Cho đi là còn mãi

Trở thành tỷ phú là thành tựu của cả một đời, với không ít người. Thế nhưng, với Chuck Feeney, tiền bạc chỉ là công cụ để phục vụ một giấc mơ thầm kín.

Cho đi là còn mãi

Tỷ phú bình dân

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Trường đại học Cornell (Mỹ) liên tục nhận được những khoản tài trợ hàng chục triệu USD từ một tổ chức đề nghị giấu tên. Cùng thời điểm đó, một nhân vật ẩn danh cũng chi rất nhiều tiền cho hàng loạt cơ sở y tế, giáo dục gặp khó khăn trên đất nước Mỹ và Ai-len (Ireland). Danh tính vị mạnh thường quân trở thành mối quan tâm lớn của truyền thông, thậm chí có người còn nghi ngờ: Phải chăng đây là dấu hiệu tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia.

Thế rồi một vụ tranh chấp tài chính năm 1997 đã vô tình để lộ thông tin người bí ẩn kia. Đó là ông Chuck Feeney, doanh nhân gốc Ai-len - người được xếp giàu thứ 31 nước Mỹ. Từ năm 1982, vị tỷ phú này chuyển gần như toàn bộ tài sản mình vào Quỹ từ thiện Atlantic và bắt đầu hành trình “cho đi” hoàn toàn ẩn danh. Không có bảng danh vị hay kỷ niệm chương nào. 

Cho đi là còn mãi -0

Trong suốt hơn 30 năm tồn tại, Quỹ Atlantic của ông đã tài trợ hàng tỷ USD ở nhiều quốc gia, trong đó có 1 tỷ USD dành tặng Trường đại học Cornell - nơi đã cho ông cơ hội học tập bình đẳng như người Mỹ chính gốc. Số tiền này đều được ông lên kế hoạch chi tiết nhằm đem lại những giá trị bền vững.

Hào phóng đến như vậy, nhưng Chuck Feeney có lối sống giản tiện, nếu không muốn nói là có phần khắc kỷ. Ông không sở hữu nhà, không có siêu xe, mua quần áo theo lô và thứ đồ đắt giá nhất trên người ông là chiếc đồng hồ Casio có giá 10 USD. Ông Feeney rời căn hộ thuê mỗi sáng và đi làm bằng tàu điện ngầm, hòa mình vào tầng tầng lớp lớp người lao động khéo đến nỗi chưa từng bị phát hiện ra thân phận.

Triết lý sống “đủ dùng” ấy có lẽ xuất phát từ quá khứ nhập cư nghèo khó của ông và cả những lần suy tư khi đã có tỷ USD trong tay: “Người giàu hay nghèo thì cũng chỉ mặc được một chiếc áo, một cái quần thôi mà?!”. Như có lần Feeney tâm sự, đồng hồ 10 USD hay triệu USD cũng chỉ để xem giờ và ghế hạng thương gia không thể giúp bay nhanh hơn hạng thường.

Chuck Feeney sống tiết kiệm nhưng hợp lý. Không chỉ Feeney, các con của ông cũng sớm thấm nhuần tư tưởng của cha. Họ phải đi làm thêm nhiều công việc từ tuổi thiếu niên để tự mua sắm đồ cá nhân và không hưởng bất cứ đặc quyền nào của giới siêu giàu. “Nhờ đó mà chúng tôi có cuộc sống của người bình thường”, con gái của ông Feeney chia sẻ. Các con ông chưa từng đòi hỏi quyền thừa kế mà trái lại, hỗ trợ cha đắc lực để cho hết khối tài sản 8 tỷ USD.

Cơ duyên với Việt Nam

Khoảng năm 1997, tỷ phú Chuck Feeney bắt gặp mẩu tin rằng: Tổ chức từ thiện Đông Tây hội ngộ giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam hiện đã cạn tiền. Ông Feeney trực tiếp đến gặp người đứng đầu tổ chức này đề nghị tài trợ 100 nghìn USD cho dự án nước sạch ở đất nước hình chữ S - số tiền mở đầu cho hàng trăm triệu USD tài trợ cho Việt Nam sau đó.

Một năm sau, vị tỷ phú này quyết định tự mình đến thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân và lên kế hoạch cải thiện điều kiện y tế - giáo dục. Cương quyết giữ mình ẩn danh, ông Feeney đi khắp nhiều ngóc ngách ở Huế, Đà Nẵng, gặp gỡ các bệnh nhân và sinh viên, cũng như các giáo viên và y, bác sĩ để tìm ra cách giúp đỡ họ thiết thực nhất.

Trong một lần nghỉ chân, ông bắt gặp tòa nhà thư viện xây dang dở của Đại học Đà Nẵng và lập tức liên hệ ban giám hiệu để tài trợ công trình ấy. Hay như lần chứng kiến một nông dân nhập viện ở Đà Nẵng vì giẫm phải bom mìn thời chiến tranh đã thôi thúc ông tài trợ thành lập phòng cấp cứu hiện đại cho bệnh viện.

Những năm sau đó, Quỹ từ thiện của ông Feeney tiếp tục chi tiền cho nhiều dự án khắp Việt Nam, từ các bệnh viện địa phương cho đến các trường y tế cộng đồng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hàng trăm suất học bổng toàn phần cũng đến tay sinh viên Việt Nam, nhiều người trong số đó đã thành công và quay lại cống hiến cho cộng đồng, như mong muốn của ông Feeney.

Quỹ Atlantic của ông Feeney luôn đề cao nguyên tắc tôn trọng và phối hợp tuyệt đối với chính quyền địa phương ở Việt Nam. Ông cũng bỏ “nguyên tắc ẩn danh” không lâu sau đó để tạo sự tin tưởng ở những vùng sâu. Vị tỷ phú cũng nhấn mạnh rằng, chính người Việt, những người nhận tài trợ, đã biến nguồn lực mà ông cung cấp trở thành những thay đổi ý nghĩa và bền vững với người dân. Đến năm 2016, Quỹ từ thiện Atlantic đã tài trợ 380 triệu USD cho y tế và giáo dục ở Việt Nam.

“Vì vải liệm không có túi”

Đó là kim chỉ nam cho nửa sau cuộc đời ông. Người chết không thể mang theo tiền bạc, nên với tỷ phú Chuck Feeney, “cho đi khi còn sống” là cách duy nhất để khiến khối tài sản khổng lồ trở thành mầm ươm cho một xã hội tốt đẹp.

Mong ước ấy của ông trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy hai tỷ phú nổi tiếng Bill Gates và Warren Buffett lập chiến dịch “Cam kết cho đi” - kêu gọi tầng lớp giàu nhất nước Mỹ cho đi ít nhất một nửa tài sản trước khi qua đời.

Vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Quỹ từ thiện Atlantic thông báo tỷ phú Chuck Feeney đã cho đi toàn bộ tài sản và chỉ giữ lại 2 triệu USD để chăm lo cho tuổi già. Và thế là sau 38 năm thành lập, Quỹ Atlantic đã hoàn thành sứ mệnh, trong niềm nuối tiếc xen lẫn tôn trọng của giới doanh nhân và cả người dân. Ở tuổi 89, ông Chuck Feeney đã sống một cuộc đời thật sự đáng sống.