Khi bạn yêu cuộc đời tha thiết


 Có lẽ không người hâm mộ nhạc rock trên toàn thế giới nào không biết đến cái tên Lars Ulrich - thành viên sáng lập, tay trống và người viết nhạc chính của ban nhạc lẫy lừng Metallica. Nhưng, cũng có thể, không phải rockfan nào cũng biết đến cha của Lars - một “dị nhân” đúng nghĩa mà đất nước Đan Mạch sản sinh.

Khi bạn yêu cuộc đời tha thiết

“Quái kiệt” làng banh nỉ
 
 Vượt khỏi biên giới Đan Mạch, Torben Ulrich (92 tuổi) còn là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử thể thao thế giới. Người đàn ông mang vẻ ngoài của một triết gia ấy đã biến quần vợt thành một môn nghệ thuật đích thực, giao thoa giữa âm nhạc, hội họa và thể thao.
 
 Torben Ulrich từng là một tay vợt xuất sắc. Cha mẹ ông đều chơi quần vợt, và đã định hướng Torben theo con đường thể thao từ nhỏ. Nhưng nghịch lý ở chỗ, thể thao chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của ông trong những năm tháng tuổi trẻ.
 
 Torben Ulrich trước tiên, là một nghệ sĩ. Ông quan tâm đến nhạc jazz từ khi chỉ mới chín tuổi, và trở thành nhạc công chơi kèn clarinet lưu diễn khắp châu Âu, từ Munich (Đức) đến Monte Carlo (Pháp). Niềm đam mê âm nhạc của Torben Ulrich chính là bệ phóng cho cậu con trai Lars Ulrich sau này trở thành một rocker huyền thoại.

Khi bạn yêu cuộc đời tha thiết -0

  Hiểu biết về âm nhạc của Torben sâu sắc đến độ ông từng là một nhà báo phê bình âm nhạc nổi tiếng của hãng thông tấn Reuters, hay trên tờ Politiken của Đan Mạch khi còn rất trẻ. Ông cũng viết hàng trăm bài thơ thể hiện những chiêm nghiệm cấp tiến về âm nhạc và nghệ thuật. Giữa trùng điệp những đam mê ấy, quần vợt là lựa chọn sau cùng.
 
 Torben vẫn tham gia thi đấu những giải lớn, nhưng chỉ xem mình là “một người chơi bán thời gian” (part-time). Ông sẽ thức đến tối muộn để chơi nhạc cùng bạn bè, dậy vào sáng sớm hôm sau viết bài bình luận cho báo, rồi chỉ chịu đến sân quần vợt sau 14 giờ.
 
 Mãi đến những năm 70 của thế kỷ trước, khi đã vào độ tứ tuần, Torben mới bắt đầu tập trung cho sự nghiệp “banh nỉ” khi đã rong chơi đủ đầy. Nghệ sĩ tính của ông được thể hiện ngay trên sân, với tấm băng trán buộc mái tóc thắt lọn lãng tử, cùng lối chơi chẳng giống ai. Như lời một chuyên gia quần vợt từng nói, thế giới đang rất thiếu những tay vợt có cá tính đặc sắc như Torben Ulrich hồi ấy, nhưng lại thừa mứa những vận động viên chơi bóng như cỗ máy.
 
 Là “bông hoa nở muộn” của làng quần vợt nhưng trời phú cho Torben Ulrich “tốc độ của loài báo”, “thân hình và thể lực của một vận động viên 20 tuổi” - như lời nhận xét của những đối thủ cùng thời.
 
 Những trải nghiệm tích lũy trong hàng chục năm cuộc đời đã hình thành nên một “quái kiệt” Torben trên sân quần vợt: sở hữu những cú đánh uy lực như mới đôi mươi, nhưng lại có lối suy nghĩ, phân tích về trận đấu như một triết gia. Năm 1976, ông giành chức vô địch Grand Masters quốc tế dành cho nam từ 45 tuổi trở lên, và chính là tay vợt lớn tuổi nhất dự giải Davids Cup một năm sau đó (49 tuổi). Vị trí cao nhất của ông là hạng 96 thế giới vào năm 1973.
 
 “Những căn phòng chưa mở”
 
 Sau khi kết thúc sự nghiệp quần vợt, Torben Ulrich trở lại với nghệ thuật, và nguồn cảm hứng đó được nuôi giữ gần như bất tận, kéo dài đến những năm 90 tuổi. Khi được hỏi về phương pháp duy trì tình yêu cuộc sống, ông nhấn mạnh: “Đời là những căn phòng chưa mở”. Theo đó, Torben Ulrich sẽ luôn tìm kiếm những khía cạnh mới mẻ từ điều gần gũi nhất để trải nghiệm. “Nhàm chán” hay “tẻ nhạt”, vì thế, sẽ không bao giờ xuất hiện trong từ điển của người đàn ông này.
 
 Ông có lẽ là người đầu tiên phát hiện tính âm nhạc của quần vợt. Tiếng va chạm giữa quả bóng với mặt sân cỏ hay mặt sân đất nện đều mang những âm sắc riêng, mà ông khéo léo sắp xếp thành các giai điệu du dương trong bản nhạc jazz riêng mình.
 
 Và cũng chẳng có ai trên thế giới này si mê vẻ đẹp của bóng nắng từ quả bóng quần vợt đổ hắt xuống mặt sân như Torben Ulrich. Ông phát triển một phong cách hội họa riêng, tận dụng những vật gắn liền với quần vợt như cây vợt, quả bóng… để vẽ tranh. Thể chất ngăn cản ông chơi thể thao khi đã có tuổi, nhưng sức mạnh tinh thần giúp ông tiếp tục tình yêu với quần vợt theo một cách “kỳ dị” nhất.
 
 Đầu năm 2021, Torben Ulrich khiến giới yêu nhạc “phát cuồng” khi thông báo ra mắt album nhạc rock đầu tay ở tuổi 92. Tất cả đều ngạc nhiên, đơn giản vì họ mặc định tuổi tác sẽ là rào cản của mọi thứ. Song, với Torben, ca hát chỉ là “một căn phòng mới” mà ông vừa mở ra. “Chẳng bao giờ là quá muộn để khởi đầu bất kỳ điều gì”.
 
 Lẽ sống, lẽ chết
 
 Ít ai biết Torben Ulrich sùng đạo Phật, và luôn cố gắng dung hòa triết lý từ bi bác ái với tính cạnh tranh của thể thao. Ông từng đề nghị ngưng một trận đấu để đưa một con vật ra khỏi sân, khi phát hiện nó đang co rúm vì sợ hãi những cú giao bóng. Ở độ tuổi U70, Torben thực hiện “tam bộ - ngũ thể - nhập địa” trên quãng đường dài 150 km. Đây là một nghi thức tôn giáo đạo Phật của nhà sư Tây Tạng, cứ ba bước đi bộ ông lại nằm sát xuống đất và lạy một lần. Hành trình khổ hạnh ấy giúp ông nhìn thấu về tuổi già và cái chết.
 
 Tuổi già đáng sợ có lẽ vì nó gắn liền với cái chết, với một thân thể cằn cỗi bệnh tật. Nhưng với Torben Ulrich, tuổi già chính là bằng chứng cho thấy chúng ta đã có ngày tháng sống tươi đẹp hơn những người không may phải sớm từ giã cõi đời.
 
 Lúc mới sinh ra, Torben Ulrich bị dây rốn quấn quanh cổ suýt mất mạng. Vậy nên với ông, mỗi ngày thức dậy ngắm bình minh đã là một món quà tuyệt vời của tạo hóa. Suy nghĩ đó giúp ông mặc sức bung tỏa, và sống hết mình với đam mê, “vì một ngày còn sống là một ngày đắm say”. Ông quan niệm: Cái chết không phải dấu chấm hết mà chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới “đằng sau cát bụi”.
 
 Bí mật của một Torben Ulrich toàn năng, hóa ra, đơn giản chỉ là “khi bạn yêu cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ yêu bạn đắm say” (lời bài hát của nhạc sĩ/rapper Nguyễn Đức Cường)…