Triển vọng kinh tế Hà Nội năm 2021

NDO -

Năm 2020 là một năm thành công của Hà Nội và năm 2021 được kỳ vọng Hà Nội tiếp tục đạt kỳ tích trong phát triển kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng Hà Nội đã và đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19; đà tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm 2020 và sự chủ động, tích cực khai thác những động lực tăng trưởng mới chưa từng có, được cộng hưởng và lan tỏa từ bản thân quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển của Thủ đô, cũng như chung của cả nước năm 2021.

Thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Ảnh: DUY LINH
Thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Ảnh: DUY LINH

Kỳ vọng tạo kỳ tích phát triển kinh tế năm 2021 của Hà Nội trước hết đặt trên nền tảng những thành công kinh tế năm 2020, với mức tăng trưởng đạt 3,98% (cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước). Chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 2,67% (thấp hơn mức tăng chung cả nước và thấp nhất trong nhiều năm gần đây); Giải quyết việc làm mới cho gần 160 nghìn lao động và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn bình quân chung cả nước, chỉ ở mức 2,3%. Thu ngân sách vượt dự toán hơn 2% (đạt gần 285 nghìn tỷ đồng) và tăng gần 6% so với năm 2019 (trong đó, nguồn thu nội địa chiếm 93% tổng thu). Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 416 nghìn tỷ đồng (tăng gần 10% so với năm 2019). Tỷ trọng chi thường xuyên của Thành phố chỉ chiếm 51% (so với tỷ trọng 27% của cả nước). Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 4,2% - mức cao nhất trong chín năm trở lại đây…

Thành công này được quyết định bởi thành công chống dịch Covid-19. Tính lũy kế tới cuối năm 2020, Thành phố đã cách ly tại khu tập trung gần 44.800 người, lũy tích có 198 ca mắc Covid-19 và không có ca mắc tử vong. Năm 2021, sau khi giải tỏa 14 điểm, hiện Hà Nội chỉ còn bốn khu vực bị cách ly và nếu không phát sinh thêm trường hợp nghi nhiễm mới, Hà Nội sẽ giải tỏa nốt bốn khu vực nói trên. Thành phố quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo chống dịch, chỉ cấm những lĩnh vực, địa bàn hoặc các dự án, công trình không bảo đảm yêu cầu chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”, nhằm duy trì mức tăng trưởng chung.

Hơn nữa, Hà Nội hiện có lợi thế lớn, có không gian, có dư địa phát triển thuận lợi từ điều kiện tự nhiên và vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số, 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học và 2/5 khu công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Đến hết năm 2020, ngoài mấy chục sản phẩm công nghiệp chủ lực, Hà Nội hiện có khoảng 1.000 sản phẩm được công nhận OCOP (chiếm 41% các sản phẩm OCOP của toàn quốc). Có 13 đơn vị cấp huyện đạt, 367 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, Thành phố quyết liệt triển khai cải cách các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài, Hà Nội có Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 465 nghìn đảng viên và chiếm 10% tổng số đảng viên của cả nước. Bộ máy nhân sự của nhiệm kỳ mới 2021-2025 có nhiều lãnh đạo chủ chốt là nhà kinh tế và khoa học có chuyên môn và uy tín cao; đội ngũ cán bộ trẻ có sức trẻ, khát vọng, hoài bão và quyết tâm cống hiến lớn, chắc chắn sẽ tạo xung lực mới mạnh mẽ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cấp năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.

Khuôn khổ thể chế cho phát triển Thủ đô ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ. Đặc biệt, năm 2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội sẽ đăng ký, trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xem xét, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020; Luật Thủ đô và quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển giai đoạn 10 năm tới đây.

Thành phố sẽ có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, với tinh thần không phải chỉ là trả lương cao theo năng lực và đóng góp, mà còn phải giao công việc và tạo môi trường làm việc để họ được cống hiến, được lắng nghe, tôn trọng với tư cách chuyên gia, giàu tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và phản biện, vì sự nghiệp phát triển chung của Thủ đô.

Hơn nữa, động lực tăng trưởng của Thủ đô năm 2021 và tới đây còn được bổ sung mạnh mẽ từ những chương trình chuyển đổi số, khai thác các cơ hội mới từ CMCN 4.0 trong cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Hà Nội đang chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước (bình quân Hà Nội có 19,3 doanh nghiệp trên 1.000 dân, so với trung bình cả nước có 7,9 doanh nghiệp). Hiện, 90% doanh nghiệp ở Hà Nội quan tâm chuyển đổi số, quản trị số, trong đó, 40% doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chuyển đổi số. Chính dịch Covid-19 đang và sẽ tiếp tục tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước, nhất là phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử, cũng như tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực và thích ứng với bối cảnh mới.

UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn Thủ đô năm 2021 nhằm thúc đẩy DNNVV phát triển, tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ số, tham gia liên kết chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN; phấn đấu tăng thêm từ 10% (khoảng 30 nghìn) doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021; Tạo thêm 150 nghìn việc làm mới; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô, đóng góp khoảng 45% GRDP và hơn 30% ngân sách thành phố. Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh...

Ngoài ra, động lực tăng trưởng Thủ đô còn tiềm tàng từ sự khai thác các nguồn lực và cơ chế quản lý phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao và hướng tới trung tâm hàng đầu của ASEAN về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin mạng, trí tuệ nhân tạo; một trung tâm hàng đầu về thương mại và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (năm 2021, Hà Nội được vinh dự đăng cai SEA Games và ParaGames)… Chính văn hóa - sáng tạo và hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại là nền tảng để Hà Nội thực hiện được năm định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2025… như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ.

Hà Nội không chỉ là trái tim, mà còn là bộ mặt và đầu tàu tăng trưởng chung của cả nước, với nền văn hiến lâu đời, truyền thống văn hóa tiêu biểu, nơi hội tụ nhân tài, “Thành phố vì hòa bình”, thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của thế giới; với tinh thần “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, “Hà Nội yêu cầu phải cao hơn các địa phương khác”, “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, quán triệt chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của T.Ư và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội ngày càng có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để tạo kỳ tích trong năm 2021, phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 7,0 đến 8% và đón từ 13 đến 15 triệu lượt khách du lịch trong nước (gấp đôi năm 2020); hoàn thành 236 nhiệm vụ giao 37 đầu mối sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã, gắn với phân công cơ quan chủ trì, phối hợp và tiến độ thời gian hoàn thành cụ thể; hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội là thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế… theo tinh thần Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII.