Tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Hữu Lệ và khát khao phát triển ngành CNTT - công nghệ cao tại miền trung

NDO -

Ngày 26-9-2020, tại thung lũng Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sẽ khánh thành Công viên Sáng tạo TMA là trung tâm phần mềm đầu tiên được xây dựng tại Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn (Quy Nhon Innovation ParkValley). Nhân dịp này Tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Hữu Lệ, chủ dự án trên đã có cuộc trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.

Phóng viên: Có một sự nghiệp thăng tiến tại nước ngoài, lý do nào khiến ông tha thiết trở về quê hương, xây dựng, phát triển TMA và đẩy mạnh ngành CNTT - công nghệ cao trong nước?

TS Nguyễn Hữu Lệ: Sinh ra trong một gia đình nghèo và lớn lên tại làng quê (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nhiều cơ cực, tuổi thơ gian khó đã nung nấu trong tôi quyết tâm và nỗ lực học tập để giành lấy những kết quả tốt nhất. Xuất sắc đạt loại ưu trong cả hai cuộc thi tú tài 1 và tú tài 2, tôi nhận được ba học bổng đi Mỹ, Australia và Nhật Bản. Lúc đó, tôi đã chọn Australia để du học và đến năm 1977 tôi nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành viễn thông tại trường Đại học Adelaide (Australia).

Sau 10 năm học tập tại Australia, tôi sang Canada để làm việc cho Nortel - tập đoàn viễn thông lớn và nổi tiếng tại Bắc Mỹ thời bấy giờ. Suốt những năm tháng làm việc tại đây, tôi luôn mang trong lòng ước muốn trở về Việt Nam. Cơ duyên đến khi đang làm giám đốc cho trung tâm R&D ở Nhật Bản, tôi được mời tham gia một phái đoàn thương mại về Việt Nam vào năm 1992. Chuyến đi này giúp tôi nhận ra rằng, nguồn tài nguyên chất xám của con người Việt Nam là rất lớn nhưng chưa được khai thác và phát huy đúng mức, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và phần mềm. Sau nhiệm kỳ ở Nhật, tôi tình nguyện làm giám đốc tiếp thị cho Nortel để mở rộng thị trường Việt Nam. Lý do lớn nhất để tôi quyết định trở về Việt Nam là muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để phát huy năng lực của thế hệ trẻ và góp phần phát triển ngành công nghệ cao Việt Nam.

Theo đó, Công ty TMA được thành lập năm 1997 với sứ mệnh đưa tên tuổi Việt Nam lên trên bản đồ gia công phần mềm thế giới, sau hơn 22 năm phát triển vững mạnh, tôi tự tin cho rằng TMA đã đạt được mục tiêu, sứ mệnh đó với việc nhận được sự tin tưởng của hàng trăm khách hàng là các tập đoàn lớn đến từ 27 quốc gia và bốn châu lục trên thế giới. Tôi cũng rất tự hào khi TMA hiện đang là công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam với nhiều năm liền đạt huy chương vàng xuất khẩu phần mềm và đội ngũ nhân sự lên đến hơn 2.500 kỹ sư chất lượng, giàu kinh nghiệm, có trình độ quốc tế.

TMA đã phát triển các sản phẩm về viễn thông, 4G, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, thương mại điện tử, xe hơi cho các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như Nokia Networks, Avaya, Alcatel-Lucent, Toshiba, Hitachi.

Phóng viên: TMA đang triển khai dự án lớn Công viên Sáng tạo TMA tại thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn, Bình Định, nguyên nhân nào khiến ông lựa chọn nơi đây để đầu tư? Định hướng phát triển của dự án này trong thời gian tới? 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ: Là những người con của mảnh đất miền trung, tôi và vợ (là người thành lập và cũng là Giám đốc Công ty TMA)  luôn có tình cảm, niềm tin vào những con người miền trung thông minh, chịu khó. Từ lâu chúng tôi đã có mong muốn đóng góp cho sự phát triển của quê hương Bình Định nói riêng và miền trung nói chung. Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành và các trường đại học trong khu vực, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư dự án với quy mô lớn này tại Bình Định. 

Công viên Sáng tạo TMA (TIP - TMA Innovation Park) hay gọi tắt là TIP là dự án lớn nằm trong tầm nhìn mới và sứ mệnh mới của TMA, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng với mục tiêu phát triển công nghệ cao tại miền trung và đưa các công nghệ mới nhất áp dụng tại các địa phương. Chúng tôi muốn vươn cao, vươn xa hơn, không chỉ tập trung vào việc thực hiện các dự án phần mềm mà còn phát triển công nghệ, mở rộng dịch vụ của mình; đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiến thức về các công nghệ mới như là các công nghệ 4.0 đến với các cơ quan, doanh nghiệp, các trường đại học… 

Công viên Sáng tạo TMA là trung tâm phần mềm đầu tiên được xây dựng tại Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn (Quy Nhon Innovation ParkValley) có tổng diện tích sử dụng hơn 15.000 m2, bao gồm Trung tâm Phát triển phần mềm, Xưởng phần mềm, Trung tâm R&D, Trung tâm Khoa học dữ liệu, Học viện Đào tạo công nghệ 4.0… Với môi trường làm việc hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế cùng nhu cầu đào tạo và tuyển dụng hơn 3.000 kỹ sư, Công viên Sáng tạo TMA sẽ không chỉ là nơi dành cho sinh viên các tỉnh miền trung - Tây Nguyên đến lập nghiệp mà còn là nơi nhân tài miền trung ở cả trong và ngoài nước hội tụ và phát huy, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nơi đây.  

Với diện tích sử dụng 15.000 m2 với các trung tâm phần mềm, trung tâm đào tạo, trung tâm R&D, trung tâm khoa học dữ liệu, TMA dự kiến thu hút 3.000 lao động trình độ cao. Họ là các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ làm việc tại công viên để trở thành trung tâm công nghệ cao hàng đầu tại miền trung.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực, từ nhiều năm qua, TMA đã hợp tác chặt chẽ với Trường đại học Quy Nhơn và các đại học khác tại các tỉnh lân cận về đào tạo, thực tập, ngày hội công nghệ… sau khi hoàn thành Công viên Sáng tạo, TMA có thể tiếp nhận hàng trăm sinh viên CNTT, toán, điện tử, viễn thông đến thực tập - nghiên cứu mỗi năm.

Trung tâm R&D và trung tâm khoa học dữ liệu sẽ phát huy các công nghệ TMA đã có, hợp tác với các trường đại học tại miền trung và thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước với mục tiêu ứng dụng công nghệ 4.0 để giải quyết các bài toán tại địa phương.

Trung tâm phần mềm TMA tại Bình Định đã đi vào hoạt động từ tháng 6-2018 với gần 100 kỹ sư đang thực hiện các dự án công nghệ cao cho khách hàng nhiều nước và phát triển các sản phẩm - giải pháp công nghệ 4.0 cho thị trường trong và ngoài nước.

Phóng viên: Kiến nghị của ông đối với tỉnh Bình Định, các cơ quan ban ngành để phát triển nền CNTT và công nghệ cao trong thời gian tới?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ: Sau khi chúng tôi mở chi nhánh TMA Bình Định và khởi công xây dựng dự án Công viên Sáng tạo TMA vào năm 2018, thì đến nay, Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung đã và đang đón nhận được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển ngành CNTT và công nghệ cao từ các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đây là những tín hiệu rất đáng mừng và khẳng định thêm sự đúng đắn của TMA khi quyết định đầu tư vào Bình Định. 

Vấn đề lớn nhất hiện nay và trong thời gian tới của TMA cũng như các nhà đầu tư tại đây sẽ là việc thiếu hụt nguồn nhân lực có thể sẵn sàng cho các dự án lớn về công nghệ cao tại miền trung cũng như cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Vì vậy, tôi có một số đề xuất liên quan đến vấn đề này:

Một là, tăng chỉ tiêu số lượng tuyển sinh các ngành: Toán, CNTT, Kỹ thuật công nghệ, điện tử viễn thông… không chỉ riêng của Trường đại học Quy Nhơn mà còn các trường trong khu vực miền trung - Tây Nguyên như ĐH Phú Yên, ĐH Tây Nguyên, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Đà Lạt…

Hai là, có cơ chế hoặc chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với sinh viên theo học tại các trường trong khu vực, cùng với đó là các chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc hợp lí cho lực lượng giảng viên để có thể thu hút được một đội ngũ giảng viên chất lượng, có kinh nghiệm và trình độ quốc tế ở các bộ môn chuyên ngành về CNTT và công nghệ cao.

Phóng viên: Như vậy, Công viên Sáng tạo TMA hứa hẹn là bước ngoặt cho ngành CNTT tỉnh Bình Định, là điểm đến lý tưởng cho các bạn sinh viên miền trung và cả nước sau khi ra trường. Ông có lời nhắn nhủ nào đến các bạn học sinh, sinh viên?

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ: Sự học là trọn đời, để có được thành công trong ngành CNTT và công nghệ cao, các bạn không bao giờ được ngừng học hỏi, phát triển bản thân. Bên cạnh các kỹ năng, kiến thức do nhà trường đào tạo, các bạn nên mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi thêm, chủ động tham gia các khóa đào tạo phù hợp để nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ… trang bị cho mình hành trang đầy đủ nhất khi ra trường.

Các bạn trẻ tại Bình Định cũng như miền trung - Tây Nguyên đang đứng trước cơ hội tuyệt vời khi nhu cầu việc làm trong ngành CNTT và công nghệ cao ngày càng tăng tại khu vực này. Cùng với đó, ĐH Quy Nhơn và các trường đại học trong khu vực miền trung - Tây Nguyên đã và đang xây dựng được những chương trình đào tạo có chất lượng ngày càng cao, cập nhật xu thế thời đại và có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra việc làm cho các em sau này… Tôi rất mong quý vị phụ huynh động viên con em mình chọn lựa việc học tập, xây dựng sự nghiệp ngay tại quê hương, không chỉ gần gũi gia đình, tiết kiệm chi phí so với việc đi học xa nhà mà sau khi ra trường còn có cơ hội đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển, đổi mới, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và công nghệ cao vào các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của quê hương mình.

Tôi tin tưởng dự án Công viên Sáng tạo TMA sắp đi vào hoạt động sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của ngành CNTT và công nghệ cao, góp phần quan trọng thu hút thêm nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đến đầu tư, đưa Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn trở thành điểm đến của công nghệ 4.0 tại Việt Nam và là hạt nhân thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và  kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định và khu vực miền trung - Tây Nguyên.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!