Nhân vật

Khoa học và tình yêu

Một mái ấm, một giải Nobel: đó là cái kết đẹp viên mãn của mối tình thầy trò giữa Abhijit Banerjee (bên phải) và Esther Duflo (bên trái). Có điều, khi họ đến với nhau, chẳng ai tin câu chuyện của họ sẽ được lâu dài.

Khoa học và tình yêu

Tình yêu bị ngăn cấm

Năm 2012, trang chủ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đăng tải bức ảnh Banerjee tay trong tay bên cạnh Duflo. Ngay lập tức, nó trở thành đề tài đàm tiếu. Trên một diễn đàn kinh tế, nhiều người còn châm chọc: "Sao không lo nghiên cứu đi, yêu đương làm gì?", hoặc "Chắc là lợi dụng lẫn nhau thôi, hai người này kiểu gì cũng chia tay trong vài năm nữa". Có người ác ý còn nói Banerjee nên chủ động nghỉ việc ở MIT, vì ông không đủ tư cách làm giảng viên ở đây.

Thực chất, những đồng nghiệp ở MIT đã biết mối quan hệ tình cảm của Banerjee và Duflo từ lâu. Trong thời gian làm việc cùng Banerjee, Duflo từng đến thăm gia đình ông ở Ấn Ðộ cùng vài người bạn khác. Họ lúc nào cũng ríu rít bên nhau. Trong một bài phỏng vấn hồi năm 2011, Duflo còn tiết lộ bà đang mang thai và "bố đứa trẻ có tên Abhijit".

Vấn đề đời tư của hai nhà kinh tế học ấy khiến dư luận chú ý bởi hai lý do. Thứ nhất, Banerjee từng hướng dẫn Duflo làm luận án tiến sĩ. Thứ hai, ở thời điểm đó Duflo là một trong những học giả trẻ tuổi sáng giá nhất. Tất cả các nhà kinh tế học hàng đầu thế giới đều nhận định chắc chắn Duflo sẽ được trao giải Nobel Kinh tế, vấn đề chỉ là sớm hay muộn thôi.

Quan trọng hơn cả, Banerjee là người đã có gia đình trước khi đến với Duflo. Thật éo le, vợ cũ của Banerjee cũng là một giảng viên tại MIT. Vì lý do đó, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ấn Ðộ càng bị chỉ trích nặng nề. Bất chấp việc ông và Duflo đang đưa ra những phát kiến đột phá giúp xóa đói giảm nghèo ở những nước đang phát triển, họ bị coi là những kẻ ích kỷ.

Vợ chồng Banerjee - Duflo đã sống giữa những lời dè bỉu suốt bảy năm ròng, đến tận ngày họ cùng được xướng tên trong lễ trao giải Nobel Kinh tế, 2019. Ðứng trước Hội đồng Giáo sư MIT phát biểu sau khi biết tin vui, Banerjee ấp úng không nói nên lời.

Khoa học và tình yêu ảnh 1

Người vợ xuất chúng

Duflo bắt đầu quen Banerjee từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi bà rời Pháp để đến Mỹ học nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế. Kém Banerjee đến chín tuổi, nhưng sự nghiệp của Duflo lại thăng tiến nhanh hơn hẳn người chồng tương lai. Ngay sau khi nhận bằng tiến sĩ, bà được MIT giữ lại làm giảng viên. Ba năm sau, trường đại học danh giá bậc nhất thế giới trao học hàm Phó giáo sư cho Duflo khi bà mới 29 tuổi.

Những người từng làm việc cùng Duflo nói bà có thế giới quan "độc nhất vô nhị". Duflo không thích nói đùa. Trong nghiên cứu, phương pháp thành công của bà là tiến hành càng nhiều thí nghiệm càng tốt. Ngay cả khi thí nghiệm thất bại, Duflo cũng hài lòng, vì điều đó sẽ giúp những nhà khoa học khác không đi vào sai lầm bà mắc phải.

Một trong những vấn đề từng làm Duflo quan tâm nhất ở những nước nghèo là tỷ lệ sinh nở. Khi bà đến Indonesia gặp một gia đình có chín con, bà hỏi người chồng có biết rằng đẻ nhiều khiến họ nghèo không. Ông chồng đáp: "Biết chứ, nhưng có nhiều con thì sau này tôi mới có người chăm sóc. Nhỡ đẻ ít, chúng nó cũng không khá khẩm hơn thì ai lo cho tôi khi về già?".

Người bình thường sẽ thấy lý do đó có thể chấp nhận được. Một vài học giả sẽ đánh giá sự lo lắng của người chồng xuất phát từ hệ thống an sinh xã hội chưa bảo đảm. Tuy nhiên, Duflo lại nhìn nhận hoàn toàn khác. Bà để ý đến người vợ héo mòn xác xơ ngồi ngay bên cạnh ông chồng kia đã im lặng suốt cả buổi trò chuyện. Rõ ràng, người vợ phải miễn cưỡng đáp ứng mong muốn của chồng.

Vì thế, Duflo cho rằng cách tốt nhất để hạn chế các gia đình đông con không phải là nâng cao hệ thống an sinh xã hội. Chỉ có nâng cao giáo dục cho phụ nữ, giúp phụ nữ phá bỏ định kiến gia đình thì các nước mới thoát khỏi nghèo đói. Cùng nhiều nghiên cứu lạ lùng khác, danh tiếng của Duflo vang xa tới mức khi chưa đầy 40 tuổi, bà đã được xếp vào hàng ngũ những học giả được trọng vọng nhất thế giới.

Ngay cả tỷ phú Bill Gates cũng phải thắc mắc vì sao Duflo có thể đưa ra những giải pháp khắc phục nghèo đói mà chẳng ai nghĩ tới. Ðể biết rõ hơn về vị học giả trẻ tuổi, ông hẹn Duflo đến dùng bữa tối. Sau vài giờ trao đổi, Gates bày tỏ: "Tôi nghĩ tôi cần tài trợ cô nghiên cứu càng sớm càng tốt. Cô cứ yêu cầu, tôi sẽ đáp ứng theo mong muốn. Không thể chậm trễ chuyện này".

Hậu phương vững chắc

Trong lĩnh vực nghiên cứu xóa đói giảm nghèo, tầm ảnh hưởng của Banerjee không thua kém gì người bạn đời. Những người ganh ghét cặp vợ chồng Banerjee - Duflo thường quy chụp ông "cướp công lao của vợ", nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, chính Banerjee mới là người đi đầu. Thành công của Duflo có sự giúp sức rất lớn từ Banerjee trong thời gian bà mới chập chững bước vào lĩnh vực này.

Ngay từ ngày còn là cậu bé đá bóng chân đất ở quê nhà Ấn Ðộ, Banerjee đã muốn trở thành học giả để giúp đất nước thoát nghèo. Ðến khi thành tài, ông chọn bộ môn Kinh tế phát triển để theo đuổi ước mơ thuở nhỏ. Trong thời gian Banerjee bắt đầu làm việc, ông tiếp nhận một nghiên cứu sinh tài năng có tên Esther Duflo. Ông hỏi Duflo liệu có hứng thú với bộ môn này không, và họ làm việc cùng nhau từ đó.

Banerjee quan niệm: Ðể xóa đói giảm nghèo, mọi người không thể đưa ra chính sách nếu chỉ dựa vào số liệu thống kê đơn thuần. Vì thế, ông đi đến hàng nghìn gia đình nghèo khó ở Ấn Ðộ, Indonesia, Trung Quốc..., tìm hiểu xem họ nghĩ gì về những vấn đề như thu nhập, giáo dục, y tế. Chỉ khi hiểu suy nghĩ của người nghèo và thử tư duy như một người nghèo, việc giúp đỡ họ thoát nghèo mới hiệu quả.

Trái với Duflo luôn năng nổ, nhiệt huyết, Banerjee luôn sống lặng lẽ. Những người bạn từ nhỏ của Banerjee đều nhận xét ông là người rụt rè, sống nội tâm, dễ gần nhưng hay ái ngại bày tỏ ý kiến cá nhân. Vì thế ngay khi bị thiên hạ chĩa mũi dùi chỉ trích thậm tệ, Banerjee vẫn chưa bao giờ thanh minh dù chỉ một lời.

Thật khó tin khi biết ở nhà, Banerjee mới là người thường xuyên vào bếp. Ðồng nghiệp tiết lộ: Banerjee nấu ăn rất ngon và am hiểu ẩm thực của nhiều quốc gia. Là người gốc Ấn nhưng Banerjee chưa bao giờ tỏ thói gia trưởng. Ông luôn tôn trọng mọi quyết định của vợ, và vui vẻ lui về phía sau, như một "hậu phương" vững chắc.