Kỳ tích của một nhân viên “quèn”

Thí nghiệm thành công khi ông 28 tuổi, nhưng mãi 15 năm sau, Koichi Tanaka mới được trao giải Nobel hóa học vì những cống hiến trong nhận diện và phân tích các phân tử sinh học lớn. Mất 17 năm tiếp đó, ông cùng đồng nghiệp vừa cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, được phát triển từ chính phòng nghiên cứu mang tên mình.

Kỳ tích của một nhân viên “quèn”

Cuộc điện thoại bất ngờ

Buổi tối 9-10-2002, đồng loạt chuông điện thoại tại Công ty Shimadzu (Nhật Bản) bỗng reo lên liên hồi. Các nhân viên hoàn toàn ngỡ ngàng khi nhấc máy. Tất cả đều lầm tưởng, đây hẳn là trò đùa oái oăm của một chương trình truyền hình hài hước. Tại sao người đồng nghiệp Koichi Tanaka lại được cả thế giới tò mò đến vậy?

Trước đó, nhân viên văn phòng Koichi đang mải mê làm thêm giờ, chợt nhận được một cuộc điện thoại quốc tế và người ở đầu dây bên kia dùng tiếng Anh để trao đổi. Ông chỉ thoáng nghe những lời chúc mừng mơ hồ về một giải thưởng nào đó mang tên Nobel rồi lặng lẽ cảm ơn và dập máy.

Ngay từ giây phút chuông điện thoại của Koichi vang lên, tin tức ông được trao giải Nobel đã truyền đi khắp thế giới. Nhưng, chẳng một ai biết người đàn ông nổi tiếng này trông thế nào? Trong khi hàng loạt phóng viên tụ tập chờ phỏng vấn bên ngoài công ty với đầy đủ các loại máy móc, một nhân viên “quèn” với trang phục công sở bình thường bước ra, nở nụ cười ngây ngô trước ống kính.

Koichi Tanaka trở thành người đoạt giải Nobel Hóa học với học vấn thấp nhất, thậm chí ông còn chưa từng nghiên cứu chuyên sâu. Giới chuyên môn không ai biết đến và tư liệu về ông cũng không có trong kho lưu trữ. Sau khi ông được trao giải Nobel Hóa học năm 2002, trường đại học cũ của ông đã đặc cách phong tặng ông bằng danh dự Tiến sĩ hóa học.

Quan điểm sống đặc biệt

Koichi được chú thím nhận về nuôi dưỡng bởi gia đình cậu gặp nạn chỉ ít lâu sau khi cậu bé chào đời. Vốn nhút nhát, không dám nói chuyện cùng bạn bè, Koichi thường xuyên bị bắt nạt và mang danh “đồ ngốc” trong lớp. Ông lớn lên với bóng cha (người chú) luôn bận rộn, lặng lẽ làm việc; bên cạnh dáng mẹ (người cô) tảo tần quán xuyến việc nhà cũng như tính toán chuyện sổ sách kinh doanh của gia đình tới tận đêm khuya. Cùng trong không gian sống đó, người bà tiết kiệm tới từng tờ giấy nháp cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người Koichi.

Kỳ tích của một nhân viên “quèn” ảnh 1

Năm 18 tuổi, Koichi Tanaka thi đậu vào Khoa Kỹ thuật Điện - Công nghệ, Trường đại học Tohoku - một trường tương đối ưu tú ở Nhật Bản. Khi nhận thấy nghĩa vụ phải khai báo thông tin khai sinh chính thức, cả nhà sau nhiều đau khổ đã quyết định tiết lộ bí mật về cha mẹ đẻ với Koichi. “Sự thật đến như một cú sốc và chấn thương hiện hữu trong tôi suốt thời gian dài. Mặc dù vậy, tất cả những hạnh phúc bình dị trước giờ đều xuất phát từ sự dạy dỗ công bằng của gia đình và họ hàng”.

Mọi người chưa từng thúc ép Koichi Tanaka phải thành công. Thay vào đó, họ giúp ông có quan điểm sống vô cùng đặc biệt: “Kiên trì làm việc để hoàn thành các nhiệm vụ trong cuộc sống. Không bỏ sót bất kỳ điều gì, dù đó là những chi tiết nhỏ nhặt nhất”.

Kỳ tích chợt đến

Tốt nghiệp đại học, ước mơ của Koichi Tanaka là được làm kỹ thuật trong công ty nổi tiếng - Sony. Nhưng, ông đã bị loại ngay từ vòng xem xét hồ sơ tuyển dụng. Giáo sư Adachi, người hướng dẫn tại Trường Tohoku, đã giới thiệu ông với công ty ít tên tuổi hơn - Shimadzu. Và nơi đây đã chứng kiến bước ngoặt thay đổi cuộc đời chàng trai người Nhật.

Năm 28 tuổi, Công ty Shimadzu với mong muốn chế tạo sản phẩm mới đã chỉ định Koichi làm nhân viên thí nghiệm đo đạc chất lượng của đại phân tử sinh học. Ông suýt “ngất xỉu” khi được chọn bởi trình độ hóa học chỉ đạt mức phổ thông. Nhưng nếu từ chối nhiệm vụ này, nguy cơ bị đuổi việc sẽ ập đến và Koichi chỉ còn cách gật đầu chấp nhận.

Với chuyên ngành Điện cơ, trong một lần căng thẳng sau thời gian dài làm thí nghiệm hóa học, thay vì sử dụng Cobalt, Koichi lại đổ Glycerin vào hỗn hợp thuốc thử. Dù ngay lập tức nhận ra sai lầm, ông vô cùng phiền não bởi thuốc thử rất đắt và nếu vứt đi thì thật lãng phí. Bản tính tiết kiệm khiến ông cố gắng sửa sai để tiếp tục dùng hỗn hợp này.

Koichi cố gắng làm glycerin bay hơi trong buồng chân không, rồi tăng tốc quá trình sấy khô bằng cách chiếu tia laser. Ông giữ máy quang phổ chạy và theo dõi kết quả. Cảm giác khó chịu khi ngày ngày phải nghiền ngẫm đống dữ liệu sóng nhiễu là nguyên nhân dẫn đến nhầm lẫn của Koichi. Nhưng, sai lầm ấy lại bất ngờ mở ra: “Một đỉnh tín hiệu mà tôi chưa từng thấy trước đây trộn lẫn với các đỉnh nhiễu. Đó là khác biệt nhỏ, xuất hiện ở cùng vị trí, mà tôi đã từng chạy thử nghiệm không biết bao nhiêu lần”. Chính điều này đã tạo nên kỳ tích.

Kiên trì theo năm tháng

Nếu dùng phương pháp laser để đo phân tử lượng, nhiều nhất cũng chỉ đo được trong 1.000 hợp chất. Thế nhưng, từ sai lầm ngẫu nhiên kia, Koichi Tanaka đã phân tách thành công tới 10.000 hợp chất, góp phần tạo nên bài luận văn hóa học đầu tiên trong đời mình.

Thành tựu vô cùng xuất sắc này được xác định không thể giúp công ty Shimadzu nâng cao lợi nhuận, nên Koichi cũng chẳng nhận được phần thưởng nào. Ông tiếp tục làm việc như một nhân viên “quèn” với đồng lương ít ỏi, kết hôn năm 35 tuổi và đón nhận cuộc gọi bất ngờ ở tuổi 43.

Kể từ thời điểm ấy, Koichi Tanaka được nhận làm giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học lớn ở Nhật Bản. Cổ phiếu của Công ty Shimadzu lên như diều gặp gió. Koichi trở thành Trưởng phòng nghiên cứu mang chính tên ông - Koichi Tanaka (năm 2003) và đồng thời nhận đãi ngộ ngang với giám đốc.

Sau 16 năm kiên trì nghiên cứu, ông mới ra mắt thành công khối phổ kế nhỏ nhất thế giới (MALDI mini-1) vào năm 2019. Sản phẩm đầu tiên được giới thiệu kể từ năm 2003. Trước đó, khối phổ kế nhỏ nhất cũng to bằng tủ lạnh, trong khi MALDI mini-1 chỉ bằng tờ giấy A3, nặng 25 kg và mất vỏn vẹn 5 phút để phân tích được những thông số cần thiết.

Thành công của Koichi Tanaka - một nhân viên văn phòng bình thường sau hàng chục năm, rút cục không đến từ tố chất thiên tài hiếm có, mà đến từ sự “kiên trì làm việc để hoàn thành các nhiệm vụ trong cuộc sống. Không bỏ sót bất kỳ điều gì, dù đó là những chi tiết nhỏ nhặt nhất”.