Biểu tượng của làn gió mới

Tuyên thệ nhậm chức ở tuổi 34, đó là nữ Thủ tướng thứ ba, cũng là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Phần Lan. Hơn 5,5 triệu người dân đất nước Bắc Âu giàu có đang chờ đợi những điều tốt lành từ “làn gió mới” của thế hệ lãnh đạo trẻ tài năng, mà bà Sanna Marin là biểu tượng.
Biểu tượng của làn gió mới

Gia đình “cầu vồng”

Việc các chính trị gia ở độ tuổi 30 lên nắm quyền ở các nước đã không còn là chuyện hiếm. Nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhậm chức ở tuổi 39, Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk ở tuổi 35, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng được cho là lên cầm quyền ở cùng độ tuổi ấy. Sinh năm 1985, bà Sanna Marin trở thành thành viên trẻ nhất trong “câu lạc bộ” các nhà lãnh đạo trẻ thế giới này.

Sanna Marin được yêu mến và nồng nhiệt chào đón tại Phần Lan, một phần có lẽ bởi chính xuất thân và ý chí vươn lên của bà. Gia đình Marin thuộc tầng lớp lao động ở Phần Lan, sống trong nhà thuê ở Espoo, Pirkkala trước khi chuyển tới Tampere, phía bắc Helsinki. Mẹ bà sớm chia tay người chồng nghiện rượu, rồi tìm đến hạnh phúc với người bạn đồng giới. Marin kể lại: Việc lớn lên trong một “gia đình cầu vồng” khiến bà đối mặt không ít khó khăn, bởi trong một xã hội được đánh giá là tiến bộ như Phần Lan, vẫn tồn tại những ánh mắt không mấy thiện cảm về các gia đình đồng giới.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Marin cho biết bà thường xuyên cảm thấy mình như “người vô hình” ở trường học, do không thể trò chuyện cởi mở về gia đình. “Sự vô hình tạo nên cảm giác bất lực. Chúng tôi không được công nhận là một gia đình đích thực, bình đẳng với những người khác. Nhưng tôi may mắn không bị bắt nạt nhiều. Ngay từ khi còn bé, tôi đã rất thẳng thắn và bướng bỉnh” - Marin chia sẻ.

Gia đình thường xuyên gặp vấn đề về tài chính. 15 tuổi, Marin làm thêm tại một tiệm bánh trong kỳ nghỉ hè và đi phát báo để kiếm tiền. Sau khi trở thành người đầu tiên trong gia đình hoàn thành chương trình trung học, Marin làm nhân viên thu ngân tại một cửa hàng trong vài năm, trước khi theo học tại Trường đại học Tampere. Sau đó, Marin tiếp tục học thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu hành chính.

Những ngôi sao đang lên

Bắt đầu sự nghiệp chính trị từ khi mới 20 tuổi, Marin thăng tiến khá nhanh chóng. Năm 22 tuổi, bà tham gia tranh cử Hội đồng thành phố Tampere, nhưng không trúng cử. 5 năm sau, ở tuổi 27, Sanna Marin không những được bầu vào Hội đồng, mà còn trở thành Chủ tịch Hội đồng Tampere - thành phố công nghiệp quan trọng thứ hai tại Phần Lan. Kể từ thời điểm này, “hiện tượng” Marin xuất hiện thường xuyên hơn trên các trang báo chính trị của đất nước Bắc Âu này.

Năm 2014, Sanna Marin được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan (SDP), và bước chân vào Quốc hội một năm sau. Marin có thời gian từng thay cựu Thủ tướng Antti Rinne lãnh đạo SDP, khi ông Rinne nghỉ ốm trong thời gian dài cuối năm 2018. Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông hồi tháng 6-2019, tới hôm 10-12 vừa qua bà Sanna Marin chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Phần Lan, sau khi ông Antti Rinne từ chức.

Sanna Marin không phải là nữ lãnh đạo duy nhất trong các đảng phái chính trị tại Phần Lan. Bộ trưởng Giáo dục Li Andersson, 32 tuổi, đứng đầu đảng Liên minh cánh tả; Bộ trưởng Kinh tế Katri Kulmuni, 32 tuổi, đứng đầu đảng Trung tâm; Bộ trưởng Nội vụ Maria Ohisalo, 34 tuổi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Xanh và Bộ trưởng Tư pháp Anna-Maja Henriksson, 55 tuổi, lãnh đạo đảng Nhân dân Thụy Điển đại diện cho nhóm thiểu số nói tiếng Thụy Điển ở Phần Lan. Như vậy, với sự góp mặt của bà Marin, Chính phủ Phần Lan có tới năm chủ tịch đảng là nữ và bốn người trong số đó đều ở độ tuổi dưới 35. Báo chí phương Tây thậm chí còn lấy tên gọi của nhóm nhạc nữ đình đám một thời của nước Anh - “Spice Girls” - để chỉ các nữ lãnh đạo trẻ của Phần Lan.

Tổng cộng, chính phủ mới của Phần Lan có tới 12 nữ bộ trưởng và chỉ có bảy người là nam. Đây là tỷ lệ phụ nữ trong chính phủ khá cao, ngay cả đối với một nước mà năm 1907 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có phụ nữ được bầu vào Quốc hội.

Chính trị gia “Instagram”

Trong nền chính trị Phần Lan, từ lâu đã có nhiều nữ chính trị gia. Trước Sanna Marin, từng có hai nữ thủ tướng, tuy nhiên thời gian cầm quyền của hai người này đều khá ngắn ngủi. Người đầu tiên là cựu Thủ tướng Anneli Jaatteenmaki, chỉ nắm quyền được hơn hai tháng vào năm 2003 và người thứ hai là bà Mari Kiviniemi, giữ ghế Thủ tướng Phần Lan trong một năm (từ năm 2010 đến 2011). Tuy nhiên, việc phụ nữ trẻ tuổi được bổ nhiệm để lãnh đạo đất nước vẫn khiến giới truyền thông thế giới đặc biệt chú ý, như một hình mẫu trong lĩnh vực vốn được thống trị bởi những người đàn ông lớn tuổi.

Biểu tượng của làn gió mới ảnh 1

Dù công việc bận rộn, Sanna Marin vẫn cho thấy bản thân là một “quý cô trẻ tuổi”, hợp thời, khi không ngần ngại chia sẻ hình ảnh thường ngày của mình lên Instagram. Ảnh selfie, hành trình mang thai, cảnh tự trang trí nhà cửa, du lịch cùng gia đình, thậm chí cả ảnh đang cho con bú… đều được nữ Thủ tướng 35 tuổi chia sẻ lên mạng xã hội.

Chính trường Phần Lan còn nhiều biến động, với các làn sóng đình công mới liên quan các bất đồng về lao động và tiền lương. Trong khi đó, Phần Lan hiện đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu (EU). Bối cảnh ấy càng khiến niềm tin và hy vọng đặt vào vị nữ Thủ tướng trẻ trung và quyết đoán, cùng thế hệ lãnh đạo năng động trong chính phủ, thêm tràn đầy.