Thịt lợn tăng giá đột biến do khủng hoảng nguồn cung?

NDO -

NDĐT - Trong những ngày qua giá lợn hơi ở các địa phương có xu hướng tăng đột biến, đạt mức giá kỷ lục hơn 70 nghìn đến 75 nghìn đồng/kg, thậm chí cá biệt có nơi cán mốc gần 80 nghìn đồng/kg. Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn ở chợ cũng tăng “chóng mặt” từ 120 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg. Giá lợn tăng nhanh được cho là do khủng hoảng nguồn cung thịt lợn trong nước. Trước thông tin trên, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có những phát ngôn chính thức về vấn đề này.

Giá thịt lợn trên thị trường tăng phi mã cá biệt lên tới 200 nghìn/kg.
Giá thịt lợn trên thị trường tăng phi mã cá biệt lên tới 200 nghìn/kg.

Giá tăng, người tiêu dùng “rón rén” mua thịt lợn

Trong thời gian gần đây, người tiêu dùng không khỏi “choáng váng” với giá thịt lợn tăng phi mã theo từng ngày. Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn dao động ở mức 130 nghìn đến 170 nghìn đồng/kg tuỳ loại; riêng sườn non, lưỡi lợn giá đã tăng lên mức 180 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg.

Tại một số hệ thống cửa hàng thịt sạch lớn trên Hà Nội, ngay từ đầu tháng 11 giá thịt lợn đã được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, ba chỉ lợn giá hơn 160 nghìn đồng/kg, chân giò rút xương giá 120 nghìn đồng/kg, nạc dăm lợn giá 150 nghìn đồng/kg, sườn thăn lợn giá 185 nghìn đồng/kg, sườn non giá 194 nghìn đồng/kg.

Giá thịt lợn tăng nhanh khiến các bà nội trợ không khỏi cân nhắc khi mua thực phẩm cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thủy, khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ: “Giá lợn tăng nhanh mỗi ngày một giá khiến tôi cũng dè dặt hơn khi đi chợ. Trước kia, thịt lợn vẫn là thực phẩm chủ đạo trong bữa ăn gia đình vì giá cả vừa phải và dễ ăn, nay thịt lợn tăng giá cao ngang với giá thịt bò nên tôi cũng phải tính toán chuyển đổi sang các loại thực phẩm khác để bảo đảm cân đối chi tiêu trong gia đình”

Thịt lợn tăng giá đột biến do khủng hoảng nguồn cung? ảnh 1

Giá thịt lợn tăng cao đột biến khiến người nội trợ không khỏi dè dặt cân đối thực phẩm trong bữa ăn gia đình.

Còn chị Nguyễn Thị Yến tại khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) thì cho biết: Do thói quen ăn thịt lợn nên dù giá cả có tăng đột biến thì gia đình chị vẫn phải chấp nhận và chỉ tính toán để giảm khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn.

Giá thịt lợn tăng khiến cho các tiểu thương ở chợ cũng than khổ. Chị Đặng Thị Thu bán thịt lợn ở chợ Hà Đông kêu khó: Chúng tôi mua lợn giá cao thì phải bán thịt lợn đắt hơn mới có lãi, đợt này giá lợn cao quá hàng quán bán cũng khó khăn hơn vì nhiều người chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác thay thế cho thịt lợn.

“Trước đây mỗi ngày tôi bán hết một con lợn, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi cùng với bạn hàng chung nhau một con mà bán vẫn còn khó khăn. Cứ đà này giá thịt lợn cuối năm còn tăng mạnh nữa không biết người dân có dám ăn thịt lợn không nữa”, chị Thu than thở.

Giá thịt lợn thị trường tăng nhanh, các doanh nghiệp chăn nuôi cũng điều chỉnh giá tăng mạnh. Đơn cử, giá lợn hơi niêm yết tại công ty chăn nuôi như Dabaco đã lên 76 nghìn đồng/kg, Công ty Chăn nuôi CP tiếp tục thông báo tăng giá lợn hơi thêm 1.000 đồng/kg, đưa giá lợn niêm yết tại công ty ở mức khoảng 68.500 đồng/kg.

Giá lợn tăng nhưng không phải do khủng hoảng thiếu

Trước những biến động của thị trường về giá cả thịt lợn và lợn thịt trong thời gian gần đây, ngày 14-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn bảo đảm cung – cầu thực phẩm dịp Tết” trên Báo điện tử Dân Việt.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã xác nhận có việc giá lợn hơi tăng nhanh trong mấy ngày qua ngày qua. Tuy nhiên, ông Dương khẳng định đó là hiện tượng cá biệt, giá chủ yếu vẫn ổn định ở mức 58 nghìn đến 65 nghìn đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi ở miền bắc nằm trong khoảng 65 nghìn đến 66 nghìn đồng/kg; giá lợn hơi miền nam 60 nghìn đến 61 nghìn đồng/kg. Như vậy, nguyên nhân chính không phải do chúng ta thiếu hụt nguồn cung quá lớn mà có vấn đề về lưu thông, thông tin. Việc giá lợn hơi lên đến 75 nghìn đồng/kg là cá biệt.

Thịt lợn tăng giá đột biến do khủng hoảng nguồn cung? ảnh 2

Toàn cảnh tọa đàm "Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn bảo đảm cung – cầu thực phẩm dịp Tết" chiều 14-11.

"Sở dĩ, có hiện tượng như trên là do trước đây các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn, còn con nào thì coi như vàng và đương nhiên giá tăng. Về phía các thương lái không tiếp cận được nguồn cung từ các doanh nghiệp lớn do các doanh nghiệp này đều bán theo xe, số lượng lớn, theo các mối cung cấp lâu năm, đã đẩy giá lợn ngoài thị trường truyền thống tăng cao”, ông Dương nói

Trước thông tin về việc giá tăng do khủng hoảng thiếu lợn, ông Dương nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại, chúng ta không thiếu lợn đến mức khủng hoảng, nhiều địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên còn đàn lợn khá lớn. Vấn đề lưu thông, thông tin đã tạo tâm lý, hiệu ứng xã hội không tốt", ông Dương nói.

Trong khi đó, ông Kiều Đình Thép, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, giá lợn hơi tăng cao, Công ty C.P bình ổn giá thịt lợn dao động từ 65, 66 nghìn đến 67 nghìn đồng/kg.

Thịt lợn tăng giá đột biến do khủng hoảng nguồn cung? ảnh 3

Quyền Cục trưởng Chăn nuôi khẳng định giá lợn tăng không phải do khủng hoảng thiếu thịt lợn.

"Về nguồn cung thịt lợn của Công ty C.P tăng gần 10% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, hiện tại công ty cũng chỉ cung cấp được cho các khách hàng đã có hợp đồng làm ăn với CP. Còn đối với những khách hàng mới, Công ty CP phục vụ ở mức độ vừa phải, cung cấp ổn định, không bán ồ ạt ra thị trường, tránh tình trạng các thương lái thu gom rồi đẩy giá", ông Thép khẳng định.

Đề xuất một số giải pháp để giải bài toán ổn định thị trường trong thời gian tới, ông Thép cho rằng: Cần đưa ra một số giải pháp ổn định giá. Thứ nhất là tạo nguồn cung, sản xuất theo chuỗi từ con giống, chăn nuôi, giết mổ. Để tạo nguồn cung trước mắt cần tính đến đàn lợn nái, tăng số lứa trên năm. Thứ hai, nuôi dài ngày để thêm trọng lượng. Thứ ba, hợp tác với bà con nông dân tổ chức chuỗi chăn nuôi. Thứ tư, bảo vệ được đàn lợn bằng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi làm tốt tất cả các yếu tố đó, việc cung cầu sẽ bảo đảm được bình ổn.