Bảy năm trong bóng tối

Chính xác là 6 năm, 9 tháng, 24 ngày, kể từ lúc Julian Assange đến Đại sứ quán Ecuador tại Anh xin tị nạn chính trị, cho đến ngày ông bị bắt giữ. Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks ẩn náu, và cũng chính là tự cách ly với thế giới bên ngoài. Đó là cả một hành trình khổ đau và đầy những biến chuyển nội tại.

Bảy năm trong bóng tối

Đi tìm tự do

Với WikiLeaks, Assange khiến cả thế giới bị sốc khi công bố hàng loạt câu chuyện “thâm cung bí sử” của các cường quốc. Những thông tin gây tranh cãi từ WikiLeaks giúp Assange có nhiều đồng minh ủng hộ, nhưng cũng không ít người muốn bỏ tù ông. Xét về bản chất, những việc Assange làm chẳng khác nào một tin tặc, và ông là mối nguy với nền an ninh mạng của mọi quốc gia.

Cuộc lùng bắt Assange bắt đầu vào tháng 8-2010. Vào thời điểm ấy, ông đến Thụy Điển và có mối quan hệ tình cảm với hai phụ nữ. Cả hai người này sau đó lên tiếng cáo buộc Assange quấy rối, cưỡng bức họ. Assange bị đưa vào danh sách truy nã của Interpol, và buộc phải trình diện trước cảnh sát Anh.

Tại cơ quan điều tra, Assange phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vẫn bị tạm giữ. Assange chỉ được thoát khỏi song sắt nhà tù, khi những người ủng hộ quyên góp được gần 300 nghìn bảng Anh để giúp ông đóng tiền tại ngoại. Tận dụng cơ hội này, vào tháng 6-2012, Assange tìm đến Đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn xin tị nạn chính trị.

Yêu cầu của Assange sớm được chấp thuận, khi Tổng thống Ecuador Rafael Correa công khai tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Quyền miễn trừ ngoại giao theo công ước quốc tế trở thành một “tấm bùa hộ mệnh”. Chỉ cần Assange không rời khỏi tòa nhà Đại sứ quán, cảnh sát sẽ không bao giờ được phép bắt giữ ông.

Kể từ thời điểm đó, Assange sống như một ẩn sĩ. Một trong hai phụ nữ kiện Assange sau đó rút đơn, người còn lại không tiếp tục theo đuổi vụ kiện một cách quyết liệt. Song, Assange vẫn cứ ở lỳ bên trong tòa nhà bất khả xâm phạm.

Bảy năm trong bóng tối ảnh 1

Tự giam cầm chính mình

Không phải đến khi Assange bị bắt giữ với bộ dạng như một ông lão (râu tóc bạc trắng, quần áo nhàu nhĩ bẩn thỉu), công chúng mới nhận ra những biểu hiện khác người nơi ông. Lối sống của Assange vốn đã không bình thường, sau bảy năm cách ly với thế giới bên ngoài, ngày càng lập dị.

Trong Đại sứ quán Ecuador, Assange trú ngụ ở một căn phòng nhỏ xíu. Nơi đây vốn là một phòng làm việc, nhưng được cải tạo thành phòng ngủ cho vị khách đặc biệt. Assange hào hứng kể về những hoạt động thường nhật: cùng nhau ăn trưa, chúc mừng sinh nhật nhân viên Đại sứ quán... Nhưng sau quãng thời gian đó chỉ là cuộc sống tẻ nhạt lặp đi lặp lại. Mỗi sớm thức dậy, Assange chỉ thấy bốn bức tường lạnh lẽo. Nơi trú ngụ dần biến thành một phòng giam.

Cuộc sống tù túng khiến Assange ngày càng mất kiểm soát trong hành vi. Ông tự ý, lén lút lắp đặt vô số thiết bị điện tử ghi âm, gây nhiễu sóng. Assange cũng làm các nhân viên Đại sứ quán phát điên khi vô tư chơi bóng đá ngay bên trong tòa nhà, khiến nhiều đồ trang trí vỡ tan tành. Trên hết, thói quen vệ sinh của Assange khiến không ai dám lại gần ông.

Một người bạn quen biết Assange từ thời sinh viên tiết lộ, nhà sáng lập WikiLeaks rất… lười tắm. Trừ khi bị mọi người phàn nàn, ông thường xuyên mặc nguyên một bộ đồ suốt vài ngày. Ông không thay đổi chút nào trong thời gian sống ở Đại sứ quán Ecuador: đầu tóc rối bù, quần áo nhàu nhĩ. Ông cũng làm mọi người khó chịu với những câu chuyện đùa nhạt nhẽo và có phần vô duyên hằng ngày. Cũng đúng thôi, Assange đã bị cắt khỏi những chất liệu giàu sinh khí nhất cho những chuyện đùa ấy.

Ngoài ra, chưa đầy một năm sau khi nhà sáng lập WikiLeaks nương náu, nhân viên Đại sứ quán tiết lộ ông bị viêm phổi mạn tính vì ở trong phòng nhiều ngày. Tình trạng sức khỏe của Assange ngày càng xấu đi theo thời gian, vì ông không được chăm sóc chu đáo về mặt y tế.

Kẻ gây tranh cãi

Từ một vị khách được chào đón, Assange gây ra cho Đại sứ quán Ecuador những rắc rối khiến ông ngày càng giống một “cục nợ”. Khi đến xin tị nạn, Assange cam kết ngừng mọi hoạt động với WikiLeaks, nhưng vẫn tiếp tục ngang nhiên công bố những tài liệu mật. Không ít lần Ecuador phải lên tiếng thanh minh hành động của Assange hoàn toàn không liên quan gì đến quan điểm đối ngoại của quốc gia này.

Để tránh chuốc phải những rắc rối do Assange gây ra, Đại sứ quán Ecuador từng phải ngắt kết nối internet của ông. Nhưng sự nhẫn nại Ecuador dành cho Assange cuối cùng cũng đi đến giới hạn, sau khi Assange liên tục lấy trộm thông tin tiêu cực về Chính phủ Ecuador và công khai đăng tải. Ngay cả Tổng thống Moreno cũng bị Assange đột nhập vào điện thoại cá nhân và phát tán những tấm ảnh riêng tư.

Ngày 11-4-2019, Đại sứ quán Ecuador chính thức mở cửa dẫn cảnh sát Anh vào bắt giữ Assange. Nhà sáng lập WikiLeaks vẫn mạnh miệng kháng cự, nhưng ông yếu ớt đến mức đứng cũng run rẩy. Hai viên cảnh sát áp giải Assange trên thực tế gần như phải dìu ông đi. Đối với Assange, việc bị bắt giữ có thể là điều tốt, bởi ông sẽ được chăm sóc sức khỏe chu đáo.

Tuy nhiên, vụ bắt giữ ấy sẽ chỉ là thời điểm mở đầu cho một loạt các cáo buộc khiến ông sẽ phải liên tục hầu tòa trong thời gian tới. Hơn 10 triệu tài liệu mật đã bị Assange đột nhập, đánh cắp và công bố trong thời gian điều hành WikiLeaks. Giữa bối cảnh tội phạm công nghệ cao liên tục đe dọa an ninh mạng, chính phủ các quốc gia bị Assange xâm phạm đều có lý do để xử lý ông thật khắc nghiệt. Họ không muốn sẽ có một Assange, hay một WikiLeaks thứ hai.

Tuy nhiên, không vì thế mà những người ủng hộ Assange ngừng đấu tranh. Trong mắt họ, Assange vẫn là một người hùng, vì đã bóc trần những bí mật đen tối tưởng chừng sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Assange, hay Edward Snowden (cựu nhân viên CIA cũng hành động tương tự), ở một khía cạnh nào đó, có thể được xem là những người đấu tranh quên mình cho sự thật.

Người hùng - tội phạm, một lằn ranh thật mong manh…