Điều phi thường giản dị

Trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ hai, có một người lính bình thường đã làm được những điều phi thường, khi xả thân cứu hàng trăm trẻ em Do Thái vô tội thoát khỏi các trại tập trung của Đức Quốc xã. Một sứ mệnh cao cả, với những hành động dũng cảm và mưu trí, lại xuất phát từ nguyên do thật giản dị: Tình yêu thương con người, và lòng tận tụy với dân tộc của mình.

Điều phi thường giản dị

Lời kêu gọi của người vợ hiền

Georges Loinger sinh năm 1919 trong một gia đình Do Thái gốc Ba Lan, sống tại Strasbourg, một thành phố ở đông bắc nước Pháp, gần biên giới với Đức. Năm 1940, không chấp nhận sự tàn ác của quân phát-xít Đức, Loinger gia nhập quân đội Pháp. Khi nước Pháp bại trận, ông bị quân Đức bắt và đưa sang một trại tù gần Munich.

Nhiều tháng sau, Loinger nhận được một bức thư của người vợ - Flore Loinger từ một nơi trú ẩn ở Pháp. “Cô ấy phụ trách 123 trẻ em Do Thái tại một lâu đài thuộc sở hữu của gia tộc Rothschild, và cô ấy nói rằng mọi việc đang rất khó khăn. Vì vậy, tôi nung nấu quyết định đào thoát khỏi trại tù binh, quay trở lại Pháp để giúp cô ấy” - ông Loinger thuật lại với tờ Bưu điện Jerusalem (Jerusalem Post).

Với ngoại hình giống chủng người Aryan (mà chế độ Đức Quốc xã khi đó coi là “chủng tộc thượng đẳng”) cùng khả năng sử dụng thành thạo tiếng Đức, Loinger dễ dàng che giấu thân phận là một người gốc Do Thái của mình. Ông tận dụng cơ hội khi lính canh sơ hở, trốn khỏi cửa trại, và nhanh chóng xóa mọi dấu vết có thể bị hệ thống truy lùng chú ý. Thế rồi, Loinger về được nước Pháp, và trở thành thành viên của Oeuvre de Secours aux Enfants (OSE), một tổ chức cứu trợ người Do Thái, bắt đầu thực hiện sứ mệnh che chở và bảo vệ trẻ em người Do Thái.

Điều phi thường giản dị ảnh 1


Đầu năm 1943, chính quyền Đức Quốc xã bắt đầu đẩy mạnh các cuộc tàn sát người Do Thái sống ở Pháp. Khoảng 75.000 người Do Thái, trong đó có nhiều trẻ em bị trục xuất khỏi các vùng Đức chiếm đóng tại Pháp. Gần như tất cả những người Do Thái này sau đó đều chết trong trại tập trung khét tiếng ở Auschwitz và các nơi khác. Nhiều trẻ em gốc Do Thái may mắn được cứu và được đưa vào trú ẩn trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo, hoặc đưa tới Mỹ. Một số khác sống trong các nơi bí mật trên khắp nước Pháp. Rất nhiều trong số chúng không còn người thân nào trên đời.

Loinger được OSE giao nhiệm vụ giúp những đứa trẻ ấy trốn qua biên giới, vào vùng lãnh thổ trung lập tại Thụy Sĩ, và gửi đến các gia đình hảo tâm chăm sóc.

Vận may mỉm cười

Với sự gan dạ và ưu điểm ngoại hình, Loinger thực hiện một kế hoạch táo bạo: Đưa những đứa trẻ đi bằng tàu hỏa từ Aix-les-Bains tới nhà ga Annemasse, miền đông nam nước Pháp. Lũ trẻ mang giấy tờ giả nhận được sự hỗ trợ từ các nhân viên đường sắt và sau đó trú ẩn trong một trung tâm tiếp nhận ở Annemasse. Tiếp theo đó, Loinger đưa bọn trẻ tới một cánh đồng gần biên giới, nơi chúng đã có thể được thoải mái vui đùa trong một trò chơi mà Loinger dày công tính toán: Khi không bị theo dõi, Loinger cố tình ném quả bóng xa cả trăm mét về phía đường biên giới. Lũ trẻ đuổi theo trái bóng và đó là cách chúng vượt qua biên giới. Cứ thế, sau mỗi lần vui đùa, nhóm trẻ khi trở về thường ít hơn lúc đi, nhưng không mấy ai để ý chuyện này.

OSE còn thuật lại: Trước mỗi cuộc đào thoát như vậy, Loinger còn tổ chức các cuộc thi thể thao tại nơi trú ẩn, nhằm chuẩn bị thể lực và tinh thần cho những đứa trẻ. Ông cho rằng đó là cách tốt nhất để ngăn chúng mắc các chứng rối loạn do bị “giam cầm” lâu ngày. Hơn thế, “thể thao giúp cho chúng trông không giống những đứa trẻ Do Thái đau khổ”. Loinger cũng có những lần thay đổi “chiến thuật” khi cho lũ trẻ mặc đồ tang, di chuyển tới một nghĩa trang gần biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ, rồi dùng thang cho chúng trèo qua tường vào lãnh thổ Thụy Sĩ, nơi chỉ cách đó có vài bước chân.

Vận may nhiều lần mỉm cười với con người nhân hậu ấy. Ông đã may mắn thoát khỏi chiến dịch thảm sát người Do Thái trong nhà tù của Đức Quốc xã, rồi vận may lại tiếp tục theo ông trên hành trình giúp đỡ những đứa trẻ.

Từng có lần, Georges cùng 50 đứa trẻ đang trên tàu đến Annemasse thì gặp một nhóm lính Đức tuần tra. Georges nhanh trí nói với nhóm lính rằng bọn trẻ là dân tị nạn từ thành phố Marseille bị ném bom, đang được đưa đến một cơ sở y tế điều trị. Sự tự tin trong cách nói chuyện của Loinger khiến tốp lính Đức không tỏ chút nghi ngờ. Thậm chí, khi tàu đến Annemasse, một trong những sĩ quan Đức còn hỏi Loinger và lũ trẻ có cần giúp đỡ gì không. “Ông xem, những đứa trẻ này rất mệt mỏi. Hãy giúp chúng tôi đẩy nhanh thủ tục xuất cảnh. Tôi sẽ nói với cảnh sát rằng, các ông là bạn của chúng tôi nhé?” - Loinger mạnh dạn đề nghị. Và rồi, một cảnh tượng chưa từng thấy diễn ra: “Cả nhóm lính Đức hát vang trên con đường lớn của thị trấn Annemasse, với 50 trẻ em Do Thái và tôi đi phía sau. Khi chúng tôi đến nơi, người Đức chào tôi và lũ trẻ. Chúng tôi đi vào cửa dành cho những người được nước Đức bảo vệ”.

Không một ai có thể phá hủy nền văn hóa Do Thái

Tờ Thế giới (Le Monde) của Pháp gọi Georges Loinger là “người đứng đầu phong trào phản chiến của người Do Thái thời Pháp bị chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai”. Thị trưởng của vùng Annemasse cho biết: Từ tháng 4-1943 đến tháng 6-1944, một mình Loinger đã cứu thoát hơn 350 trẻ em. Trong khi đó, theo ước tính, tổ chức OSE đã đưa khoảng 2.000 trẻ em vào Thụy Sĩ. Còn trong cuốn sách “Chuyến bay từ Reich” về lịch sử của những người tị nạn Do Thái trong thời Đức Quốc xã có đoạn viết: “Chỉ riêng Georges Loinger đã đảm nhận một nửa số đó”. Loinger được trao Huân chương Kháng chiến, Bắc đẩu bội tinh của Pháp, Huân chương Công trạng của Cộng hòa Liên bang Đức… và từng là chủ tịch Hiệp hội Kháng chiến Do Thái của Pháp (ARJF).

Trong những lời cuối cùng với con trai của mình trước khi từ giã cõi đời vào một ngày cuối năm 2018, ở tuổi 108, Georges Loinger nói: “Không một ai có thể phá hủy nền văn hóa Do Thái”. Một câu nói giản dị, nhưng chứa đựng bao tâm huyết của một người đã sống trọn cuộc đời vì tình yêu giống nòi, dân tộc. Lý tưởng ấy chính là động lực để một người bình thường có thể thực hiện những hành động dũng cảm, phi thường.