Việt Nam hội nhập WTO - những thuận lợi, khó khăn và giải pháp

Sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) góp phần to lớn vào quá trình thiết lập một hệ thống mậu dịch thế giới cởi mở, tự do, bình đẳng và có hiệu quả hơn. WTO chiếm 98% tổng giá trị thương mại toàn cầu, giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong việc giải quyết các nguyên tắc, nội dung và các định chế chung trong thương mại quốc tế. Hiện tại đã có 148 nước thành viên và hơn 30 nước quan sát viên tham gia.

Việc xin gia nhập WTO là một giải pháp không thể thiếu để Việt Nam mở rộng thị trường ra bên ngoài và nâng cao vị thế trong quan hệ kinh tế quốc tế. Bởi lẽ, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới sẽ tạo ra cho nước ta có những ưu đãi của chế độ tối huệ quốc, tranh thủ sự ưu tiên giảm liên tục thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Theo đó, bảo đảm được lợi ích của mình nhờ các biện pháp giải quyết tranh chấp mậu dịch quốc tế, và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, chống kỳ thị...

Trong điều kiện ngày nay, khi hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu, hầu hết các quốc gia khẳng định rằng, việc gia nhập WTO sẽ có lợi hơn rất nhiều so với đứng ngoài cuộc. Bài học thực tiễn đặt ra cho ta thấy, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải chịu mức thuế quan khoảng từ 30% đến 40%, cao hơn nhiều so với mức thuế quan mà các thành viên WTO dành cho nhau, vì thế khả năng cạnh tranh và thâm nhập thị trường thế giới của hàng hóa nước ta bị giảm nhiều.

Tổ chức Thương mại thế giới là cơ chế ràng buộc cứng nhằm tiêu chuẩn hóa hợp tác trong lĩnh vực mậu dịch đa phương. WTO có vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ hàng rào, thúc đẩy tự do hóa mậu dịch toàn cầu mà không tổ chức nào có thể thay thế.

Là một trong 25 quốc gia, vùng lãnh thổ đang trong quá trình đàm phán xin gia nhập WTO, Việt Nam có những "lợi thế so sánh" rất cơ bản sau đây:

Một là,  về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Ðông Dương, gần trung tâm Ðông - Nam Á, cho nên trở thành một đầu mối giao thông quan trọng đi từ Ấn Ðộ Dương sang Thái Bình Dương và châu Úc - Ðại Dương; có vùng biển chủ quyền rộng lớn và giàu tiềm năng. Vị trí đó cho phép nước ta có thể dễ dàng phát triển các quan hệ kinh tế - thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ðặc biệt, Việt Nam lại nằm trong khu vực đang diễn ra các hoạt động kinh tế sôi động. Singapore, Hàn Quốc, Hồng Công, Ðài Loan đã trở thành "những con rồng" châu Á, Thái-lan và Malaysia cũng đang tiến trên con đường đó. Ðây là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong cả hiện tại và tương lai.

Hai là, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế lớn, nhưng chưa được khai thác, hoặc mới khai thác ở mức độ thấp. Ðó là nguồn lực bên trong để phát triển kinh tế, tạo điều kiện giao lưu, hội nhập với các nước bên ngoài.

Ba là, nước ta là một quốc gia đang phát triển, số dân hơn 80 triệu người, là một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn và hấp dẫn đối với khu vực, cũng như thế giới. Ðây là lợi thế rất cơ bản để có thể tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài nhằm phát triển nhanh chóng các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật hiện đại phù hợp yêu cầu và điều kiện hội nhập WTO.

Bốn là, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sản xuất được tăng cường hơn trước.  Sản xuất nông nghiệp đang chuyển nhanh từ thiếu hụt sang dư thừa không chỉ đối với lúa gạo, sản phẩm cây công nghiệp mà còn nhiều hàng hóa nông sản khác như rau, quả, mía đường... Hơn nữa, thị trường tiêu thụ đã bắt đầu thay đổi theo hướng vừa đa dạng hóa vừa đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao do mức thu nhập xã hội được cải thiện hơn, nhất là bộ phận dân cư đô thị.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn thách thức, có tác động không nhỏ đến tiến trình gia nhập WTO. Cụ thể là:

- Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, sự phát triển của nền kinh tế quốc dân còn chưa vững chắc. Tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp, tốc độ thu hút đầu tư mới của nước ngoài chậm lại hơn so với trước. Phương hướng và cơ cấu đầu tư chưa hợp lý và còn dàn trải, thất thoát nhiều.

- Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển còn chậm, ngành nghề và dịch vụ chưa thu hút được nhiều lao động. Năng suất lao động xã hội thấp, giá thành cao, công nghệ lạc hậu. Do đó, dễ dẫn đến tình trạng bị chèn ép, thậm chí bị phân biệt đối xử trong các hoạt động thương mại quốc tế.

- Chúng ta vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong đàm phán song phương và đa phương, cho nên có thể bị thiệt thòi về lợi ích khi tham gia hoạt động thương mại toàn cầu. Thực tế cho thấy, các quốc gia có nền kinh tế yếu, khi đàm phán gia nhập WTO đã gặp không ít khó khăn do một số nước phát triển đưa ra các yêu cầu cao hơn so với quy định hiện hành của WTO. Riêng Trung Quốc, một nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, cũng mất hơn 10 năm đàm phán với việc mở cửa thị trường, sửa đổi hầu như toàn bộ các chính sách về kinh tế...

Ðể chủ động tham gia hội nhập WTO một cách có hiệu quả nhất, tận dụng được lợi thế so sánh, vượt qua những thử thách khó khăn của nền kinh tế, theo chúng tôi cần tập trung giải quyết tốt các biện pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng vật chất - kỹ thuật, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy những ngành hàng có lợi thế trước mắt và lâu dài; tập trung đầu tư vào sản xuất hàng xuất khẩu vừa có chất lượng phù hợp yêu cầu của thị trường trong nước, vừa có khả năng thâm nhập thị trường quốc tế, chú ý thâm nhập các thị trường lớn, mặt khác, đi đôi với đẩy mạnh xuất khẩu, cần có biện pháp để cải tiến cơ cấu nhập khẩu phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế nhằm giảm dần tỷ lệ nhập siêu.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và lành mạnh hóa hệ thống tài chính - tiền tệ, thực hành tiết kiệm triệt để cả trong sản xuất và tiêu dùng; bảo đảm cho các ngân hàng thật sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh. Áp dụng các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát, bình ổn giá cả theo tinh thần đối mặt và làm quen với sự biến động giá cả trên thị trường thế giới, nhằm chủ động đối phó, hạn chế những tác động bất lợi cho nền kinh tế nước nhà.

Thứ tư, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống thể chế phù hợp luật lệ chung của WTO, tích cực chủ động tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân hiểu được các quy định của WTO và những cam kết đa phương, song phương. Chủ động đàm phán và đổi mới cơ chế chính sách, luật pháp phù hợp các cam kết quốc tế. Có sự chuẩn bị chu đáo cho nền kinh tế sẵn sàng đương đầu với các thể thức và sức ép mới của việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ do WTO đặt ra.

PHAN ÐỨC MẠNH