Giải mã lịch sử loài người

Mới 42 tuổi, nhưng Yuval Noah Harari đã sớm được coi là một trong những học giả nghiên cứu lịch sử hàng đầu thế giới. Harari đặc biệt thích nghiên cứu về lịch sử con người, từ lúc còn là “người tối cổ” hàng triệu năm trước, cho đến khi tiến hóa thành “người thông minh”, sống thành xã hội và tiến tới văn minh như ngày nay. Tất cả nhằm trả lời câu hỏi: Chúng ta là ai? Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta sẽ hướng tới điều gì?

Giải mã lịch sử loài người

Nguồn cảm hứng bất ngờ của Bill Gates

Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới suốt hai thập niên qua, vốn nổi tiếng say mê đọc sách. Ông chưa bao giờ ngại ngần chi tiền cho những cuốn sách nổi tiếng viết về lịch sử, hội họa, mỹ thuật, xã hội… và nhiều chủ đề khác. Nhưng rồi một ngày, một quyển sách rất bình thường “lọt vào tầm ngắm”.

Tháng 5-2016, chia sẻ trên trang mạng cá nhân, Gates viết: “Trong lúc tôi và Melinda (vợ Bill Gates) đi du xuân, tôi khuyên cô ấy nên đọc cuốn Lược sử loài người của Harari. Tôi vừa đọc xong cuốn sách đó và không ngừng nghỉ trò chuyện cùng vợ mình về nội dung của cuốn sách. Cuốn sách ấy khai phá vô vàn câu hỏi về con người, đến mức nó sẽ trở thành đề tài thông dụng trong bữa tối. Sau nhiều tuần, chúng tôi vẫn say mê trò chuyện về nó”.

Chia sẻ của Bill Gates nhanh chóng gây chú ý. Hiếm khi nào vị tỷ phú giàu nhất thế giới lại thoải mái chia sẻ và chỉ đích danh một cuốn sách ông yêu thích như vậy. Vốn được xuất bản tại I-xra-en (Israel) năm 2011, phải mất ba năm sau, Lược sử loài người mới được dịch sang tiếng Anh. Chưa cần đến lời giới thiệu của Bill Gates, cuốn sách cũng đã được dịch qua gần 50 thứ tiếng.

Cuốn Lược sử loài người nguyên bản vỏn vẹn khoảng 400 trang giấy. Chỉ với chừng đó, Harari đã viết tường tận về lịch sử, từ lúc vũ trụ hình thành, đến khi con người xuất hiện, dần tiến hóa và phát triển, thống trị Trái đất như ngày nay. Ðúng như nhận xét của Bill Gates, Harari đã gợi mở cho người đọc phải suy ngẫm về chính bản thân mình.

Ði ngược lại góc nhìn chung

Con người thường cho mình là sinh vật độc nhất vô nhị. Họ ca ngợi bản thân, về chuyện đã làm thay đổi thế giới chóng mặt với những phát kiến đột phá trong một khoảng thời gian, vài thập kỷ hay vài thế kỷ: Chế ra động cơ, máy móc, bay vào vũ trụ, khám phá biển sâu, đi lên mặt trăng,... Harari hiểu tầm quan trọng của những phát kiến đó, nhưng ông có một góc nhìn riêng về tiến trình phát triển của nhân loại.

Trong mắt Harari, khi nhìn vào những bước tiến ấy, chúng ta phải xét trên cả tiến trình lịch sử thay vì một thời điểm nhất định. Rõ ràng, loài “người thông minh” (homo sapiens) đã xuất hiện từ 10 vạn năm trước, nhưng mới thống trị Trái đất khoảng 3-4 nghìn năm trở lại đây thôi. Nghĩa là, 95 nghìn năm trước, loài người cũng chẳng có gì đặc biệt, và giống như mọi sinh vật khác. Phải đến thời điểm 70 nghìn năm trước, homo sapiens mới trải qua cuộc tiến hóa “cách mạng” để trở nên khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại.

Từ đó, Harari đặt ra câu hỏi: Vậy điều gì khiến con người ngày nay thật sự khác biệt so với tất cả các giống loài còn lại trên thế giới? Rõ ràng không phải nhờ nhà cửa, công cụ lao động hay tàu vũ trụ rồi!

Trước Harari, nhiều nhà khoa học từng lý giải điều này theo những lĩnh vực chuyên môn của họ: Bộ não lớn, khả năng học hỏi, ghi nhớ, hình thành cảm xúc... Nhưng theo góc nhìn của một người nghiên cứu sử học, Harari đưa ra quan điểm hoàn toàn khác. Ông nhận định: Yếu tố khiến con người có sức mạnh để tiến hóa, phát triển chính là nhờ khả năng tập hợp thành những cộng đồng có quy mô khổng lồ. Không như một đàn sói, một đàn linh dương bị giới hạn trong quy mô vài chục hay vài trăm con, loài người có thể tập hợp thành một tập thể lên đến hàng vạn, hàng triệu người để cùng hướng theo một mục tiêu chung.

Và chất keo nào khiến con người gắn kết nhau như vậy? Harari ấn tượng trước ý tưởng về sức mạnh của những câu chuyện mang đậm màu sắc duy tâm và huyền bí. Nhờ đó, con người có thể tập hợp hàng triệu người không quen biết nhau lại thành một khối thống nhất. Những lý tưởng về tự do, tôn giáo, luật pháp và nhà nước cũng hình thành từ đó. Mọi thứ vốn chỉ là những phác thảo trong đầu con người, nhưng tạo thành một hình khối cụ thể khi có một cộng đồng.

Giải mã lịch sử loài người ảnh 1

Sự bình lặng của người gây tranh cãi

Harari là người gây ra nhiều quan điểm trái chiều. Ông nhận định cách mạng nông nghiệp là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử loài người, dù đây là yếu tố thúc đẩy những nền văn minh phát triển như ngày nay.

Vì sao lại thế? Trước khi có cách mạng nông nghiệp, con người chỉ biết săn bắt và hái lượm, sống phụ thuộc vào thiên nhiên và sẵn sàng chia sẻ bữa ăn cho nhau. Nhưng ở thời kỳ cách mạng nông nghiệp, khi trồng trọt và chăn nuôi xuất hiện, con người bắt đầu có thói quen tích lũy nông sản và của cải. Nhờ đó, xã hội dần phân hóa giàu nghèo, qua đó tạo thành những tầng lớp, giai cấp khác nhau.

Từ những luận điểm trên, Harari đặt ra câu hỏi: Con người sống để làm gì? Nếu chúng ta sống để được hạnh phúc, vậy trong tiến trình lịch sử phát triển hàng vạn năm qua, khi nào con người hạnh phúc nhất? Là thời buổi hiện đại, vật chất đầy đủ nhưng đau đầu về nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày nay; hay là những ngày còn sống hồng hoang, săn bắt và hái lượm trong rừng sâu?

Khiến cả thế giới phải tranh cãi ỏm tỏi về những góc nhìn khác người của mình, nhưng Harari lại chọn một cuộc sống bình lặng. Vốn là người Do thái, nhưng Harari lại là một tín đồ đạo Phật. Ông sùng bái Thiền nguyên thủy, một dòng tu của Phật giáo hướng đến tâm trí an lạc và sống một cuộc đời hạnh phúc. Trong Phật giáo, phương pháp thiền này có tên Vipasana, có nghĩa là “nhìn vào bản chất mọi sự vật ngay trong lúc quan sát bên ngoài”. Harari ngồi thiền từ năm 2000, và điều này đã thay đổi cuộc đời ông. Chính phương pháp thiền đó giúp ông có thể bình tâm ngồi viết sách, bao gồm cả cuốn Lược sử thời gian, điều ông ấp ủ suốt 15 năm nhưng chưa thể thực hiện được cho đến ngày ấy.

Mỗi ngày Harari thiền ít nhất hai giờ đồng hồ, và mỗi năm ông dành ít nhất 30 ngày liên tục sống trong tĩnh lặng, không đọc sách, không dùng mạng xã hội. Cuộc đời ông, vì thế, vô cùng yên ả. Ông mới chỉ dùng điện thoại thông minh gần một năm qua. Tâm trí ông là để chìm đắm trong những suy tưởng về lịch sử và giải mã cho những câu hỏi của nhân loại, thay vì bon chen giữa thị phi…