“Kỹ sư chân đất” ở Ninh Thuận

NDO -

NDĐT - Sau sáu lần chế tác thất bại, giờ đây nông dân Thái Văn Âu, sinh năm 1958, ở thôn Ú, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã chế tạo thành công chiếc máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô”, giúp đồng bào dân tộc Ra Glai nơi đây “thoát” cảnh mỗi ngày phải vất vả giã ngô bằng cối chày tay trong nhiều giờ để có lương thực nấu ăn.

Ông Thái Văn Âu.
Ông Thái Văn Âu.

Ngày 25-9, chúng tôi tìm đến cơ ngơi của ông Thái Văn Âu, ở thôn Ú, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ông Thái Văn Âu có dáng vóc, cử chỉ của một nông dân “chân đất” chính hiệu, ông tâm sự: “Năm 1992, tôi đã chế tạo một chiếc máy dọn cỏ. Với chiếc máy có thiết kế bốn bánh xe để di chuyển rất tiện lợi với mọi địa hình sản xuất. Muốn dọn sạch cỏ trên 5 ha trồng cây bông vải, phải thuê từ 5-6 nhân công làm vài ngày, nhưng chỉ một mình tôi với chiếc máy, trong một ngày đã dọn sạch cỏ dại cho 5 ha trồng cây bông vải. Từ thành công bước đầu của chiếc máy dọn cỏ, tôi tiếp tục mày mò, sáng chế ra nhiều loại máy móc khác, trong đó có máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô” để phục vụ nhu cầu của bà con tại địa phương. Sản phẩm đã mang lại kết quả như mong muốn, được mọi người tán thưởng”.

Năm 2012, ông Thái Văn Âu có ý tưởng chế tạo chiếc “máy bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô”, nhưng qua hai năm nghiên cứu với sáu lần chế tạo thất bại, phải đem những cái máy đi bán phế liệu vì chưa bảo đảm kỹ thuật, bị hỏng hóc, vận hành không như mong muốn. Mãi cho đến năm 2015, chiếc máy thứ bảy mới được hoàn chỉnh và đưa vào chạy thử nghiệm tốt.

Bên chiếc máy đang vận hành, ông Âu bộc bạch: “Việc chế tạo máy không đơn giản như suy nghĩ, nhiều lần thất bại, vợ tôi nản lòng vì tốn khá nhiều chi phí trong khi phải nuôi bốn đứa con đi học. Nhưng, thấy tôi quá đam mê nên vợ “bấm bụng” chịu theo ý mình, thế là tôi tiếp tục mày mò, tham khảo kiến thức trong các sách kỹ thuật chế tạo, cuối cùng đã toại nguyện”.

“Kỹ sư chân đất” ở Ninh Thuận ảnh 1

Ông Thái Văn Âu vận hành máy bóc vỏ lụa và mầy ngô.

Cấu tạo của máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô” gồm tám bộ phận chính: Khung máy để giữ cho máy ổn định; Toa chứa hạt ngô để đưa hạt ngô vào buồng bóc vỏ; Thùng bóc vỏ có một dao bóc ngang, bốn dao đứng; Hộp truyền động với tỷ lệ 1/1; Quạt gió 4 cánh; Sàng 2 tấm gồm tấm phía trên là sàng lưới hạt ngô thành phẩm và được chứa bằng thau, chậu, phía dưới là khay hứng và truyền cám, cũng chứa bằng thau, chậu đặt phía dưới băng chuyền sàng lưới; Trục lắc sàng và đai truyền; hai puly trên hộp truyền chuyển động.

Về nguyên lý hoạt động là dùng dòng điện ba pha, mô-tơ điện 15 Hp có vòng quay 1400V/p. Khi mô-tơ hoạt động, trục quay kéo bộ phận dây đai đến trục truyền chuyển động làm xoay bộ bánh răng có hình nón xoay kéo trục đứng làm cho dao bóc vỏ lụa xoay theo, đồng thời trục hộp truyền chuyển độn kéo dây đai và kéo quạt gió cùng sàng lắc từ lúc đổ hạt ngô vào toa chứa hạt cho đến khi mở cửa để hạt ngô đã tách vỏ lụa được lùa vỏ xuống sàng tách cám. Khi ngô chảy qua sàng rơi xuống quạt gió, thì nhờ sức gió cánh quạt đẩy cám còn sót lại để lấy hạt ngô hoàn sạch trước lúc chảy xuống thau chứa ngô đặt phía dưới bằng truyền.

Ông Thái Văn Âu tâm sự: “Quê tôi ở Nghệ An. Lúc còn nhỏ, gia đình nghèo, nên tôi chỉ học đến lớp bảy thì nghỉ học. Sau đó đi nghĩa vụ quân sự và học nghề tại một đơn vị sửa chữa máy móc cơ khí quân dụng trong quân đội. Sau khi xuất ngủ, năm 1992 tôi tìm đến huyện Ninh Sơn lập nghiệp. Nhờ đúc kết những kinh nghiệm trong quá trình học nghề mà tôi nắm chắc phần nguyên lý cấu tạo, vận hành… để chế tạo các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Chiếc máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô” rất gọn nhẹ, cấu tạo đơn giản. Với công năng vượt trội, chỉ mất tám phút xay, sẽ cho ra thành phẩm 12 kg hạt ngô được bóc vỏ lụa sạch đẹp. Nếu giã thủ công như trước đây, bà con phải mất bốn giờ. Nếu chiếc máy làm việc tám giờ/ngày sẽ đạt năng suất gấp 30 lần của một ngày công lao động. Ban đầu, ông nhận xay ngô miễn phí, nhưng bà con ghi nhận nỗ lực cống hiến của ông với cộng đồng, đã tự nguyện trả thù lao cho ông là 1 nghìn đồng/kg, để hỗ trợ ông có khoản phí bù đắp lại tiền điện, hao mòn máy móc, đồng thời kích thích sự sáng tạo để ông tiếp tục chế tác nhiều loại máy móc khác có công năng tốt hơn, gắn liền với sản xuất, giúp bà con tiết kiệm công sức. Qua đó, mỗi ngày ông Âu thu 720 nghìn đồng, trừ các khoản chi phí, thu nhập 650 nghìn đồng/ngày.

Anh Ka-tơ Phinh cho biết: “Bà con hay trêu vui ông Âu bằng câu nói “Kỹ sư chế ra máy lười biếng” vì từ khi chiếc máy này ra đời, đồng bào Ra Glai tại thôn Ú không phải vất vả nhiều giờ để giã 12 kg ngô bằng cối và chày tay làm lương thực như xưa nữa”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiều Thành Dàng cho biết, ông Âu được xem là người làm đa nghề. Ông thành thạo các nghề thợ hồ, thợ tiện, thợ máy, thợ gỗ,…Năm 2009, ông tự vẽ thiết kế, xin giấy phép và tự mình xây dựng căn nhà ở của gia đình rất khang trang, lắp đặt nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Xe máy cày, máy bơm nước, xe gắn máy…. của gia đình hay bà con bị hư hỏng, ông đều sửa chữa giúp, nên bà con rất yêu mến. Còn nói về các “phát minh”, ông Âu đã chế tạo nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con rất hiệu quả.

Tại nhà, ông Thái Văn Âu giới thiệu cho chúng tôi xem chiếc máy đa năng vừa kéo, vừa cày, vừa xới đất được thao tác trên cùng một máy nổ chạy bằng xăng hoặc dầu diesel làm máy chính, trên thân khung máy gắn nhiều hệ thống chức năng khác nhau được điều khiển bằng một chiếc bu-lông làm khóa điều chỉnh tùy thuộc vào mục đích công việc và điều kiện địa hình canh tác, nông dân vừa kéo, cày, xới đất... mà không cần quay đầu chiếc xe trên đồng ruộng, ít mất thời gian, ít tốn nhiên liệu. Mặc dù không biển hiệu, không quảng cáo nhưng với tính năng ưu việt, hiệu quả của các loại máy trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trong vùng đã đến đặt hàng và ông đã bán bốn cái máy đánh vỏ ngô, vỏ các loại đậu đen, đậu xanh… loại nhỏ với giá 6 triệu đồng/chiếc, bà con đưa vào sử dụng rất hiệu quả.

Sáng chế máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô” của ông Thái Văn Âu đã đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV, năm 2016 - 2017 và giải khuyến khích Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2017.

Hiện tại, ông Âu đặt chiếc máy tại nhà để phục vụ bà con xã Mã Nới và một số thôn lân cận của xã khác. Tâm nguyện của ông Âu là mong muốn hồ sơ đăng ký bảo hộ bằng sáng chế và bản quyền sản phẩm đã gởi lên cấp tỉnh và T.Ư sớm được cấp giấy công nhận, để ông có đủ điều kiện làm giấy phép đăng ký thành lập cơ sở chế tạo máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô” tại xã Phước Chiến, huyện Bác Ái để cung ứng sản phẩm cho đồng bào vùng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ứng dụng vào sản xuất. Hoặc ông chuyển giao thông tin cho các đơn vị có thể sản xuất với số lượng lớn để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh, thành phố khác

Ông bộc bạch:“Một người bạn thân rất tâm đắc với sản phẩm của tôi đã ủng hộ bằng cách nhượng lại cho tôi miếng đất khoảng 400 m2 tại xã Phước Chiến với giá rẻ để tôi mở cơ sở chế tạo, nhưng đến nay vẫn chưa được UBND xã Phước Chiến cấp sổ đỏ, nên tôi đành dừng lại việc xây dựng cơ sở chế tác sản phẩm phục vụ bà con. Rất mong ước nguyện của mình sớm thành hiện thực để có điều kiện cống hiến, giúp đồng bào nghèo giảm vất vả với chuyện giã ngô bằng phương pháp truyền thống.

Từ sự thành công của máy “bóc vỏ lụa và mầy hạt ngô” cùng với việc ông đã tìm tòi, sáng tạo để cải tiến thành công nhiều loại máy móc, như: máy cày tay, máy bơm nước, hệ thống tưới tiết kiệm nước…. áp dụng phù hợp với địa hình vùng núi tại địa phương trong nhiều năm qua, ông Âu đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm liền được các cấp, các ngành khen thưởng với thành tích nông dân sáng tạo; gương vượt khó làm giàu.

Những sáng chế của ông Thái Văn Âu ra đời một cách tự phát, xuất phát từ tâm huyết sáng tạo, đam mê khoa học và nhất là tâm huyết luôn đồng hành với cuộc mưu sinh vất vả của người nông dân và đã mang lại hiệu quả thiết thực và hữu ích, thật đáng biểu dương.