Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành để phát triển bền vững vùng Tây Bắc

NDO -

NDĐT- Việc tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành vùng Tây Bắc sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành để phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Trước nhu cầu phát triển vùng Tây Bắc, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về khoa học và công nghệ phát triển vùng Tây Bắc. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội), để đưa ra các giải pháp, nhất là giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ cần hiểu “sâu” về vùng Tây Bắc. Để làm được điều đó, cần xây dựng các cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành trong các lĩnh vực: Điều kiện tự nhiên; Tài nguyên thiên nhiên; Đa dạng sinh học; Môi trường; Cơ sở hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội; Y tế - Giáo dục- Dân cư, dân tộc ...

Sau 2,5 năm nghiên cứu, triển khai, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu khá hoàn chỉnh, góp phần quan trọng, tạo cơ sở cho việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Các nhà khoa học đã tiến hành điều tra hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành tại UBND 14 tỉnh, 210 sở ngành của 14 tỉnh và hơn 700 phiếu điều tra đến cấp huyện thuộc địa bàn nghiên cứu để làm cơ sở thiết kế, xây dựng khung cấu trúc dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Dữ liệu của 14 lĩnh vực chính và ba lĩnh vực bổ sung được biên tập thành 1275 chuyên đề, sắp xếp thành 108 lớp dữ liệu bao gồm: dữ liệu bản đồ và các lớp dữ liệu phi không gian, kết nối với đối tượng thực thể hiển thị trên bản đồ của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành.

Dữ liệu của 14 lĩnh vực được xây dựng một cách tổng thể có hệ thống, có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, có tính liên ngành và được liên kết, tích hợp ngay ở mức dữ liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng thời tính chuyên sâu nhất định của từng lĩnh vực, đồng thời bảo đảm tính liên ngành và tính tích hợp của dữ liệu. Thông tin trong các trường dữ liệu được biên tập, chuẩn hóa theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của các bộ ngành và cơ quản quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, trên cơ sở xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, các nhà khoa học đã xây dựng được hệ thống cổng thông tin cho phép cập nhật và quản lý dữ liệu có tính liên ngành theo không gian, thời gian và các thuộc tính của đối tượng. Một số cơ sở dữ liệu đáng chú ý như dữ liệu về môi trường đất, gồm các trường dữ liệu về vị trí lấy mẫu, thời gian phân tích, các kết quả phân tích kim loại nặng, tính chất cơ lý của đất, các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm và loại nguy cơ ô nhiễm, kèm thông tin về mã đơn vị hành chính, mã trạm đo…; Lớp dữ liệu về kết quả quan trắc môi trường với vị trí các điểm quan trắc, thời gian quan trắc, kết quả quan trắc gồm các 32 chỉ tiêu về môi trường nước ngầm theo quy chuẩn hiện hành. Chuẩn hóa các lớp dữ liệu phân tầng độ cao và các yếu tố địa hình; Dữ liệu về nhân lực như số lượng, trình độ đội ngũ phân theo các tiêu chí khác nhau chia thành lớp công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã…; Dữ liệu về vị trí các điểm cơ sở giáo dục (tên cơ sở giáo dục do sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh cung cấp), tọa độ các cơ sở giáo dục…

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang Vũ Văn Vương cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, triển khai, các kết quả trích xuất từ các đề tài, dự án kịp thời góp ý cho tỉnh, mang lại hiệu quả, phù hợp mục tiêu, đáp ứng thực tiễn của tỉnh Hà Giang và góp phần giúp tỉnh thực hiện thành công giải pháp “Đột phá về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng của tỉnh.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành của 14 lĩnh vực đã hỗ trợ cho việc phân tích sâu về chỉ số phát triển bền vững, tạo nền tảng cho quản lý và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển trong tương lai của tỉnh. Ngoài ra, bộ cơ sở dữ liệu còn là cơ sở để hỗ trợ xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện các nghị quyết, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng triết lý phát triển cho tỉnh. Trên cơ sở phân tích cơ sở dữ liệu đã giúp cho các địa phương xác định, bổ sung các nội dung trọng tâm và khâu đột phá.

Có thể nói, kết quả nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu cho phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng bộ chỉ tiêu và các tiêu chí đánh giá mức độ phát triển và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời triển khai các công cụ giám sát sự phát triển và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của các tỉnh, các tiểu vùng và vùng Tây Bắc trong mối quan hệ với các vùng kinh tế. Tất cả nhằm đưa khoa học và công nghệ vào vùng Tây Bắc một cách thiết thực, là cơ sở để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong vùng, là cơ sở quan trọng để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa…