Bắt đầu từ món dưa góp, nồi bánh chưng…

Phạm Thị Lan Anh - giáo viên Trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Ba Lan) kể, học sinh rất thích vẽ cô và nắn nót viết “Con yêu cô lầm”. Tôi đùa “Từ nay ai hát yêu lầm tức là yêu lắm đấy”. và chợt thầm mong giá được chuyển nhà sang Ba Lan. Môi trường học tiếng mẹ đẻ ở đây sao đông vui, ý nghĩa đến thế.

Ở Bỉ, tôi và mấy người bạn “âm mưu” gom mãi không nổi một lớp để thuê người dạy tiếng Việt cho con. Cứ coi tiếng Việt là ngoại ngữ đi, học có trường có lớp vẫn hơn chứ. Ở Brúc-xen mở lớp thường xuyên đấy, nhưng đi lại quá xa xôi. Tôi có cô bạn tên Xuyên - từng là giáo viên tiếng Anh ở TP Hồ Chí Minh, cũng lấy chồng Bỉ. Con gái 7 tuổi của cô nói tiếng Việt giỏi nhất hội. Một ngày đẹp trời cô đem giấy bút ra dạy con viết tiếng Việt. Cô nhớ lại: “Bắt đầu viết chữ ở trường rồi nên mẹ cháu phải dạy đọc tiếng Việt nữa. Như vậy mới lâu bền được. Ai dè học có 15 phút thôi mà ngáp 15 cái”.

Học phải vui trước đã

Cho nên khi nghe Lan Anh kể trường Lạc Long Quân do người Việt thành lập đã 17 năm nay, mở cửa thứ bảy hằng tuần, đón từ 170 đến 200 học sinh, tôi phục lăn. Còn ngạc nhiên hơn khi bạn kể được tham dự các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao Việt Nam) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Bên cạnh chuyên môn về phương pháp dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, Lan Anh còn gặp gỡ nhiều đồng nghiệp ở Hung-ga-ri, Pháp, Ca-na-đa, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia... Cô hồi tưởng: “Nghe kinh nghiệm của họ, áp dụng được rất nhiều cho lớp học. Qua các lớp tập huấn như thế, mình thấy phong trào học tiếng Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) và Ca-na-đa có thể gọi là mạnh nhất thế giới, vì còn được chính quyền sở tại ủng hộ. Tại Ba Lan có nhà trường và cộng đồng người Việt cùng hợp sức”.

Mỗi lần về thăm quê, tôi cũng nướng kha khá tiền vào đủ loại sách dạy tiếng Việt. Từng thực hành với chồng, con. Không ăn thua. Cần có kinh nghiệm của chính người ở nước ngoài để đưa thực hành vào giáo án, giáo trình. Lan Anh cũng nhận ra: “Nếu theo giáo trình của sách tiếng Việt viết chung cho các trình độ, sau một năm các con chỉ học được một nửa số vần trong đó. Còn theo phương pháp mới, thời gian học vần nhanh hơn nhiều”.

Khi còn ở Việt Nam, Lan Anh từng thi vào ngành Sư phạm. Sang Ba Lan cô lại học luật, chuyên ngành luật đất đai và nông nghiệp. Xác định trở thành giáo viên dạy tiếng Việt, Lan Anh dành nhiều thời gian đọc sách về các phương pháp giáo dục trẻ em, tâm lý trẻ em. Gần đây, Lan Anh đăng ký thêm khóa học online về Tâm lý giáo dục của Mỹ. Nhiều khi đứng lớp, thấy bọn trẻ con cứ líu lo, ngây ngô, nói sai cũng rất đáng yêu, cô cảm thấy đây chính là niềm vui lớn, là điều ý nghĩa mà mình làm được: “Lớp gần 20 học sinh, mỗi đứa một trình độ và một kiểu học. Có đứa học siêu nhanh, có đứa nói mãi không tròn một câu. Nhưng mình yêu các con. Cứ bình tĩnh. Rồi chính đứa mãi không đọc được một câu ấy, đúng ngày 20-11 lại thủ thỉ Con hát tặng cô một bài nhé. Rồi hát một mạch, rõ ràng, chuẩn giai điệu Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi... Cô giáo suýt ngất vì xúc động”.

Và cũng từ việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài, thỉnh thoảng Lan Anh lại gặp được những con người rất thú vị. Mới đây cô giáo Lan Anh có thêm học sinh người Ba Lan, 26 tuổi, muốn học tiếng Việt vì lý do... sắp cưới. Cô gái lai này mời bà nội sang dự đám cưới. Bà nội người phố cổ Hà Nội, yêu cầu “cháu không nói tiếng Việt bà sẽ không sang Ba Lan”. Vậy là sáu tháng trước hôn lễ, tuần nào cô gái này cũng đến nhà Lan Anh học cấp tốc. Lan Anh khéo léo lồng ghép các bài học là món ăn, điểm du lịch, lễ hội, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. “Nhiệm vụ” trước đám cưới đã hoàn thành. Cô gái vẫn tiếp tục học để chuẩn bị cho tuần trăng mật ở Việt Nam.

Những trải nghiệm khó quên

Tôi quen Lan Anh trong đợt sang Ba Lan dự hội ngộ đồng niên cấp ba khóa 1991 - 1994 toàn Hà Nội. Ở cuộc gặp của gần 200 người bạn đến từ khắp thế giới ấy, cũng chỉ trực tiếp chuyện trò, chú ý được vài chục người. Riêng Lan Anh, tôi đến tận nhà chơi. Lần đầu gặp đã cảm nhận và thật sự ấn tượng ở cô sự trong vắt từ tính cách đến môi trường sống: mùa thu vườn nhà ngào ngạt hoa bưởi, bầu bí bò tràn giàn và cô cũng tự làm xà-phòng để giặt.

Lan Anh bảo, điều quan trọng nhất là cô thích mọi thứ đến từ tự nhiên. Dạy học cũng thế. Theo cách tự nhiên vui vẻ nhất mới tiếp thu nhanh được. Các phóng viên của VTV1, VTV4 mỗi lần đến trường quay phim, làm phóng sự, hay chọn lớp học của cô Lan Anh, “Có lẽ vì cách mình dạy chẳng áp lực thành tích gì. Cứ để tự nhiên ríu rít líu lo như chim, nên họ thích chăng. Bọn trẻ thỉnh thoảng lại mang quà, tranh vẽ đến tặng cô. Trong sáng lắm”.

Trải nghiệm sâu sắc nhất của Lan Anh từ khi gắn bó với nghề dạy tiếng Việt ở nước ngoài chính là tiềm năng tự ẩn mà cũng tự lộ. Người làm thầy nên thấy học trò chịu đến lớp học đã là niềm vui, là thành công rồi. Không nên hối thúc phải có ngay kết quả. Một lớp học ngoại ngữ có từ 6 đến 10 học sinh là lý tưởng. Lớp của Lan Anh gần 20 học sinh. Việc đưa ra các hoạt động trong vòng 45 phút để các con vừa học, vừa chơi, vừa thấy thích là rất quan trọng. “Một hôm học bài ghép vần A và C, có từ gác chân. Tớ hỏi thế nào là gác chân. Cả lớp sung sướng vì được cô cho phép biểu diễn. Cứ thế, học rất vào. Nghĩ ra các trò chơi để trẻ phải động não, hợp tác và tham gia hết mình rất hữu ích trong quá trình học ngoại ngữ. Hôm nào thấy con ra về mà mặt đỏ bừng, cười tươi, líu lo nói chuyện là thành công”, cô kể.

Chia sẻ nỗi khó “học 15 phút mà ngáp 15 cái” nói chung của cha mẹ dạy con tiếng Việt ở nước ngoài, Lan Anh tâm niệm: “Luôn cần sự kết hợp giữa bố mẹ và nhà trường. Giáo viên giúp các con phương pháp học, bố mẹ nhắc nhở con ôn bài, thực hành và tạo môi trường để con vận dụng bài học vào cuộc sống. Học tiếng Việt là con đường dài. Muốn con nói tốt tiếng Việt, bố mẹ cũng phải chuẩn bị tinh thần tốt. Phương pháp đọc, viết có thể dạy trong vài buổi. Nhưng để tạo ra một con người Việt, một tâm hồn biết cảm nhận và giữ gìn giá trị Việt, chúng ta cần nhiều thời gian, công sức hơn nữa và hơn hết, cần tình yêu văn hóa Việt của bố mẹ”.

Bắt đầu từ món dưa góp, nồi bánh chưng… ảnh 1

Ngôn ngữ chính là một phần quan trọng của văn hóa. Các bậc cha mẹ Việt ở nước ngoài hy vọng con nói được tiếng Việt để giữ gìn văn hóa Việt. Đó là đầu ra. Vậy hãy cung cấp cho các con đầu vào chuẩn. Tức là cho con môi trường và sự trải nghiệm văn hóa Việt. Đây chính là món dưa góp, món thịt kho hằng ngày. Đây cũng chính là nồi bánh chưng ngày Tết, là không khí tưng bừng náo nhiệt khi chờ đón lời chúc Tết của ông bà... Các con sẽ lớn lên trong sự chăm sóc và dần trưởng thành bởi sự dìu dắt đó.