Thị trường M&A chờ những thương vụ lớn

Được đánh giá là rất tiềm năng nhưng thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang có dấu hiệu chững lại với dự báo tổng giá trị giao dịch năm 2019 có thể chỉ bằng khoảng 90% giá trị giao dịch năm 2018.

Saigon Co.op đã mua lại 18 cửa hàng bán lẻ Auchan (Pháp). Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart (Hà Nội). Ảnh: ANH AN
Saigon Co.op đã mua lại 18 cửa hàng bán lẻ Auchan (Pháp). Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart (Hà Nội). Ảnh: ANH AN

Sức hút từ ngành ngân hàng

Sau tròn 10 năm tăng trưởng mạnh mẽ với hàng nghìn giao dịch có tổng giá trị đạt gần 55 tỷ USD, hoạt động M&A đã phát triển không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ mà còn thật sự trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đáng lưu ý, tỷ trọng các thương vụ ở quy mô vừa và lớn đang có xu hướng gia tăng dưới sự dẫn dắt của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, tập trung vào bốn quốc gia là Xin-ga-po, Thái-lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các lĩnh vực sôi động nhất vẫn là sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản. “Việt Nam đạt được tăng trưởng GDP cao và quản lý vĩ mô khá tốt, nhờ đó giá trị đất đai cũng tăng lên. Các dự án chúng tôi đầu tư từ khi bắt đầu hoạt động đến nay đều tăng giá trị ở mức hai con số. Hiện chúng tôi có kế hoạch cải thiện mô hình kinh doanh để tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam, nhất là qua kênh kết nối với những đối tác trong nước”, ông Dennis Ng Teck Yow, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam chia sẻ.

Thương vụ M&A đình đám nhất trong nửa đầu năm 2019 được kể đến là Tập đoàn SK (Hàn Quốc) chi một tỷ USD để trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Vingroup; KEB HANA Bank (Hàn Quốc) chi 555 triệu USD mua 15% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ông Michael DC Choi, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư - thương mại Hàn Quốc (Kotra) cho biết: Ngoài KEB HANA Bank, Hàn Quốc có bốn ngân hàng khác hiện diện ở Việt Nam với mức lợi nhuận năm 2018 rất khả quan, đạt hơn sáu tỷ USD. Đây là mức cao từ trước đến nay, trở thành động lực cho các ngân hàng xứ sở kim chi tiếp tục tìm cơ hội tăng cường đầu tư ở Việt Nam. Các chuyên gia tài chính, ngân hàng lạc quan nhận định, với kế hoạch tái cơ cấu và giảm nợ xấu, lĩnh vực ngân hàng sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của khối ngoại trong ngắn hạn, nhất là khi chính sách dành cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực đặc thù này đã bắt đầu có sự điều chỉnh. Sự quan tâm của NĐT nước ngoài tới việc nắm cổ phần của các ngân hàng trong nước cũng là cơ hội để các ngân hàng này phát hành thêm cổ phiếu và tăng vốn. Trong chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp do Bộ Tài chính tổ chức tại Luân Đôn (Vương quốc Anh) vừa qua, có sự tham gia của các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Agribank, Sacombank, thu hút sự tham gia tích cực của giới đầu tư tài chính tại Anh. Sự kiện này nhằm quảng bá về thị trường vốn Việt Nam, với những kỳ vọng đầu tư và tiềm năng phát triển mạnh trong những năm tới.

Điểm đáng ghi nhận nữa của thị trường là các NĐT trong nước đang chủ động hơn trong những giao dịch M&A với vai trò là bên mua. Các tập đoàn lớn như Vingroup, KIDO, Masan, Vinamilk, Saigon Co.op, Trường Hải đã và đang mở rộng quy mô bằng cách thực hiện hàng loạt thương vụ M&A. Điển hình là VinCommerce - công ty con của Vingroup nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go khi NĐT đến từ Xin-ga-po rút lui khỏi Việt Nam. Tháng 6-2019, Saigon Co.op mua lại 18 cửa hàng Auchan khi thương hiệu bán lẻ đình đám của Pháp này làm ăn thua lỗ. Theo Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, đây là thương vụ chuyển nhượng thương hiệu khá khác biệt trên thị trường. Saigon Co.op không giữ lại thương hiệu Auchan mà thay đổi bằng mô hình hệ thống siêu thị, cửa hàng tương ứng của Saigon Co.op để sớm đạt mục tiêu 1.000 điểm bán.

Hoàn thiện khung khổ pháp luật

Thông tin từ Diễn đàn M&A 2019 vừa diễn ra ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, quy mô của thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc năm tỷ USD của giai đoạn năm 2014 đến 2016 để ổn định ở mốc 6 đến 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD cần phải có sự nỗ lực lớn hơn. Chính phủ và các bên liên quan cần có quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông dòng chảy vốn. Nguồn hàng tốt cho M&A là quá trình thoái vốn, CPH DNNN nhưng lại chưa sẵn nguồn cung cho thị trường vì đang chậm tiến độ. Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ không chỉ bởi các quy định về CPH đang chặt chẽ hơn, mà còn do những vướng mắc về cơ chế, chính sách, trong đó có vấn đề liên quan chính sách pháp luật về nhà đất và định giá tài sản doanh nghiệp (DN). Đại diện Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng phản ánh, trong quá trình xác định giá trị DN, nhiều khu đất có giấy tờ không hoàn chỉnh, hợp đồng cho thuê hết hạn nhưng địa phương vẫn cho thuê và có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào khiến nhiều tài sản nhà, đất của DN khó xác định giá trị. Do đó, cơ chế chính sách cần có những điều chỉnh, giúp DN giải quyết vướng mắc này. Các NĐT cho rằng, hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại các DN sau CPH vẫn ở mức cao, khoảng 85%, cho nên cần tiếp tục bán vốn để có yếu tố mới trong quản trị DN và thúc đẩy các giao dịch.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, hàng loạt chuyển động chính sách gần đây như kế hoạch sửa đổi các luật quan trọng gồm: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán cùng với việc Bộ Chính trị lần đầu ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới sẽ có tác động tích cực đến thị trường. Bởi sẽ có các quy định được sửa đổi để xóa bỏ chồng chéo, tháo gỡ các vướng mắc, cắt giảm chi phí kinh doanh và thủ tục tham gia thị trường của DN. Bên cạnh đó, việc ký và thực thi các hiệp định tự do thế hệ mới, gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVIPA) sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Những thay đổi gần đây cho thấy nhiều DN Việt Nam đã tận dụng triệt để lợi thế của hình thức M&A nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển DN. Ngoài ra, một số trường hợp M&A theo hướng tạo thành một công ty con ở Việt Nam, mua 100% cổ phần hoặc phát hành thêm cổ phần để bán cho các NĐT chiến lược nhằm huy động vốn và nâng cao kỹ năng quản trị. Điều này cho thấy, M&A là một công cụ huy động vốn hữu hiệu, ngoài các nguồn vốn truyền thống, để DN vừa mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh và lấn sân sang lĩnh vực mới. M&A đôi khi là một hình thức rút lui khỏi thị trường hoặc cơ cấu lại DN một cách thông minh và hiệu quả hơn nhiều so với cách giải thể, phá sản.

PHAN ĐỨC HIẾU

Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư