Thương mại điện tử:

Thay đổi tư duy chính sách để trợ lực khởi nghiệp

NDO -

NDĐT - Là ngành nghề được đánh giá có nhiều tiềm năng ở Việt Nam, song khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) vẫn còn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thay đổi tư duy chính sách được xem là một trong những giải pháp để các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong lĩnh vực này có được nhiều cơ hội phát triển hơn.

Sức mua cao, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT tương đối lớn.
Sức mua cao, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT tương đối lớn.

Đợi cơ hội
Đón làn sóng thương mại điện tử (TMĐT), chị Nguyễn Thị Thanh quyết định thành lập Buyoo.vn vàng tháng 7/2017. Đây là website mua sắm trả góp trực tuyến sản phẩm kỹ thuật với phương thức thanh toán trả góp trực tuyến nhanh chóng dễ dàng và đáng tinh cậy. Buyoo.vn hiện là đối tác chính thức với cá thương hiệu công nghệ nổi tiếng như Xino Mi, Oppo, Vivo, Samsung…Từ đầu năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh cho biết Buyoo.vn bắt đầu triển khai mô hình “Mua chung- trả góp” đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam bước đầu đã đem đến sự thành công.

Mô hình của Buyoo.vn là một trong những mô hình khởi nghiệp lĩnh vực TMĐT mới thành công tại Việt Nam. Được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT cao nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nghề này của Việt Nam lên đến 35%/năm – gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Với dân số là 96,96 triệu người nhưng Việt Nam đã có tới 64 triệu người sử dụng Internet (72% trong số đó sử dụng smartphone). Tính đến năm 2019, Việt Nam có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ; Việt Nam đã ký kết 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã đạt trên 400 tỷ USD và sẽ cón tiếp tục tăng lên trong thời gian tới… Đây là “mỏ vàng” để khai thác mảng TMĐT.

Tiềm năng là vậy nhưng đến nay, doanh thu từ TMĐT của Việt Nam mới chiếm hơn 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước. Bên cạnh đó, đa số các sàn giao dịch xuất khẩu trực tuyens lớn tại Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài.

Sử dụng cụm từ “đốt tiền” để nói về các sàn TMĐT – ông Trương Quang Việt – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - nhấn mạnh: Shopee, Lazada, Tiki… đều đang tích cực đốt tiền để có được người dùng, lượt truy cập và người bán hàng bằng các hình thức trợ giá sản phẩm, miễn phí vận chuyển. Riêng trong năm 2019, các công ty này hiện đang lỗ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng.

Khảo sát của Sách trắng TMĐT năm 2019 chỉ rõ, vấn đề lớn nhất hạn chế sự phát triển của TMĐT Việt Nam là thiếu sự tin tưởng giữa người bán và người mua, 89% người dùng TMĐT hiện nay vẫn ưu tiên sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD); 33% người chưa tham gia mua sắm trực tuyến vì không tin tưởng người bán… Tuy nhiên, với xu hướng TMĐT ngày càng phát triển (dự báo sẽ đạt 13 tỷ USD vào năm 2020) việc đốt tiền, chịu lỗ để đón cơ hội cũng là chiến lược được nhiều doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi.

Câu chuyện của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại XNK Vinh Phát là một thí dụ. Bức xúc trước việc các doanh nghiệp Việt muốn nhập khập khẩu hoặc xuất khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng hoá đều phụ thuộc hoặc qua các trung gian; chịu giá thành sản xuất cao hơn, tốn kém chi phí, giảm năng lực cạnh tranh so với các đối thủ, trong khi nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt là rất lớn; ông Nguyễn Tuấn Vinh – CEO Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại XNK Vinh Phát- đã mạnh dạn lập sàn giao dịch thương mại trực tuyến mua bán toàn cầu phục vụ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. “Mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng qua bốn tháng vận hành, sàn giao dịch của chúng tôi đã nhận được trên 3.000 yêu cầu mua hàng của một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tế này cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực, điều kiện để lập nên những sàn giao dịch nhập khẩu hoặc xuất khẩu hiệu quả”, ông Vinh tin tưởng.

Thay đổi chính sách, trợ lực cho DN
Thực tế, TMĐT phát triển đang thúc đẩy nhiều phương thức kinh doanh mới, kéo theo nhiều lĩnh vực phát triển, điển hình như logistics, ngân hàng điện tử… Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích sự sáng tạo, đột phá của các DN khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực này. Kết quả nghiên cứu của VCCI cho thấy: Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Từ vị trí thứ 5/6 quốc gia Đông Nam Á (năm 2017), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore, về tổng giá trị thương vụ đầu tư khởi nghiệp (năm 2018). Riêng sáu tháng đầu năm 2019, tổng số tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào starup Việt Nam đạt 264 triệu USD, ước tính cả năm 2019 đạt 800 triệu USD – gần gấp hai so với năm 2018.

Để thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp TMĐT và logistics, tư duy công nghệ của các startup được xem là yếu tố quan trọng nhất; tuy nhiên một yếu tố cũng đặc biệt quan trọng đối với hầu hết các DN khởi nghiệp đó chính là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó vai trò của các nhà đầu tư là đặc biệt quan trọng. Nhất là trong lĩnh vực logistics – một lĩnh vực có tác động mạnh mẽ tới sức cạnh tranh về chi phí của doanh nghiệp.

Mấy năm trở lại đây, có khá nhiều Quỹ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước lại không hề dễ dàng bởi những rào cản pháp lý kèm theo: “Ở Việt Nam, tư duy chính sách còn rất hạn chế. Quá trình hoạt động, các quỹ do các đơn vị của Nhà nước phải bảo toàn vốn, nếu để mất vốn sẽ bị hình sự hoá. Điều này đồng nghĩa với việc, không quỹ nào của Nhà nước dám đầu tư mạo hiểm. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm hay đầu tư thiên thần. Đã đến lúc cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về tư duy chính sách. Nếu cứ giữ mãi những tư duy trì trệ và bảo thủ, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng làm thui chột hoặc bóp méo các ý tưởng kinh doanh”, ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khuyến cáo.

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) khẳng định, cùng với việc hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy TMĐT và logistics phát triển; một số hành lang pháp lý chưa phù hợp, thiếu tính thiết thực phải được xoá bỏ. Có như vậy, DN khởi nghiệp mới thực sự phát triển trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hoá của Việt Nam.