Xuất khẩu gạo giảm cả về số lượng và giá trị

NDO -

NDĐT - Ngày 24-6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm 2019 và bàn giải pháp điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm nay.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoài thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu. Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ ba thị trường này đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Thái-lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Đối với Việt Nam, nếu 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo sang ba thị trường trên đạt 1,44 triệu tấn thì 5 tháng đầu năm nay chỉ được 239 nghìn tấn.

Số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4% so cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu gạo trung bình 5 tháng đầu năm nay khoảng 427,5 USD/tấn, giảm 76,8 USD/tấn so cùng kỳ năm 2018. Cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu gạo sang khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm, nhưng xuất khẩu gạo sang châu Âu, châu Mỹ và châu Phi tăng.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các đại biểu tại hội nghị cho rằng, trong tình hình mới, xuất khẩu gạo cần được tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao. Qua đó, góp phần xây dựng cơ sở cho công tác tổ chức sản xuất trong nước với cơ cấu, yêu cầu chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Đồng thời, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, tập trung xác định các thị trường mục tiêu, chủng loại mục tiêu và cách thức phối hợp, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.