Xây dựng bộ tiêu chí kinh tế thị trường định hướng XHCN

NDO -

Sáng 11-8, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội phối hợp Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia “Xây dựng bộ khung tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam”, tổ chức hội thảo khoa học: “Phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: Thực trạng, đặc trưng và gợi ý các tiêu chí về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Xây dựng bộ tiêu chí kinh tế thị trường định hướng XHCN

Hơn 60 tham luận và các ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung phân tích, chỉ rõ những đặc trưng, thành công, hạn chế, triển vọng và đề xuất nhiều tiêu chí, giải pháp phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Trong thời kỳ đổi mới, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng được phát triển và ngày càng hoàn thiện. Đại hội IX của Đảng khẳng định đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

Đại hội X tiếp tục khẳng định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và chỉ ra những yếu tố bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường. Đại hội XI đã đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) quan điểm về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối.

Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng đã xác định đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam: “Là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh, các tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có thể bao gồm nhiều chỉ tiêu định tính hay định lượng, với các chỉ số, thước đo để đánh giá mức độ của những dấu hiệu, đặc trưng đó chia thành hai nhóm lớn là: Nhóm tiêu chí thể hiện những giá trị kinh tế thị trường phổ quát, hiện đại và hội nhập quốc tế; nhóm tiêu chí thể hiện những giá trị nhân văn, mang tính định hướng XHCN của nền KTTT của Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học đề nghị cần nghiên cứu sâu sắc nền kinh tế thị trường trên thế giới; tham khảo, tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với điều kiện Việt Nam về tiêu chí nền kinh tế thị trường của một số nước kinh tế phát triển và tổ chức quốc tế; đồng thời nhấn mạnh: Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam, những yếu tố đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và những yếu tố đặc trưng bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế không tách rời nhau mà lồng vào nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên kết cấu và cơ chế vận hành, động lực và cơ chế điều tiết của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; cơ chế huy động, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển và phân công bằng thành quả sự phát triển, bảo đảm cho sự phát triển bền vững...

Các quan điểm của Đảng về đặc trưng của nền kinh tế thị trường XHCN là cơ sở định hướng cho việc tham khảo, tiếp thu các kinh nghiệm trên thế giới và là cơ sở trực tiếp cho việc xác định các tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Tiêu chuẩn đánh giá tính khoa học của các tiêu chí là nền kinh tế thị trường theo các tiêu chí đó phải giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững theo hướng trở thành nước công nghiệp hiện đại, hội nhập thành công; đời sống vật chất, tinh thần, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được nâng lên; môi trường sinh thái được bảo vệ; thực hiện được mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cùng với yêu cầu về tính khoa học, việc xác định tiêu chí nền kinh tế thị trường định hướng XHCN còn đòi hỏi phải có tính thực tiễn cao; phải bám sát thực tiễn đất nước, phản ánh đúng tình hình đất nước.