Khi “thứ cá nhân nhất là thứ sáng tạo nhất”

Lần đầu trong suốt 92 năm hiện hữu, OSCAR trao giải Phim hay nhất cho một bộ phim nói tiếng nước ngoài. Không chỉ vậy, bộ phim còn giành luôn danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản gốc xuất sắc nhất và phim quốc tế hay nhất. Đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho, cùng với “Ký sinh trùng (Parasite)”, như người ta đang nói, đã trở thành lịch sử.

Khi “thứ cá nhân nhất là thứ sáng tạo nhất”

Ngày về

Từ Cannes đến OSCAR, bộ phim “oanh tạc” các liên hoan phim với gần 200 giải thưởng, giúp nhà sản xuất bội thu phòng vé và khiến Bong nhận show nói chuyện về làm phim ở Mỹ đến mệt xỉu! Ở Việt Nam, Parasite cũng đạt bão doanh thu và mưa khen ngợi.

Trước Parasite, phim của Bong rất “kén khách”. Nhưng bây giờ trên các mạng xã hội, khán giả toàn cầu liên tục tán dương vị đạo diễn 50 tuổi. Ngay cả Sharon Choi, phiên dịch viên của Bong, cũng nổi tiếng lây. Nụ cười trẻ con và hồn nhiên trên các bục nhận giải càng khiến ông giành được nhiều thiện cảm. Có điều, ông chỉ ăn mừng chiến thắng tại Cannes trong vỏn vẹn tám phút, rồi rời đi vì… đói bụng. Trên bục nhận OSCAR, ông nhắc tên cả bốn người được đề cử cùng mình, trong đó tri ân hai người như nguồn cảm hứng để ông trở thành đạo diễn (Quentin Tarantino và Martin Scorsese). Và ông nhắc lại câu nói của Martin Scorsese đã theo ông suốt sự nghiệp: “Thứ cá nhân nhất là thứ sáng tạo nhất”.

Bong chẳng phải là “tay mơ”. Hai bộ phim viễn tưởng trước đó của ông là Okja (2017) và Snowpiercer (2013) đều là phim tiếng Anh và có sự góp mặt của các gương mặt lừng danh như Chris Evans hay Ed Harris. Nhưng rốt cục, bộ phim đưa ông lên tột đỉnh vinh quang lại là một bộ phim Hàn Quốc 100%, từ nhà sản xuất, bối cảnh cho đến ngôn ngữ. Bản sắc quê nhà là thứ xuất hiện rất nhiều trong Parasite, từ trào lưu mở cửa hàng bán bánh ngọt cho tới món mì trộn bít-tết. Tuy mang đậm tính “nội địa” là thế, nhưng Parasite vẫn tạo nên cơn sốt toàn cầu.

Lời chất vấn “trung lập”

Bối cảnh của bộ phim xoay quanh sự đối nghịch giữa hai gia đình thuộc tầng lớp đầu và cuối trong hệ thống giai cấp ở Hàn Quốc. Nhà Kim sống trong căn nhà bán tầng hầm trong con hẻm nhỏ, còn nhà Park thì sống tại biệt thự cao cấp trên một ngọn đồi. Mọi chuyện bắt đầu khi người con trai Kim Ki-woo nhận dạy kèm tiếng Anh cho cô tiểu thư nhà Park.

“Nhìn từ ngoài vào, Hàn Quốc là một quốc gia hào nhoáng và quyến rũ, với thị trường K-pop rầm rộ, internet cao cấp và ngành công nghệ thông tin phát triển. Nhưng, khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội thì lại ngày một tăng” - Bong nhận xét.

Trong Parasite, không ai là hoàn toàn vô can hay hoàn toàn tội lỗi. Bong mô tả nó là một bộ phim “trung lập”. Nhân vật ông Park là một người giàu lên nhờ ngày đêm làm việc. “Không thể nói là ông ấy tham lam được, vì ông đâu có giàu lên bằng tiền bẩn!”. Dẫu vậy, nhà Park vẫn liên tục bày tỏ thái độ khinh miệt người nghèo.

Gia đình nhà Kim cũng rất chăm chỉ. Tuy cuộc sống bấp bênh hơn, nhưng họ lại đoàn kết hơn gia đình nhà Park. “Đó là một trong những điều tôi muốn truyền tải”, Bong thổ lộ. “Không phải là họ lười nhác, chỉ là họ không thể kiếm được việc làm tử tế mà thôi.” Ông còn nhắc tới một chi tiết trong phim đề cập tới việc 500 sinh viên ra trường đều nộp đơn đi làm bảo vệ. “Tôi không nói quá đâu; báo mạng từng đưa vậy đấy!”.

Có thể thấy, bộ phim là lời chất vấn “trung lập” nhắm tới chủ nghĩa tư bản nói chung. “Con người luôn phải tôn trọng lẫn nhau”, Bong nói. “Bộ phim này phác họa nên một bức tranh nơi mà sự tôn trọng giữa người với người từ lâu đã không còn”.

Đó không chỉ là một câu chuyện hay mà còn được kể rất khéo léo. Những mảnh ghép về mặt diễn xuất, cấu trúc, thiết kế tỉ mỉ, các biểu tượng và sự tương xứng khi được đặt cạnh nhau trở nên rất vừa vặn. Các cảnh quay cũng rất mượt mà khiến người xem như thể không cần đọc phụ đề, đồng thời Bong còn đưa vào trong phim một số cảnh quay slow-mo đã làm nên thương hiệu. Thế nhưng, điều mà cộng đồng mạng thích nhất ở ông chính là khả năng chuyển đổi tông màu và thể loại trong một cảnh phim. Parasite nằm ngoài mọi sự phân loại. Nó hội đủ mọi màu sắc: chính kịch gia đình, hài đen, giật gân ly kỳ, trào phúng, và thậm chí là kinh dị.

Đứng về phía thiệt thòi

Sự phân cấp xã hội là chủ đề mà Bong khai thác nhiều nhất, và dù khẳng định trung lập, ông vẫn thường nghiêng về phe thiệt thòi. Thí dụ, The Host (năm 2006) cũng tập trung vào một gia đình bán quán ăn, tuy nghèo mà đoàn kết, phải đối đầu với một con quái vật họ cá sinh ra từ chất thải của quân đội Hoa Kỳ trên sông Hàn ở Seoul. Còn Snowpiercer, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của Pháp, kể về cuộc nổi loạn của giai cấp lao động trên chuyến tàu chở toàn bộ dân số thế giới thời hậu tận thế - một đối trọng ngang so với sự phân lớp giai cấp dọc của Parasite.

Khi làm Snowpiercer, Bong bất đồng với nhà sản xuất quyền lực Weinstein- người mang biệt danh “Harvey Tay kéo”. Weinstein đòi cắt 25 phút, và Bong phản ứng. Ông bịa ra câu chuyện rằng cảnh quay mang ý nghĩa cá nhân vì bố mình là ngư dân, nhằm giữ lại phân cảnh moi ruột cá đầy tính ẩn dụ. Bố của Bong thật ra là giáo viên mỹ thuật, còn Bong coi mình thuộc tầng lớp trung lưu. Parasite lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm của ông khi đi dạy kèm cho một cậu công tử nhà giàu nhờ được giới thiệu bởi bạn gái - người cũng là gia sư tiếng Anh của cậu nhóc kia.

Bộ phim thứ hai của Bong, Memories of Murder, dựa trên cuộc lùng bắt tội phạm giết người có thật hồi những năm 1980, một vụ án đi vào ngõ cụt. Nó là ô cửa sổ dẫn vào một thời thơ ấu khác: độc tài quân sự, bất ổn dân sự và dịch vụ nghèo nàn. Kỳ quái thay, tên sát nhân ngoài đời mới đây đã bị bắt giữ. “Bạn tù của gã kể rằng có vài lần trông thấy gã xem bộ phim của tôi, mà cũng chẳng biết đúng hay không”, Bong kể. Bong cũng luôn tìm thấy chút hài hước trong nghịch cảnh, nhưng “Không phải chúng tôi cố làm khán giả cười, chỉ là chúng tôi muốn phản ánh hiện thực phi lý”.

Bong đã khá giả hơn sau những thành công? Ông bật cười: “Tôi sống trong một căn hộ ở tầng 9. Dĩ nhiên, phim ảnh giúp tôi thu về rất nhiều tiền, nhưng nhìn vào căn hộ ấy chắc chẳng mấy ai gọi tôi là giàu”.

Cuối cùng, Bong vẫn giữ cho mình cái đầu lạnh: “Nghề chính của tôi không phải là quảng bá phim, mà là soạn kịch bản. Dĩ nhiên, đồng xu nào cũng có hai mặt. Quảng bá phim thì hay và thú vị đấy, nhưng đồng thời tôi cũng muốn nhanh chóng thoát ra và trở về viết kịch bản càng sớm càng tốt”.

Trở về, để viết những câu chuyện cá nhân nhất…

Khi “thứ cá nhân nhất là thứ sáng tạo nhất” ảnh 1

Một cảnh trong phim Parasite.