Triển vọng mô hình cánh đồng “một giống” ở Điện Biên

Mô hình cánh đồng “một giống” cho thấy hiệu quả vượt trội so với cách sản xuất truyền thống là tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng giá trị sản phẩm lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh. Cùng với đó, sản xuất theo mô hình cánh đồng “một giống” còn hạn chế tình trạng lúa lẫn, giảm công sức lao động của nông dân mà hiệu quả lại tăng rất nhiều...
Nông dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) sử dụng máy cấy bằng tay trên mô hình cánh đồng “một giống”.
Nông dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) sử dụng máy cấy bằng tay trên mô hình cánh đồng “một giống”.

Anh Lò Văn Hạnh, Ðội trưởng đội 15, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) là một trong số 38 gia đình tham gia mô hình cánh đồng “một giống” trong vụ mùa 2019. Anh Hạnh cho biết: Trên diện tích 8,3 ha mà 38 gia đình tham gia, năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha; trừ chi phí thu lãi gần 21 triệu đồng/ha, nếu so với cách gieo cấy trước đây lãi tăng hơn 12 triệu đồng/ha. Chi phí sản xuất giảm hơn chín triệu đồng/ha do không phải phun nhiều lần thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân đạm và khắc phục cơ bản tình trạng lúa lẫn những năm trước đây.

Cũng trên cánh đồng của đội 15, chị Lò Thị Hòa tâm sự, lúc mới tham gia, bà con rất băn khoăn nghi ngại. Bởi trước nay nông dân ở Thanh Xương nói riêng và khu vực lòng chảo Mường Thanh nói chung chỉ quen làm kiểu “việc nhà nào nhà ấy lo”, vậy mà theo mô hình cánh đồng “một giống” thì các gia đình phải tuân thủ quy định: Cấy cùng một giống trên diện tích đăng ký, thời gian gieo cấy gói gọn trong một hoặc hai ngày, và khi bón phân, làm cỏ cũng cùng kỳ. Được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Điện Biên và Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Xương tận tình hướng dẫn, 38 gia đình đã yên tâm, thực hiện bảo đảm kỹ thuật, thời gian từ khi xuống giống, bón phân, làm cỏ cho đến ngày thu thóc về nhà. Bởi vậy, nông dân vui mừng, tin tưởng.

Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Xương Lò Văn Bun cho biết thêm: Mô hình cánh đồng “một giống” áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên toàn diện tích ngay từ đầu vụ như: Cấy tập trung bằng máy, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật... Tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại giảm tới gần 90% so với diện tích ngoài mô hình; cây lúa sinh trưởng đều, trổ bông tập trung. Tất cả các nông dân tham gia mô hình còn được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thu hoạch, sơ chế để thóc không bị lẫn tạp, bảo đảm yêu cầu của đơn vị thu mua. Do kiểm soát tốt thuốc trừ sâu giai đoạn đầu vụ, phun trừ khi đến ngưỡng cho nên hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh đến năng suất cuối vụ. Việc áp dụng máy cấy trong mô hình đã góp phần kiểm soát tốt sinh vật gây hại như: Thời gian xuất hiện muộn, mức độ gây hại thấp hơn so với ngoài mô hình; xuất hiện theo lứa tập trung cho nên việc triển khai phun trừ được đồng loạt, hiệu quả phòng trừ cao hơn. Thấy được hiệu quả khác biệt, vụ thu đông năm nay, xã viên HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Xương đã đăng ký thực hiện theo mô hình trên diện tích 20 ha; trong đó 10 ha dùng giống Nam Hương, 10 ha dùng giống Séng Cù. Vụ tới, huyện Điện Biên tiếp tục triển khai mô hình cánh đồng “một giống” trên những khu vực dồn điền đổi thửa tại các xã vùng lòng chảo như: Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh An, Thanh Xương.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên Nguyễn Trọng Kính cho biết: Với thành công từ mô hình “một giống” ở Thanh Xương, vụ đông xuân này huyện Điện Biên đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng trên cánh đồng mẫu lớn, qua đó góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy các nhà đầu tư liên kết với nông dân Điện Biên triển khai sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi
sản phẩm.

Chính hiệu quả từ mô hình cũng góp phần thay đổi ý thức của nông dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thay vì cứ thấy sâu bệnh hại là phun thuốc thì bây giờ nông dân ở Điện Biên đã biết cách áp dụng kỹ thuật để hạn chế sâu bệnh hại. Đây là chuyển biến quan trọng trong lộ trình nâng cao năng suất, giá trị cho hạt gạo Điện Biên.