Vì sao giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao?

NDO -

NDĐT – Mặc dù thời gian qua Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm giá thịt lợn trên thị trường, thậm chí Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp để giảm giá thịt lợn, nhưng đến nay, giá lợn vẫn ở mức cao hơn 80.000 đồng/kg lợn hơi, người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt lợn giá đắt. Về vấn đề này, Bộ trưởng NN-PTNT, Nguyễn Xuân Cường, đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị trực tuyến ngày 7-4, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến ngày 7-4.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến ngày 7-4.

PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian qua với sự nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT đã rất quyết liệt trong việc giảm giá thịt lợn trên thị trường. Cụ thể, gần đây nhất, cuối tháng ba, Bộ đã tổ chức họp với các doanh nghiệp lớn để đưa giá thịt lợn từ hơn 80.000 đồng/kg lợn hơi về giá 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4. Mặc dù vậy, sau một tuần các doanh nghiệp thực hiện giảm giá theo đúng cam kết nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng thiệt hại mất 20% về số lượng, khối lượng thiệt hại mất 9,3 %. Đây là một thiệt hại rất lớn, không chỉ cho người chăn nuôi mà còn tác động vào giá cả thịt lợn trên thị trường trong một thời gian.

Về nguyên nhân, chúng ta cũng biết khi xảy ra dịch bệnh như vậy sẽ gây thiếu hụt nguồn cung. Đây là nguyên nhân quan trọng đầu tiên khiến giá thịt lợn trên thị trường tăng cao như hiện nay. Trước tình hình đó, Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó đặc biệt là Bộ NN-PTNT kết hợp cùng địa phương vừa qua đã tập trung giải quyết gốc rễ vấn đề đó là tăng cường tái đàn. Đến tháng 10 năm 2019, Bộ đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn. Chính vì thế, chúng ta đã thu được những kết quả rất khả quan. Đến hết quý I năm 2020 tổng đàn lợn chúng ta so với tháng 12 năm 2019 chúng ta đã tăng được 6,3 % về số đàn. Cụ thể, đến cuối tháng ba con số đầu lợn là 24 triệu con. Với đà này thì chúng tôi nhận định đến quý III và đầu quý IV, chúng ta sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó chúng ta sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.

Nguyên nhân thứ hai khiến cho giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua đó là chúng ta chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Bởi vì trước khi có dịch, mỗi quý chúng ta cần tới 910 nghìn tấn thịt cung cấp cho thị trường nhưng vừa qua chúng ta mới đạt 820 nghìn đến 830 nghìn tấn. Phải đến quý bốn chúng ta mới đạt được sản lượng đó. Ngoài ra, tái đàn sau dịch bệnh cũng phải bảo đảm các yếu tố an toàn sinh học cao hơn kéo theo giá thành sản xuất tăng lên cũng tác động lên giá thành của thịt lợn.

Mặt khác, cũng không thể không kể đến đó là để miếng thịt đến với tay người tiêu dùng thì còn phải qua rất nhiều khâu trung gian, chính vì thế đẩy giá thành thịt lợn đến tay người tiêu dùng khá xa so với giá lợn xuất chuồng. Thí dụ như vừa qua, 15 doanh nghiệp đồng hành cùng với Bộ, từ 1-4 đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi nhưng bản thân vì lượng lợn ở những doanh nghiệp chưa đủ dẫn đến chưa đủ sức chi phối thị trường. Thứ hai là còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Chính vì thế, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành giá xuống thấp như chúng ta mong muốn.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp cần thực hiện để giảm giá thịt lợn như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tới đây chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp. Trong đó, một giải pháp gốc rễ vấn đề là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với Hiệp hội chăn nuôi và bà con nông dân giữa các tỉnh để tăng đàn bảo đảm nhanh nhất nhưng phải an toàn.

Điểm thứ hai nữa là chúng ta phải phối hợp giữa các ngành, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, các địa phương để làm sao giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, đến khâu chế biến, đến tiêu dùng ngắn nhất thì chúng ta mới có giảm giá thịt lợn phù hợp với người nông dân.

Thứ ba, thời gian tới phải nhập khẩu thịt lợn. Vừa qua chúng ta đã nhập khẩu thịt lợn từ Nga, tới đây tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn trong chừng mực ngắn hạn nhất định còn thiếu để bảo đảm cho thị trường.

Thứ tư, chúng ta phải hướng dẫn tiêu dùng, lựa chọn rất nhiều sản phẩm như trứng, cá, người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, vừa là chúng ta không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.

Như vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân với giá phù hợp, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của người chăn nuôi đến người làm dịch vụ. Đây là những nhóm giải pháp cần triển khai đồng bộ, quyết liệt.

PV: Bộ trưởng có đánh giá gì về tốc độ tái đàn trong thời gian vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tốc độ tái đàn quý I đạt 6,3 % tổng thể chung, nhưng riêng khu vực 15 đơn vị sản xuất rất lớn của chúng ta thì tốc độ lên tới 17 %. Dự báo tới đây thì tốc độ tăng này sẽ rất nhanh. Bởi vì chúng ta giữ được đàn lợn giống gốc hiện nay là 109 nghìn con. Hiện tại, chúng ta vẫn còn tới xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái, đây là “cái máy” để sản xuất lợn giống. Bên cạnh đó, chúng ta đã có tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho hai nhóm đối tượng chăn nuôi đó là chăn nuôi lớn có một quy trình an toàn sinh học, chăn nuôi nhỏ chúng ta cũng rút ra được kinh nghiệm để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Đây là những tiền đề rất tốt, cộng với những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ… chúng ta tin tưởng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh như chúng tôi dự báo cuối quý III, đầu quý IV chúng ta có được số lượng lợn cao nhất bằng thời kỳ trước khi bị dịch.

PV: Bộ trưởng có khuyến cáo gì đối với các tỉnh trong việc tái đàn sau khi đã công bố hết dịch?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho đối tượng chăn nuôi nhưng đặc biệt chú ý là bà con nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực. Hiện, giá lợn giống cao, việc tiếp cận với chính sách tín dụng thế nào để tạo điều kiện, tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người sản xuất nhỏ. Còn đối tượng sản xuất lớn thì với giá bây giờ là tốt lắm rồi. Doanh nghiệp sản xuất thì không có gì phải quan tâm nhiều nhưng riêng với người nông dân rất cần quan tâm, bởi vốn trước kia bị thiệt hại, bây giờ muốn tái đàn rất khó, không có giống, không có vốn. Chính chỗ này cần phải tập trung mọi điều kiện cho các đối tượng sản xuất nhỏ, bà con nông dân có điều kiện để vừa tạo sinh kế nhưng vừa góp phần bù đắp những thiệt hại trước đây.

Còn riêng về cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ chăn nuôi đến từ thú y cấp tỉnh phải vào cuộc tăng cường hướng dẫn, không thể vì tăng đàn mà gặp lại rủi ro bệnh tật tái phát.

Theo thống kê, đến ngày 5-4, cả nước có 90% số xã tại 44 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh các ổ dịch tả lợn châu Phi, 19 tỉnh, thành phố đang có dịch có 95% số xã có ổ dịch đã 30 ngày không có lợn chết. Đến ngày 10-3, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24 triệu con, đạt 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (31 triệu con lợn vào tháng 12-2018). Trong ba tháng đầu năm nay, tốc độ tái đàn lợn trung bình trên phạm vi cả nước tăng 6,2%. Dự kiến đến quý III, Việt Nam có thể cân đối được cung cầu thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!