 21 tuổi, Romer chỉ mất một năm để hoàn tất chương trình Thạc sĩ. Tấm bằng Tiến sĩ tốn nhiều thời gian của Romer hơn một chút vì ông thích chu du khắp Bắc Mỹ, vừa làm, vừa học. Bằng cách đó ông có thể học hỏi từ những giáo sư kinh tế hàng đầu tại Mỹ bao gồm cả Robert Lucas, người sau này nhận giải Nobel. Những người làm việc cùng Romer nhận xét ông là người mộng mơ, không bao giờ màng đến danh vọng hay tiền bạc.

"Mọi người thường hỏi tôi tại sao hay nghiên cứu tập trung vào tăng trưởng kinh tế. Tôi trả lời họ rằng tôi muốn lý giải về mối quan hệ giữa tăng trưởng và đổi mới ở từng quốc gia", Romer chia sẻ. "Tại sao các nước tăng trưởng ngày càng nhanh? Câu hỏi đó cứ hiện hữu trong đầu tôi. Rồi tôi nghĩ nếu mình có thể trả lời được, hàng triệu người khác sẽ được giúp đỡ". Ðó chính là con đường ngắn nhất để nhân loại cùng tiến bộ.

Chính vì mang trong mình suy nghĩ mộng mơ đó, nên Romer luôn có tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của những vị tiền bối. Họ thường cho rằng, tăng trưởng kinh tế xuất phát từ các khoản tiết kiệm và cải tiến chất lượng giáo dục. Nhưng Romer lại nghĩ khác. Tại sao trong cùng giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, nước Anh có tỷ lệ tiết kiệm và chất lượng giáo dục tương đương Mỹ nhưng lại ngày càng tụt hậu về quy mô nền kinh tế? Câu trả lời nằm ở những tiến bộ công nghệ và quy mô thị trường.

Ðó cũng là cơ sở để Romer dự đoán châu Á và Mỹ la-tinh sẽ vươn lên trong thế kỷ 21. Không ít nhà kinh tế học từng đánh giá thấp những nền kinh tế mới nổi. Romer thì không. Trên cương vị Giám đốc Kinh tế của WB, ông từng quyết liệt chỉ trích chính nơi mình làm việc vì đánh giá không công bằng môi trường kinh doanh tại Chile. Khi luận điểm bảo vệ Chile của Romer bị bác bỏ, ông lập tức từ chức. Vị giáo sư ấy luôn công khai bênh vực những kẻ yếu thế.