Gia đình, hay sự nghiệp?

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhậm chức vào năm 37 tuổi trong sự hoài nghi của người dân và giới quan sát. Tuy nhiên, sau gần ba năm tại vị, bà Ardern chứng minh rằng nữ giới có thể làm tốt vai trò lãnh đạo theo cách rất riêng, trong khi vẫn hoàn thành xuất sắc thiên chức làm mẹ.

Gia đình, hay sự nghiệp?

Thảm kịch kinh hoàng

Ngày 15-3-2019, vụ nổ súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch đã làm rung chuyển đất nước New Zealand. Vụ tiến công khủng bố của phần tử cực đoan “da trắng thượng đẳng” khiến 50 tín đồ Hồi giáo thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, tang tóc chưa từng có ở quốc gia năm triệu dân này.

Vào thời điểm thảm kịch xảy ra, Thủ tướng Jacinda Ardern đang trên đường đến thăm một ngôi trường cùng lãnh đạo địa phương. Những cuộc gọi khẩn cấp dồn dập đến, và bà Ardern hiểu rằng mình phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi nhậm chức (tháng 10-2017). Sự bàng hoàng của vị nữ thủ tướng 39 tuổi thể hiện rõ khi phác thảo kế hoạch ứng phó, mà tất cả những gì trên tờ giấy viết vội là dòng chữ: “Họ (nạn nhân vụ nổ súng) chính là chúng ta!”.

Nhưng dường như, Jacinda Ardern biết rõ mình phải làm gì. Ngày hôm sau, bà đến Christchurch để thăm hỏi gia đình các nạn nhân - gồm toàn người nhập cư và dân Hồi giáo, những cộng đồng vốn vẫn đang chịu sự kỳ thị ở New Zealand. Trong trang phục “Hijab” truyền thống của đạo Hồi, bà Ardern nghẹn ngào kêu gọi cả đất nước “đoàn kết trong đau thương”, đồng thời không ngần ngại chỉ ra phân biệt chủng tộc là nguồn gốc của thảm kịch. Hình ảnh một nữ lãnh đạo “tôn trọng và đồng cảm với Hồi giáo” lập tức xoa dịu phần nào cơn phẫn nộ của cộng đồng này và nhận được sự tán dương của dư luận quốc tế.

Lớn lên ở một khu vực đa dạng văn hóa - sắc tộc - giai cấp, bà Jacinda Ardern từ bé đã chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, cũng như sớm nhìn ra những hậu quả “kinh khủng” mà bất bình đẳng và kỳ thị xã hội có thể tạo ra: các bạn học của bà không đủ ăn; một số chọn cái chết vì bị bắt nạt, và tình trạng phân biệt, đối xử trầm trọng. Như chính bà tiết lộ, “tham vọng thay đổi xã hội khiến tôi dấn thân vào chính trị”.

Sử dụng rất tốt “quyền lực mềm” của nữ giới trên chính trường, nhưng bà Ardern cũng nhanh chóng cho thấy một khía cạnh khác trong phong cách chính trị của mình: mạnh mẽ và quyết đoán. 

Chưa đầy một tuần sau thảm kịch, Thủ tướng New Zealand đã quyết định ban hành luật cấm toàn bộ vũ khí bán tự động và súng trường tiến công, bắt giam người cố tình tàng trữ. Việc hình sự hóa hành vi sở hữu súng sát thương cao gần như ngay lập tức (trước đó là hợp pháp) chứng minh cam kết của bà Ardern thời điểm nhậm chức, rằng chính phủ mới sẽ là “Chính phủ của sự thay đổi”. Hơn 10 nghìn khẩu súng đã lập tức được giao nộp.
 
Bà Ardern cũng đặt vấn đề với những nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube,… về việc ngăn chặn những hình ảnh bạo lực và phân biệt chủng tộc trên internet. Thủ tướng New Zealand đã giải quyết thách thức lớn đầu tiên trên cương vị người đứng đầu bằng  những  giải pháp trước mắt (cấm súng) lẫn lâu dài (nâng cao nhận thức về việc tôn trọng sự khác biệt), chiếm được sự tín nhiệm của phần lớn người dân. 

Kẻ thù vô hình

Cách bà Ardern giải quyết thảm kịch xả súng tạo tiền đề quan trọng cho những quyết sách đối đầu với kẻ thù vô hình đang làm rung chuyển thế giới: corona virus. Kể từ tháng 2-2020, New Zealand đã sớm đóng cửa các chuyến bay đi và đến các nước có dịch, theo quan điểm của bà Ardern: “Chúng ta phải sớm hành động”.

Tháng 3 năm nay, New Zealand cũng là một trong những nước đầu tiên ra lệnh phong tỏa toàn quốc, dù cả nước chỉ có hơn 100 ca nhiễm, chưa có ca tử vong với cách tiếp cận tương tự Việt Nam: “Sức khỏe người dân trên hết”. Quyết định cực đoan của bà Ardern, tuy vậy, không vấp phải phản ứng ngược chiều nào, ngoại trừ hai trường hợp kiện chính phủ vì “vi phạm quyền tự do của công dân”. 

Mỗi ngày, cuộc họp báo cung cấp thông tin dịch bệnh của chính phủ được livestream trên Facebook, nhanh chóng và minh bạch. New Zealand đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm lên 8.000 mẫu/ngày, con số ấn tượng với quy mô dân số nước này. Y tế địa phương thực hiện truy vết, cách ly từ sớm để tận dụng thời gian vàng trong phòng, chống dịch bệnh.

Niềm tin của người dân vào sự quyết đoán của bà Ardern và sự nhất quán của chính phủ phần nào là nhân tố chủ chốt khiến chiến dịch chống virus corona của New Zealand thành công, khác xa với hình ảnh dân chúng biểu tình chống lệnh hạn chế đi lại ở một số nước phương Tây.

Việc đất nước ở châu Đại Dương này vừa trải qua chuỗi 100 ngày không có ca nhiễm mới là minh chứng thành công. New Zealand hiện bước vào làn sóng thứ hai với chùm ca bệnh không rõ nguồn lây, nhưng với kinh nghiệm đã có và trên hết là sự đồng thuận xã hội, bà Ardern hy vọng sẽ sớm kiểm soát tình hình.

Sao lại phải chọn một trong hai?

Đời sống chính trị sôi nổi tưởng chừng sẽ lấy hết thời gian cá nhân, nhưng bà Ardern vẫn có mối tình ngọt ngào với một phát thanh viên điển trai và tận hưởng thiên chức làm mẹ. Thủ tướng New Zealand là nhà lãnh đạo thứ hai trên thế giới sinh con khi đang đương chức. 

Liệu một người đứng đầu chính phủ sẽ cân bằng giữa nhiệm vụ lãnh đạo đất nước với vai trò của người mẹ như thế nào? Câu trả lời đến vào một ngày cuối tháng 8-2018: Bà Jacinda Ardern trở thành lãnh đạo đầu tiên mang theo đứa con ba tháng tuổi cùng tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cô bé ngồi im lặng trong lòng người cha, như tạo điều kiện tốt nhất cho mẹ - bà Ardern - hoàn thành bài phát biểu trước Đại hội đồng. 

Lý giải cho hành động này, bà Ardern cho biết mình nuôi con bằng sữa mẹ nên buộc phải mang đứa bé theo. Hình ảnh bà Ardern “ôm con đi họp” như lời gợi mở đến tất cả phụ nữ: Sao lại chỉ chọn sự nghiệp hoặc gia đình mà không phải là cả hai? 

Jacinda Ardern hiện sống cùng bạn trai và con gái tại một ngôi nhà nhỏ. Bà tự hào “khoe” vừa tự tay sơn sửa, trang trí tổ ấm. Đó là điểm tựa vững chắc của bà, để đối diện với mọi gian nan.

1_1-1599813129639.jpg