Hai nửa tương phản của một thiên tài

Ðâu là ranh giới giữa một nhà khoa học thiên tài và một gã bác học điên lập dị? Sir Andre Geim (trong ảnh) đã chứng minh rằng: Cả hai có thể cùng tồn tại bên trong một con người. Ðó là nhà khoa học duy nhất từng nhận cả hai giải thưởng Ig Nobel (giải Nobel dành cho những công trình nghiên cứu vô nghĩa) và Nobel chính thống.

Hai nửa tương phản của một thiên tài

Ranh giới mong manh

“Thú thật, tôi trân trọng giải thưởng Ig Nobel của mình chẳng kém gì giải Nobel cả”, Geim chia sẻ. “Ðối với cá nhân tôi, giải Ig Nobel còn có phần thú vị hơn giải Nobel chính thống. Bình thường mọi người nghĩ tôi chỉ là một nhà khoa học nhàm chán nói về những thứ chẳng ai hiểu. Nhưng nhờ có Ig Nobel, tôi đã chứng minh là mình… cũng biết chọc cười người khác đấy chứ?!”.

Năm 2000, Geim bị cả thế giới chê cười vì giải Ig Nobel dành cho thí nghiệm “ếch bay nhờ từ trường trong lồng kính”. Nhưng chỉ 10 năm sau, ông khiến cả thế giới ngả mũ thán phục vì phát minh ra “graphene”, một loại vật liệu mới có khả năng góp phần thay đổi cả thế giới trong tương lai.

Thông thường, một nhà khoa học có nghiên cứu mang tính đột phá với nhân loại cần phải đợi 20-30 năm để xét duyệt trao giải Nobel. Tuy vậy, Geim và cậu nghiên cứu sinh Konstantin Novoselov chỉ mất sáu năm sau ngày công bố phát hiện về graphene để nhận giải thưởng khoa học danh giá nhất hành tinh.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được ứng dụng trong sản xuất, hàng loạt dẫn xuất từ graphene đã được tạo ra, góp phần tạo nên hàng trăm loại vật liệu mới. Một số công ty đã bắt đầu dùng graphene làm chất bán dẫn cho điện thoại thông minh. Geim thậm chí tự tin khẳng định: Trong tương lai, vật liệu graphene sẽ thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhựa truyền thống. So với nhựa, graphene bền chắc hơn, lại ít độc hại hơn với môi trường.

Ít ai biết Geim còn có một sáng chế kỳ dị khác, lấy cảm hứng từ… da chân thạch sùng. Có thời điểm, nghiên cứu này của Geim từng khiến ông suýt phải nhận giải Ig Nobel thứ hai. Một vài người châm biếm: “Chắc Geim muốn chế tạo Người Nhện ngoài đời thực sau khi giúp con ếch biết bay”. Nhưng, thành quả của nghiên cứu khác người đó chính là găng tay siêu bám dính. Hiện Chính phủ nhiều nước muốn dùng loại găng này cho lực lượng đặc công trong quân đội.

Geim luôn bị hấp dẫn bởi những nghiên cứu có liên quan đến động vật, giống như cách ông thực hiện thí nghiệm ếch bay và găng tay thạch sùng. Graphene thực chất là lớp màng mỏng gồm các nguyên tử carbon xếp thành hình lục giác trông giống như tổ ong. Tuy nhiên, chất “điên” của Geim chưa dừng lại ở đó. Năm 2001, Geim công bố nghiên cứu cùng một nhân vật có tên H.A.M.S. ter Tisha. Ai cũng tò mò: Ðây là ai mà có cái tên khác thường như thế? Và Geim bảo: “À, nó là tên con chuột cưng của tôi”.

Hai nửa tương phản của một thiên tài ảnh 1

Người lập dị thánh thiện

Ngày Geim trở về Trường đại học Manchester với giải Nobel, Phó Chủ tịch Hội đồng trường hỏi ông có muốn hưởng một đặc quyền nào không? Geim đáp: “Ơn Chúa! Vậy ngài cho tôi được đỗ xe ngay trước tòa nhà nơi tôi làm việc nhé. Ngày nào cũng phải đi bộ từ bãi đỗ xe đến đây làm tôi phí mất 20 phút cuộc đời”. Nguyện vọng giản đơn đó lập tức được chấp thuận.

Geim người vô cùng lập dị - theo nghĩa tích cực nhất của từ này. Ông chẳng cần gì, mà chỉ muốn được yên thân để toàn tâm toàn ý nghiên cứu khoa học. Ðầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Geim làm việc tại Trường đại học Nijmegen ở Hà Lan. Sau vài năm, ngôi trường ngỏ ý đề nghị trao cho ông học hàm Giáo sư. Tuy nhiên sau vài ngày cân nhắc, Geim từ chối rồi nghỉ việc.

Geim cảm thấy làm việc tại Hà Lan không phù hợp với mình. Nơi đây đầy rẫy những chuyện “tôn ti thứ bậc”. Việc nghiên cứu còn thường xuyên bị can thiệp bởi những người không liên quan đến khoa học. Sự quan liêu cũng là một nguyên nhân khác khiến Geim quyết định rời Hà Lan để đến Anh. Có mấy ai tin rằng chú chuột cưng H.A.M.S. ter Tisha từng… được Trường đại học Nijmegen xét đào tạo tiến sĩ?! Ðó là trò đùa của Geim, để thử kiểm tra cách làm việc của bộ phận chiêu sinh ngôi trường ấy.

Năm 2014, Geim cùng vợ đến Mỹ du lịch. Ông suýt chết vì gặp tai nạn trong khi chơi trò lái bè trên thác. Lúc ông tỉnh dậy trong bệnh viện, các nhân viên còn tò mò hỏi liệu ông có đủ tiền trả viện phí không? Và sau đó, họ xếp hàng đợi đến lượt bắt tay ông.

Là một trong hai nhà đồng phát minh ra graphene, Geim được chào đón khắp nơi như một ngôi sao trong giới khoa học. Mọi trường đại học đều muốn ông đến để tăng danh tiếng cho họ. Các nhà sản xuất muốn trả hàng triệu USD để tiếp nhận bí quyết chế tạo graphene. Tuy nhiên, ông luôn từ chối những công việc có mục đích ngoài nghiên cứu khoa học thuần túy. Viện Nghiên cứu Graphene Anh quốc cho Geim một chức danh, nhưng ông gần như chẳng bao giờ đến làm việc.

Chối bỏ những lối mòn

Dù nhận Nobel Vật lý, nhưng Geim cũng là một trong những nhà khoa học lên án giải thưởng này mạnh mẽ nhất. Theo quan điểm của Geim, Hội đồng Nobel bao gồm rất nhiều người chẳng biết gì về nghiên cứu khoa học, cũng như lĩnh vực họ trao giải. Cái nhìn phiến diện của họ khiến giải Nobel dần “mất giá”, thế nên Geim đề xuất Hội đồng phải bao gồm cả những nhà khoa học trên toàn thế giới để bảo đảm khách quan.

Truyền thông cũng từng bị Geim chỉ trích. Trong một lần phỏng vấn, Geim thẳng thừng nói truyền thông đã phóng đại quá mức tầm vóc của những người nghiên cứu khoa học. Bill Gates vốn chỉ là một lập trình viên phần mềm làm doanh nhân, đồng thời được gia đình hỗ trợ rất nhiều lúc mới khởi nghiệp; nhưng ông hay được thổi phồng thành một tỷ phú chế tạo máy tính từ hai bàn tay trắng.

“Xin đừng bao giờ gọi tôi là nhà khoa học vĩ đại”, Geim tuyên bố. “Trên thực tế tôi chỉ là một kẻ ăn bám nhà nước, sống dựa vào tiền thuế của người dân để làm nghiên cứu. Những phát minh của tôi thậm chí còn chẳng biết có giá trị ứng dụng trong thực tế hay không nữa mà. Với những thứ như graphene thì hãy coi như tôi đã hoàn thành nghĩa vụ với xã hội mà thôi”.

Ở tuổi 61, khao khát tiếp tục gắn bó với khoa học của Geim vẫn chưa ngơi nghỉ. Ông muốn tiếp tục miệt mài làm việc ít nhất đến ngày tròn 75 tuổi. Ngoài ra, Geim chưa bao giờ tự giới hạn bản thân ở trong một vài ngành nghiên cứu chuyên sâu giống như phần lớn những nhà khoa học khác. Ðối với ông, ai cũng phải tự khai phá khả năng của bản thân, giống như nỗ lực tìm ra một miền đất mới trong tâm tưởng. Ðó chính là tiền đề để khoa học có thêm những phát kiến vĩ đại, thay vì cứ đi theo lối mòn.