Nhà khoa học “ba trong một”

NDO -

NDĐT - Tôi có hứng thú đặc biệt khi được tiếp xúc với những trang hồi ký, tự truyện của các nhân vật tiêu biểu, có vị trí nhất định trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi ở đó, ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một cá nhân, mà qua đấy, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được sự phát triển, những bước thăng trầm của lĩnh vực mà mình quan tâm và rộng hơn là thấy được không khí của thời cuộc.

GS, TSKH, Trần Văn Nhung. (Ảnh: Nxbcand)
GS, TSKH, Trần Văn Nhung. (Ảnh: Nxbcand)

Một đời sống của những ngày tháng đã qua hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những ghi chép thành thật và sự rung cảm sâu sắc của người trong cuộc. “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời - Mỗi số phận chứa một phần lịch sử - Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ - Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?”. Những câu thơ này của nhà thơ Nga nổi tiếng E. Eptusencô đã khái quát khá trọn vẹn và đầy đủ ý tưởng đó.

Lâu nay tên tuổi của GS, TSKH, Trần Văn Nhung đã trở nên quen thuộc trong giới khoa học và giáo dục. Ông được biết đến với nhiều vai trò: nhà toán học, nhà giáo, nhà quản lý. Ở vị trí nào ông cũng có những đóng góp đáng ghi nhận.

Cuốn sách với tiêu đề độc đáo “Sộp thành nhà giáo” đã ghi lại những câu chuyện giầu ý nghĩa, những kỷ niệm thú vị và những sự việc đáng nhớ trong cuộc đời của nhà khoa học “ba trong một” Trần Văn Nhung. Những câu chuyện riêng tư, suy nghĩ cá nhân nhưng luôn gắn với những vấn đề quan trọng của giáo dục đào tạo - một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, do đó cuốn sách dễ tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Thật đúng vậy, qua hồi ký, ghi chép của một người, thế hệ sau có thể tìm thấy dấu tích của một thời. Và những người đồng thời có thể cùng suy ngẫm, trải nghiệm, rút ra bài học cho mình. “Sộp thành nhà giáo” của Trần Văn Nhung là một cuốn sách ôm chứa khá đầy đủ những phẩm chất đó.

Cuốn sách được chia thành ba phần: Phần 1: Những kỉ niệm cuộc đời; phần 2: Những suy ngẫm về giáo dục và phần 3: Những kỷ niệm về toán học. Như tên gọi của nó, mỗi phần viết tập trung vào một chủ đề riêng, gắn với cuộc đời và sự nghiệp của GS Trần Văn Nhung.

Những dòng hồi ức chân thật, thấm đẫm cảm xúc, gắn liền với tuổi thơ của một cậu bé nhà quê nghèo khó sớm thiếu vắng tình mẫu tử đã đưa người đọc ngược dòng thời gian, đến với vùng quê Ninh Bình - Nam Định. Con đường từ cậu học trò chân đất trường làng đến với lớp chuyên Toán A0 khóa I Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó trở thành sinh viên Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi bảo vệ luận án và được cấp bằng Tiến sĩ Khoa học Toán học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary của GS, TS, Trần Văn Nhung là một hành trình không ngừng học hỏi và phấn đấu.

Ở phần viết về tuổi thơ, gia đình, quê hương, GS Trần Văn Nhung đã cho người đọc thấy được truyền thống cần cù, siêng năng học tập, sự phấn đấu không ngừng của con cháu dòng họ Trần Viết ở thôn Lạc Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Dòng họ đáng kính này đã cung cấp cho quê hương, đất nước nhiều kĩ sư, bác sĩ, tướng tá, nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa- nghệ thuật… tài năng. Trong đó có thể nói người con thành đạt nhất, đáng tự hào nhất của dòng họ và quê hương là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Phần Những suy ngẫm về giáo dục của GS, TS, Trần Văn Nhung bao gồm khoảng 40 bài viết xoay quanh các vấn đề giáo dục của đất nước. Trong đó nổi bật một số vấn đề về hội nhập quốc tế và vai trò của tiếng Anh trong nền giáo dục Việt Nam; vai trò của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước qua các thời kỳ. Đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa là những suy nghĩ và bài học kinh nghiệm sâu sắc về những đóng góp quan trọng cho giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết Hồ Chí Minh - nhà giáo dục đi trước thời đại, GS, TS, Trần Văn Nhung đã đặt vấn đề và phân tích rất kỹ lưỡng, thấu đáo, triết lí giáo dục mang tầm nhân loại của Hồ Chí Minh.

Tác giả cho biết: Năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, UNESCO đã khuyến nghị giáo dục toàn thế giới trong thế kỷ 21 được xây trên bốn trụ cột, đó là: “học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người” (Learning to know, Learning to work, Learning to live together and Learning to be). Cả nhân loại đều thừa nhận chân lý và triết lý giáo dục này. Tuy nhiên, có thể thấy về cơ bản tư tưởng, chân lý và triết lý giáo dục này đã được Bác Hồ viết ra ngay từ tháng 9-1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Khi tìm hiểu những đánh giá và ghi nhận của UNESCO đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS, TS, Trần Văn Nhung chưa thấy UNESCO ghi nhận đóng góp rất cơ bản của Người cho bốn trụ cột giáo dục của thế giới trong thế kỉ 21. Do đó, GS đã tự viết thư gửi Tổng Giám đốc UNESCO về việc này và đã nhận được sự trả lời rất thiện chí. Việc làm này đã được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh. Vai trò nhà giáo dục của Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua những lời căn dặn dành cho thanh niên, sinh viên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”. Vấn đề gửi sinh viên đi du học cũng đã được Người đề ra từ rất sớm, ngay từ ngày 1-11-1945, chỉ hai tháng sau khi giành được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ thông qua ngoại trưởng James F. Byrnes, bày tỏ nguyện vọng gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Và một điều quan trọng nữa là tác giả đã đề cao tấm gương tự học, học suốt đời của chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những dẫn chứng cụ thể và sinh động.

Vốn là một nhà toán học nên những kỉ niệm về toán học của GS, TS, Trần Văn Nhung cũng khá sâu đậm. GS đã dành cho lĩnh vực khoa học này biết bao điều tâm huyết và những bài học kinh nghiệm thực tế, bổ ích. Từ chân dung chín GS Toán học đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đến những người thầy đã trực tiếp giảng dạy tác giả tại Khoa Toán - Cơ - Tin, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, từ GS Ngô Bảo Châu đến “Mozart Toán học” Terence Tao; từ Chương trình Trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 đến chặng đường 40 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế… Những mảnh ghép đó đã làm nên bức tranh toán học Việt Nam với những thành tích và niềm tự hào đáng trân trọng.

Tập bút ký và tự truyện “Sộp thành nhà giáo” in đậm dấu ấn riêng trong cuộc đời và sự nghiệp khoa học, giáo dục của GS, TS, Trần Văn Nhung. Ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng như riêng tư của một cá nhân đơn lẻ là những suy tư, trải nghiệm sâu sắc, những bài học về giáo dục, đào tạo và sâu rộng hơn là những triết lý về lẽ đời rộng lớn. Cảm xúc chân thành, tâm huyết cùng với sự trải nghiệm và tầm nhìn khoa học nhạy bén đã làm nên giá trị và sức cuốn hút cho những trang viết của GS, TSKH Trần Văn Nhung.