Bài học về tình yêu cuộc sống

Được tạo hóa ban cho trí thông minh kiệt xuất, những tưởng cuộc đời của Kim Ung-yong sẽ chỉ toàn mầu hồng. Ngờ đâu, đó chỉ là khởi đầu của một chuỗi bi kịch thời thơ ấu, trước khi cuộc đời rẽ ngang vì một khao khát rất con người.

Bài học về tình yêu cuộc sống

Thiên tài trăm năm có một

Năm 1966, các nhà khoa học chấn động trước thông tin một cậu bé bốn tuổi người Hàn Quốc đạt chỉ số thông minh (IQ) cao nhất hành tinh. Kim Ung-yong, tên cậu bé, vượt qua bài kiểm tra gắt gao suốt bốn giờ đồng hồ để đi vào lịch sử với mức IQ 210, trong khi những nhà khoa học lỗi lạc như Albert Einstein hay Stephen Hawking “chỉ” dao động quanh mức 160.

Chưa đầy một tuổi, Kim Ung-yong đã học thuộc làu cả nghìn chữ Hán nhờ bài thơ Thiên tự văn, trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ. Năm ba tuổi, cậu bắt đầu nói thông thạo bốn thứ tiếng, giải thuần thục các phương trình toán phức tạp và được Trường đại học Hanyang (Hàn Quốc) mời đến nghe giảng. Cậu thậm chí còn viết sách và làm thơ ở độ tuổi mà những đứa trẻ chỉ mới bập bẹ đôi câu chữ.

Tài năng của Kim được rất nhiều chương trình kiểm tra chứng thực, thậm chí còn phá kỷ lục người xem của một đài truyền hình Nhật Bản, khi lần đầu giải toán trước hàng trăm người. Kim Ung-yong được ca tụng là “thần đồng của các thần đồng”.

“Thiên tài trăm năm có một” này nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Kim Ung-yong, khi đó tám tuổi, lên đường sang Mỹ theo học ngành Vật lý và tham gia nghiên cứu khoa học ở NASA. Cậu sớm lấy bằng Tiến sĩ trước năm 15 tuổi. Với chỉ số thông minh cao ngất cùng con đường học hành bài bản, nhiều người tin rằng thế giới sắp chào đón thêm một nhà khoa học vĩ đại. Người dân Hàn Quốc thì xem Kim Ung-yong như bảo vật quốc gia.

Thiên đường hay tù ngục?

Trong hàng nghìn bài phỏng vấn thần đồng Kim Ung-yong, chẳng có câu hỏi nào dạng như “Mong muốn của em là gì?” hay “Em muốn trở thành người thế nào?” được đặt ra. Có lẽ dư luận bấy giờ tin rằng một cậu bé thông minh nhất thế giới thì muốn trở thành ai hoặc muốn làm gì cũng được. Hoặc đúng hơn, chỉ có một lựa chọn duy nhất. “Thời điểm đó, tôi giống như một cái máy vậy. Sáng thức dậy là làm toán, giải các phương trình phức tạp. Ăn rồi lại ngủ. Tôi hoàn toàn không biết mình đang làm cái gì nữa, những năm tháng đó thật sự rất cô đơn” - Kim Ung-yong hồi tưởng khoảng thời gian gần 10 năm ở Mỹ.

Với NASA, Kim giống như công cụ, một siêu-máy-tính-con-người để giúp cơ quan này thực hiện những nghiên cứu về vũ trụ. “Sứ mệnh của Kim Ung-yong” chẳng khác nào là ngục tù mà những người lớn giam cầm anh trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Không bạn bè, không gia đình, không tuổi thơ.

Sức mạnh của tình yêu

Nhưng, ẩn sâu trong “cỗ máy” Kim Ung-yong ấy vẫn là một tâm hồn non nớt đúng tuổi. Để rồi, bỗng một ngày, trỗi lên trong tâm trí kiệt xuất ấy nỗi khát khao rất đỗi đời thường: Nhớ hơi ấm của mẹ. Bởi lẽ, một “thiên tài” lại càng dễ nhận ra mình đang sống một cuộc đời bất hạnh đến thế nào.

Năm đó, chàng thiếu niên 16 tuổi Kim Ung-yong làm rung chuyển báo giới Hàn Quốc với quyết định rời NASA để trở về quê nhà. Truyền thông liên tiếp đặt câu hỏi về sự kiện bất thường này, “mổ xẻ” xem phải chăng tài năng của anh bị thổi phồng đến nỗi bị NASA “trả về nơi sản xuất”. “Báu vật quốc gia” Kim Ung-yong nhanh chóng làm quen với biệt danh mới: “thiên tài thất bại”.

Thách thức mới lại xuất hiện trên con đường “tái hòa nhập” xã hội của Kim Ung-yong: Anh chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của Hàn Quốc. Và thế là trong vòng hai năm sau đó, Kim Ung-yong phải trải qua lần lượt các kỳ thi theo từng cấp học trước khi đủ điều kiện tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng, đó lại là cơ hội để anh “quay ngược thời gian” trải nghiệm những điều đã mất.

Ngày Kim Ung-yong đến đăng ký thi, hàng loạt tờ báo lớn cho chạy những dòng tít đầy mỉa mai, rằng thần đồng lẫy lừng một thời giờ phải cạnh tranh với những thí sinh bình thường. Đó là “giọt nước tràn ly” khiến anh quyết định chọn theo học tại một trường ở ngoại ô Seoul, để né tránh những ảo vọng phù hoa đã giam hãm anh suốt quãng đời thơ ấu.

Bước chân vào giảng đường đại học ở quê nhà, Kim Ung-yong như được tái sinh. Lần đầu trong cuộc đời, anh được ra ngoài rong chơi với bạn bè, được học những điều thú vị về cuộc sống. Và hơn hết, được tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Phẩm chất thiên tài vẫn còn nguyên vẹn bên trong Kim Ung-yong. Tính đến năm 2004, anh đã có hàng trăm bài báo nghiên cứu quốc tế và giảng dạy ở 11 trường đại học danh tiếng, góp phần nâng đỡ nhiều tài năng khoa học.

Trong bức thư gửi con gái, nhà bác học vĩ đại nhất thế kỷ 20 Albert Enstein đã nhắc nhở nhân loại về thứ năng lượng kỳ diệu của vũ trụ mang tên Tình yêu.

Enstein viết: “Tình yêu là ánh sáng tâm hồn của người biết trao và nhận nó. Tình yêu cũng là lực hấp dẫn, vì nó khiến người với người gần nhau hơn. Tình yêu mang sức mạnh, vì nó khơi gợi những bản tính tốt đẹp trong mỗi chúng ta, che mờ đi sự ích kỷ và mù quáng”.

Chính tình yêu cuộc sống, yêu con người là động lực để loài người cải tạo thế giới, cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho xã hội. Hãy thử tưởng tượng: Một thiên tài sinh ra chỉ biết phục tùng, không có cảm xúc, không có lòng trắc ẩn, thì hậu quả để lại sẽ khủng khiếp đến nhường nào?

Câu chuyện của Kim Ung-yong thật sự là bài học với nhiều bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục. Chúng ta phải chăng đã quá chú tâm vào việc đào tạo những học sinh kiệt xuất, mà quên mất rằng tâm hồn các em đang cằn cỗi dần theo từng chồng sách vở sau lưng?

Ở tuổi 57, Kim Ung-yong chưa từng một lần hối hận về quyết định của mình. “Họ cứ bảo tôi thất bại, thật buồn cười! Tôi được tự do làm điều tôi mong muốn, có tự do là có hạnh phúc. Đến giờ phút này, tôi tin rằng mình đã sống một cuộc đời chẳng chút phí hoài!”…

Bài học về tình yêu cuộc sống ảnh 1