Cuộc “làm phản” cuối cùng dưới chế độ Đức Quốc xã

Đây là một câu chuyện ít được nhắc đến, mặc dù chẳng ai che giấu nó. Những đêm trước ngày Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng lên nóc nhà Quốc hội Đức, đánh dấu chấm hết cho chế độ phát-xít bạo tàn, đã có những biến động tương đối mạnh mẽ diễn ra, trên thượng tầng chính trị của Đế chế thứ ba (cách nhà độc tài Adolf Hitler tự gọi chính thể mà mình dựng nên).

Chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, Hồng quân Liên Xô đã góp sức vào bản hùng ca nhân loại.
Chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, Hồng quân Liên Xô đã góp sức vào bản hùng ca nhân loại.

Cơn cuồng nộ của Hitler

Tối 23-4-1945, sự kiện đáng lẽ đã phải được quan tâm nhiều hơn xảy ra, nếu không phải là bởi những vòng vây của quân Đồng minh đã siết chặt quanh Berlin, và chế độ Đức Quốc xã đã bắt đầu đếm từng giờ tới khoảnh khắc cáo chung của mình.

Hermann Goering - Thống chế Đế chế, Tư lệnh Không quân, nhân vật số hai của Đế chế thứ Ba - bị lính SS (lực lượng vũ trang riêng của đảng Quốc xã Đức) bắt giữ, ngay tại tổng hành dinh Berchtesgaden của SS, vì tội “phản quốc nghiêm trọng”. Martin Bormann, thư ký riêng của Adolf Hitler, là người ra lệnh đó. Ông ta được phép làm như vậy, được phép đụng đến kẻ tưởng như không thể đụng đến, bởi tối hôm đó, chính Hitler đã gửi một bức điện đến người chiến hữu thân cận một thời Goering, để đòi ông ta lựa chọn: Hoặc nhận án tử hình vì tội “phản quốc nghiêm trọng”; hoặc được tha tội chết nếu từ bỏ mọi chức vụ.

Ba ngày sau, tối 26-4, Hitler vẫn còn giữ nguyên cơn thịnh nộ khi nhắc tới Goering, trước mặt những vị khách cuối cùng được tới thăm hầm ngầm trú ẩn của nhà độc tài: “Hermann Goering đã làm phản. Y đã bỏ rơi cả tôi lẫn Tổ quốc. Y đã tiếp xúc với quân thù sau lưng tôi! Hành động của ông ta là biểu hiện của sự hèn nhát. Ông ta đã kháng lệnh tôi, và tự ý trở về Berchtesgaden, rồi gửi cho tôi một bức điện bất kính. Đó là một thứ tối hậu thư!”.

Như Hanna Reitsch - nữ phi công chuyên lái máy bay thử nghiệm, một nhân chứng, một trong những vị khách cuối cùng đó kể lại, Hitler nói những lời này với cơ da mặt giật giật và hơi thở gấp gáp. Không còn nghi ngờ gì nữa, con người ấy đã cảm thấy bị tổn thương quá nặng nề, khi (theo cách nghĩ của ông ta) bị phản bội bởi một trong những chiến hữu thân thuộc nhất (và thậm chí còn được cưng chiều nhất). Hẳn Hitler đã vô cùng hối tiếc vì chuyện mình từng tạo nên quân hàm Thống chế Đế chế - cao hơn mọi quân hàm thống chế khác của quân đội Đức Quốc xã - chỉ để Goering là người duy nhất được đeo nó.

Cú đánh này có lẽ còn nặng nề hơn vụ mưu sát hồi năm 1944, do đại tá Stauffenberg chủ mưu và có sự tham gia (như cáo buộc) của thống chế thiết giáp lừng lẫy Erwin Rommel.

Nhưng, thật ra, Goering đã làm gì?

Nỗi “oan ức” của Goering

Cuộc “làm phản” cuối cùng dưới chế độ Đức Quốc xã ảnh 1

Hermann Goering tại tòa án Nuremberg.

Hermann Goering, có thể nói, đã chỉ cố làm điều mà chính Hitler xác nhận, rằng: “Trong việc đàm phán hòa bình, Goering có thể làm tốt hơn tôi. Ông ấy có thể ứng phó với đối phương giỏi hơn”. Hơn thế, đã từ khá lâu Goering cũng được chính Hitler chỉ định sẽ là người kế nhiệm mình, trên cương vị Quốc trưởng Đức Quốc xã.

Ở Berchtesgaden, Goering được biết là Hitler có ý định tự sát, khi vòng vây quân Đồng minh đã khép chặt, và mọi hy vọng lật ngược thế cờ đều chỉ còn là hão huyền. Bởi vậy, Goering tự đặt mình vào một nhiệm vụ: Chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của nước Đức, sau khi Hitler chết. Trong khi đó, chính Hitler cũng gửi lời nhắn đến Goering rằng nếu ông định nhận trách nhiệm đàm phán hòa bình thì không nên bỏ phí thì giờ.

Sẽ không bao giờ có ai biết chắc được rằng đây có phải là cái bẫy cuối cùng mà Hitler giăng ra với chính người chiến hữu cũ, nhằm kiểm tra lòng trung thành và thử thách sự vững vàng của quyền lực mà mình nắm giữ, hay Hitler thật sự “hớ hênh” đến thế?

Nhưng dù sao, Goering cũng đã hành động khá “dại dột”. Ông ta lục lọi để tìm lại một nghị định mà lãnh tụ của mình ký ngày 29-6-1941, trong đó nêu rõ: Nếu Hitler chết, Goering sẽ lên thay; còn nếu lãnh tụ “mất năng lực”, Goering sẽ “phụ chính”. Quanh Goering, những người được triệu tập để xác nhận cơ sở pháp lý của văn bản này đều đồng ý: Khi Hitler nhất quyết không chịu rời Berlin, nhất quyết ở lại để chịu chết, rời xa cả quân đội lẫn chính phủ, có nghĩa là Hitler không còn năng lực điều hành. Và bởi vậy, chiểu theo bản nghị định, Goering phải “gánh vác trách nhiệm”.

Và rồi, Goering gửi một bức điện cho Hitler - bức điện bị đánh giá là “một thứ tối hậu thư” đầy “bất kính”: “Lãnh tụ của tôi! Xét qua quyết định muốn lưu lại trong công sự ở Berlin của ông, liệu ông có đồng ý cho tôi lập tức đảm nhiệm quyền lãnh đạo Đế chế, được hoàn toàn hành động (trong cả ngoại giao lẫn nội trị) như là phụ tá của ông, theo tinh thần nghị định ngày 29-6-1941 hay không? Nếu tôi không nhận được phúc đáp lúc 22 giờ tối nay, tôi sẽ hiểu rằng ông đã mất quyền tự do hành động, và sẽ xem như tình thế đã hội đủ điều kiện theo như nghị định, để hành động vì lợi ích tối đa của đất nước cũng như dân tộc Đức…”.

Một bậc thầy của những mưu đồ như Hitler sẽ có thể cảm thấy như thế nào khi đọc bức điện này?

Sự giải thoát cuối cùng

Tất cả những chi tiết này được Goering và các nhân chứng công khai tại những phiên tòa diễn ra nối nhau đằng đẵng sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, và được nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ William L.Shirer ghi chép cặn kẽ, rồi đưa vào cuốn Lịch sử Đức Quốc xã - Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, cuốn khảo cứu kinh điển về chế độ phát-xít Đức.

Goering đã không (kịp) bị xử tử, để vẫn còn phải tham dự những phiên tòa xử tội phạm chiến tranh và diệt chủng tại Nuremberg đó. Không chỉ vậy, hành động “tạo phản” của ông ta có lẽ cũng còn mang tới những hiệu ứng tích cực vô hình khác.

Cho dù sự sụp đổ của chủ nghĩa phát-xít dưới sức phản kích của các lực lượng tiến bộ, mà dẫn đầu là Hồng quân Liên Xô, là tất yếu thì vào thời điểm những ngày cuối tháng 4-1945 đó, Hitler, trong những cơn hoang tưởng, vẫn có lúc hô hào quân sĩ tử thủ hoặc thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” để tiếp tục cuộc chiến. Điều đáng sợ nhất là ông ta vẫn còn đủ quyền lực để thúc đẩy điều đó, như cách vẫn còn đủ quyền lực để lập tức “còng đầu” Goering.

Tuy nhiên, sự phản bội ấy đã khiến Hitler hoàn toàn suy sụp. Ý tưởng tự sát cùng Berlin, sau chuyện này, đã trở nên rõ ràng và không thể thay đổi. Hitler chết, Goering bị tống giam, các tướng lĩnh khác đều không còn ai đủ sức (hoặc đủ ý chí) để gây thêm khó khăn cho những bước quân hành chiến thắng của Hồng quân. Berlin tan hoang, nhưng máu không còn đổ thêm nữa.