“Điện Biên Phủ, tôi sẽ còn trở lại!”

LTS - Tony Atkinson, đến từ Australia, từ lâu đã được biết đến như một nhà nghiên cứu tự do hàng đầu về chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của ông, niềm hứng khởi và sự chân thành của ông.

“Điện Biên Phủ, tôi sẽ còn trở lại!”

Ðường đến Ðiện Biên Phủ

Còn nhớ, vào khoảng giữa những năm 90, tôi có đọc tự truyện của trung tá John Paul Vann - người từng 10 năm làm cố vấn quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Cuốn sách không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc mà còn khơi lên trong tôi một niềm hứng thú, thôi thúc tôi lần đầu tìm hiểu về cuộc chiến của nước Pháp tại Ðông Dương.

Ðể có thêm thông tin, tôi đã ngấu nghiến vài quyển sách tiếng Anh về chủ đề này của nhà sử học nổi tiếng Bernard Fall. Ðó là cuốn "Ðường phố vắng niềm vui" (Street Without Joy) và công trình nghiên cứu toàn diện về trận Ðiện Biên Phủ mang tên "Ðiện Biên Phủ, một góc địa ngục" (Hell in a Very Small Place).

Chưa thỏa mãn, tôi nỗ lực tìm đọc thêm rất nhiều sách quân sự viết bằng tiếng Pháp. Một ngày nọ, có một người bán sách ở Pháp liên hệ với tôi. Ðó là một cựu binh lớn tuổi bước ra từ cuộc chiến Algeria, và là người mê du ngoạn khắp nước Pháp. Nhờ người bạn ấy, tôi có được một bộ sưu tập khổng lồ, gồm 500 quyển sách và tạp chí bằng tiếng Pháp, những chồng đĩa DVD, sa bàn, huy hiệu và rất nhiều kỷ vật liên quan cuộc chiến tranh Ðông Dương nói chung cũng như trận Ðiện Biên Phủ nói riêng. Khối lượng kiến thức ấy, những câu chuyện ấy càng khiến tôi có động lực để nghiên cứu và chia sẻ.

Trong vòng 50 năm trở lại đây, rất nhiều cuốn sách xuất sắc về chiến thắng Ðiện Biên Phủ được xuất bản trên khắp thế giới. Ðiều này chứng tỏ đông đảo độc giả Anh ngữ rất khao khát và mong chờ những thông tin quý giá về sự kiện lịch sử chấn động như chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Tôi cũng có chung niềm mong mỏi ấy. Và tôi đã có cơ hội đến với Việt Nam, đặt chân lên cánh đồng Mường Thanh, không chỉ một lần, để phục vụ hành trình nghiên cứu của mình.

Ðiện Biên Phủ trong mắt tôi

Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 65 năm trận Ðiện Biên Phủ - trận đối đầu quyết định với phần thắng thuộc về Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lúc đầu, các tướng lĩnh Pháp muốn "bẫy" Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vào một trận địa mà họ đã dày công bài binh bố trận. Song, người đứng đầu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có một lựa chọn sáng suốt. Ông từ bỏ kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh", và chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ông xây dựng hệ thống hậu cần khổng lồ và chuẩn bị trận đánh rất kỹ lưỡng.

Trận chiến mở màn vào ngày 13-3-1954, khi pháo binh Việt Minh trút một cơn mưa đạn pháo, khiến ngay cả những lính Pháp dạn dày kinh nghiệm trận mạc cũng phải kinh hãi. Bên cạnh đó, quân Pháp, vốn rất tự tin vào ưu thế tuyệt đối về vũ khí, đặc biệt là trên không trung, đã bị "sốc" với tiềm lực phòng không - một trong những chìa khóa quan trọng nhất dẫn đến chiến thắng chung cuộc của đối thủ. Gần như ngay lập tức, bộ đội Việt Minh tiến công và chiếm lĩnh điểm cao quan trọng ngay trước mũi các đơn vị lính lê dương hổ sói. Chiến thuật này được họ sử dụng nhuần nhuyễn: Trước tiên, công binh đào các chiến hào để tiếp cận cứ điểm của Pháp, cho đến khi bộ đội có thể vào đúng vị trí và sẵn sàng chiến đấu. Sau đó pháo binh bắt đầu bắn phá, mở đường cho những đợt xung phong.

Ðể xuyên phá lớp hàng rào dây kẽm gai dày đặc, bộ đội Việt Minh sử dụng loại bộc phá tự chế làm từ những ống tre dài chứa đầy thuốc nổ. Những người lính nhận nhiệm vụ sẽ đặt bộc phá ống tre dưới hệ thống dây kẽm gai và kích nổ với mức độ thương vong cao.

Hai tháng sau đó, hàng loạt cứ điểm của Pháp liên tiếp thất thủ, các đợt không kích bị pháo phòng không Việt Minh vô hiệu hóa và khu vực kiểm soát của Pháp ngày càng thu nhỏ lại. Quân đội Pháp điên cuồng cố gắng phá hủy hệ thống chiến hào của Việt Minh bằng đủ mọi cách, từ bộ binh xe tăng, máy ủi, không kích, đặt mìn đến nã pháo. Nhưng, mỗi khi có chiến hào bị phá hủy, bộ đội Việt Minh nhanh chóng đào lại ngay, chấp nhận mọi nguy hiểm.

Tất cả nhu yếu phẩm của lính Pháp được vận chuyển bằng dù và số lượng không nhỏ hàng hóa này rơi vào khu vực do Việt Minh kiểm soát. Phía Việt Minh cũng có những thách thức vô cùng to lớn về công tác hậu cần. Họ đã thiết lập một tuyến tiếp tế dài hàng trăm km vì một mục tiêu duy nhất: "Tất cả cho mặt trận!". Lương thực, vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm khác được vận chuyển bởi "đội quân" hàng chục nghìn người vận chuyển - họ lái xe tải, chuyển hàng tấn hàng trên những chiếc xe đạp thồ đặc chế, hoặc đi bộ tải hàng trên những cung đường thường xuyên bị máy bay Pháp oanh tạc. Quân Pháp làm mọi cách, nhưng không thể xoay chuyển cục diện. Ngày 7-5-1954, Việt Minh tổ chức tổng công kích, giành thắng lợi cuối cùng.

“Điện Biên Phủ, tôi sẽ còn trở lại!” ảnh 1

Lần về Điện Biên Phủ gần nhất (tháng 1-2019) của nhà nghiên cứu Tony Atkinson. Ảnh: VŨ PHI HIỂN

Tôi sẽ còn trở lại!

Tôi đã ghé thăm Ðiện Biên Phủ vài lần cùng những người bạn ham mê nghiên cứu về trận đánh lịch sử này. Ngay tại đó, chúng tôi đã cố gắng xác định các vị trí then chốt, như những gì chúng tôi đã được đọc. Một số cơ sở vật chất, giống như cầu Bailey bắc qua sông Nậm Rốm, vẫn còn sừng sững sau 65 năm. Chính quyền địa phương đã cho xây dựng đài tưởng niệm, các biển chỉ dẫn đầy đủ và trùng tu, tái tạo lại những khu vực quan trọng. Trong một chuyến đi gần đây, tôi và những người bạn đã tìm thấy một thác nước gần Ðiện Biên Phủ, bối cảnh của một bức ảnh nổi tiếng chụp tướng Giáp vào cuối tháng 1-1954. Chúng tôi cũng lần ra đúng vị trí pháo binh Việt Minh bố trí trên núi và tìm thấy dấu tích của sân bay khẩn cấp của Pháp gần Hồng Cúm. Ðó là những phát hiện đầy hứng thú.

"Bệnh nghề nghiệp" trỗi dậy tiếp tục thúc giục tôi cùng tổ chức các buổi nói chuyện với những người bạn Việt Nam về hai khía cạnh của trận chiến: Thứ nhất, việc sử dụng xe tăng. Thứ hai, về những hạn chế của không quân khi tham chiến ở Ðiện Biên Phủ. Tôi đã có vài cuộc trao đổi tương đối sâu với một số bạn trẻ về các chủ đề này, tại Hà Nội.

Bản thân tôi vẫn còn nhiều dự định. Tôi muốn hiểu rõ thêm về cách tổ chức của phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, học tiếng Việt, tra cứu các tài liệu về trận chiến trong kho lưu trữ của quân đội Pháp và viết tiểu sử của một số nhân vật. Hiện tại, tôi cũng đang theo đuổi ba dự án viết: một thời biểu các sự kiện xuyên suốt, một bản danh sách các thuật ngữ được dùng trong các sách về chiến tranh Ðông Dương và một danh mục tài liệu về cuộc chiến.

Nhờ có một thư viện khổng lồ, tôi có thể chia sẻ bản đồ và thông tin cuộc chiến với những người bạn cùng sở thích và ngược lại, họ cũng sẵn sàng chia sẻ với tôi. Tôi đăng ảnh và những câu chuyện lên trang Facebook riêng về trận Ðiện Biên Phủ và các trang web, cung cấp đầy đủ thông tin bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh trên mỗi bức ảnh, đồng thời trích dẫn các nguồn tham khảo để độc giả có thể dễ dàng tra cứu thêm. Người thân của những cựu binh Pháp thỉnh thoảng cũng tìm đến tôi để hiểu rõ thêm về những trải nghiệm của cha ông họ.

Người dân Việt Nam luôn chào đón tôi và các cộng sự. Họ dành thời gian giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử phong phú của đất nước. Vẫn còn quá nhiều câu hỏi cần giải đáp và khám phá, nên chắc chắn tôi sẽ trở lại Ðiện Biên Phủ. Không chỉ một vài lần!