Hơi ấm của “người cha xa lạ”

“Có rất nhiều người đã vô cùng hạnh phúc, họ ôm trọn bạn, siết chặt và trao cho bạn một chút vỗ về. Cũng có rất nhiều người giữ rất lâu những cái ôm quá sâu, bắt đầu cùng với sự ấm áp ấy cũng là khi họ khóc” - Howie ScottDittman (bên phải), sau khi trải qua một ngày trao đi hơn 700 cái ôm miễn phí cho những người hoàn toàn xa lạ, chia sẻ.
Hơi ấm của “người cha xa lạ”

Điểm nhấn của một “chuyện bình thường”

Trên khắp các trang báo quốc tế, mọi người đều đang bàn luận về một người đàn ông đến từ Pennsylvania (Mỹ). Đó là một người đàn ông không có gì nổi bật. Anh cũng chỉ làm một hành động bình thường. Thế thôi, nhưng lại đã tạo nên một hiệu ứng lan tỏa tuyệt vời.

Mọi chuyện bắt đầu sau một bài đăng trên trang mạng xã hội của chính Howie Dittman. Là một người cha của hai con nhỏ, năm nay cũng đã ngoài 40 tuổi, anh tham gia cuộc diễu hành Pride cùng nhóm bạn. Họ mặc những chiếc áo thun in câu khẩu hiệu “free mom hugs” hoặc “free dad hugs” (những cái ôm miễn phí của mẹ/bố), giang rộng vòng tay vỗ về những người xa lạ.

Có lẽ hoạt động này sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như nó không diễn ra tại Pittsburgh Pride - cuộc diễu hành hằng năm của cộng đồng LGBTQ+ (Cộng đồng những người có xu hướng giới tính khác biệt với phần đông xã hội). Dittman đã được truyền cảm hứng từ người bạn Denan Hays, người đã tham dự cuộc diễu hành Pride với Free Mom Hugs (một tổ chức ủng hộ sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+). Anh cho rằng: “Đó có vẻ như là một cách tuyệt vời để đem đến nụ cười cho mọi người. Và tôi cũng nghi ngờ rằng các ông bố nói chung, khó có khả năng chấp nhận các cá nhân trong cộng đồng LGBTQ+ giống như một người mẹ”. Bởi vậy, anh quyết tâm trở thành “người cha” của họ - những người bị gia đình ruồng bỏ vì xu hướng giới tính của mình.

Ở bài viết ấy, Dittman đã chia sẻ chi tiết về cảm xúc, những câu chuyện anh nghe được khi trao đi hàng trăm cái ôm. Có người mừng vì hành động của anh, cũng có nhiều người bật khóc kể với anh về gia đình của họ. “Một chàng trai đã bị đuổi ra khỏi nhà khi bố mẹ phát hiện ra cậu là người đồng tính, mặc dù cậu chỉ mới 19 tuổi. Họ đã không liên lạc với cậu ấy kể từ đó. Chàng trai khóc nức nở trên vai tôi và điều đó bóp nghẹn trái tim của tôi. Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau mà cậu ấy phải chịu đựng mỗi ngày - bị những người mình yêu thương nhất khước từ. Và khi đang tham gia vào lễ kỷ niệm dành cho tình yêu thì bao nhiêu cảm xúc thầm kín nhất đều ùa về với cậu, chỉ bởi vì một chiếc áo có dòng chữ “cái ôm của người cha” đến từ một người hoàn toàn xa lạ”.

Hay về đôi mắt ám ảnh của một người phụ nữ đã sà vào lòng anh mà bật khóc, “Cô ấy đứng đó và ngước nhìn tôi, với một ánh mắt buồn bã và bất lực mà tôi không bao giờ có thể quên được. Rồi cô ấy ôm tôi - tôi đáp lại cái ôm ấy. Một cái ôm kéo dài tưởng như vô tận. Tôi không thể ngừng nghĩ về cô ấy, về những gì cô ấy đã phải trải qua với gia đình mình...”.

Sau cùng, vẫn phải là gia đình

Theo một cuộc khảo sát, cứ bốn người trẻ LGBTQ+ thì có hơn một người cho rằng, việc cha mẹ và người thân không chấp nhận là vấn đề lớn nhất của họ. Nghiên cứu cho thấy sự từ chối từ gia đình có thể gây ra tác hại đáng kể cho những người xác định là LGBTQ+, góp phần làm tăng tỷ lệ các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm tự tử, trầm cảm và nhiễm HIV.

Theo nghiên cứu từ Dự án “Sự chấp nhận của gia đình”, những người trẻ tuổi đồng tính nữ, đồng tính nam và lưỡng tính đã báo cáo mức độ từ chối gia đình cao hơn trong thời niên thiếu sẽ có thể xảy ra những vấn đề như: Có khả năng cố gắng tự tử cao gấp 8,4 lần; Có khả năng trầm cảm cao gấp 5,9 lần; Có khả năng sử dụng ma túy bất hợp pháp cao gấp 3,4 lần; Có khả năng quan hệ tình dục không an toàn cao hơn 3,4 lần.

Thông qua những con số ấy, có thể nhận thấy, gia đình có vai trò quan trọng thế nào trong việc cải thiện các vấn đề xã hội. “Chỉ cần một thành viên trong gia đình thay đổi cũng đủ tạo ra sự khác biệt”, Liz Owen - giám đốc truyền thông của PFLAG National, tổ chức đầu tiên và lớn nhất dành cho cha mẹ, gia đình và đồng minh của người LGBTQ+, nhận xét.

Howie Dittman có lẽ chưa hề biết về những con số ấy, thế nhưng sau khi trở về từ buổi diễu hành Pride, anh đã phàn nàn với vợ mình: “Đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc, nhưng nó cũng khiến anh vô cùng tức giận. Là cha mẹ, họ đã dõi theo con mình có những bước đi đầu tiên, họ đã khóc khi lần đầu tiên được nghe con mình nói “Con yêu mẹ!”, để rồi sau đó họ cắt đứt với con mình, chỉ vì chúng yêu ai đó?”. Sự ruồng bỏ của gia đình đã khiến họ đau đớn đến thế nào mới khiến họ - những đứa con cô đơn, ngay giữa không khí vui vẻ của lễ hội phải tìm đến hơi ấm từ cái ôm của một người lạ, chỉ vì người đó mặc chiếc áo in khẩu hiệu “cái ôm miễn phí của cha”?

Hơi ấm của “người cha xa lạ” ảnh 1

Những dòng chia sẻ của Howie Dittman đã tạo nên một làn sóng lan tỏa tuyệt vời, có lẽ bởi thời điểm xuất hiện “người cha” xa lạ cũng thật khéo - vừa hay vào cuối tuần Ngày của cha! Rất nhiều người đã cảm động bởi hình ảnh mà anh Dittman tải lên mạng xã hội, sự ủng hộ cùng với lời khẳng định: “Hành động ấy thật đẹp! Nhưng đến cùng thì họ vẫn cần nhất sự vỗ về từ chính gia đình thật sự”.

Thật ra từ trước, Howie đã nhận ra, nền tảng xã hội cần rất nhiều sự nâng cấp hơn nữa để bảo vệ mọi người. Anh cùng với nhóm tình nguyện viên Helping Butler County luôn tích cực có những khoản đóng góp, cũng như hoạt động cụ thể nhằm giúp đỡ, cải thiện địa phương nơi anh đang sinh sống. Chỉ là thông qua sự kiện lần này, anh muốn nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ: “Con cái bạn, cho dù trông chúng có ổn đến đâu, cũng vẫn cần sự hỗ trợ nền tảng đến từ các bạn - cha mẹ của chúng !”. Ông bố hai con bày tỏ hy vọng không chỉ dừng ở vấn đề giới tính, mà ở trên mọi phương diện cuộc sống, cha mẹ cũng đều có thể trở thành điểm tựa vững chãi cho con cái của mình.

Và năm tới, nhất định anh vẫn sẽ tiếp tục tham gia diễu hành. “Ông bố xa lạ” ấy chưa định “nghỉ hưu”…