Thanh Hà mùa vải ngọt

NDO -

NDĐT – Những ngày cuối tháng 5, vải Thanh Hà đã liên tiếp ra mắt người tiêu dùng Thủ đô tại các sự kiện “Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà” hay như “Tuần hàng trái cây nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội”. Vải thiều Thanh Hà có độ giòn của cùi, khi bóc quả vải không bị chảy nước, ăn có cảm giác giòn, vị ngọt đậm, hương thơm mát đặc trưng, khi ăn lưu giữ hương vị lâu hơn nên được nhiều người tiêu dùng Thủ đô ưa thích lựa chọn.

Tại Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. (ảnh: THANH TRÀ)
Tại Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. (ảnh: THANH TRÀ)

Những trái ngọt đầu mùa

Từ giữa tháng 5, nông dân tỉnh Hải Dương đã bắt đầu thu hoạch vụ vải chín sớm (vải u hồng, u trứng). Đến tháng 6, vải thiều chính vụ sẽ tiếp tục cho thu hoạch. Vụ vải năm nay, toàn tỉnh Hải Dương ước đạt sản lượng từ 45 nghìn đến 45,5 nghìn tấn. Đây là sản lượng cao thứ hai trong 10 năm gần đây, chỉ sau mức sản lượng kỷ lục năm 2018.

Tại phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, vải Thanh Hà được bán với giá 40.000 đồng/kg. Ngay ngày khai mạc, đã có rất nhiều khách hàng tại Hà Nội tham quan và mua được vải Thanh Hà chính hiệu.

Ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương), cho biết: Thời điểm đầu vụ, vải thiều Thanh Hà được bán với giá 55.000 – 60.000 đồng/kg, hiện giá bán buôn tại Hải Dương phổ biến ở mức 30.000 đồng/kg. Năm nay, vải được mùa, được giá.

“Hiện, diện tích trồng vải trên địa bàn huyện khoảng 3.600 ha và cho doanh thu khoảng 600 - 700 tỷ đồng/năm. Năm 2018, sản lượng vải chín sớm và chín muộn trên địa bàn huyện Thanh Hà là 40 nghìn tấn, năm nay dự kiến cho khoảng 35 nghìn tấn. Với giá bán như hiện nay thì nhà vườn cho doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha”, ông Thiện nói.

Thanh Hà mùa vải ngọt ảnh 1

Vải thiều Thanh Hà có độ giòn của cùi, khi bóc quả vải không bị chảy nước, ăn có cảm giác giòn, vị ngọt đậm, hương thơm mát đặc trưng được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích. (Ảnh: THANH TRÀ)

Có mặt tại phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, chị Đặng Hoài Thu (Văn Quán, Hà Đông Hà Nội) cho biết: Mặc dù tại các chợ dân sinh vải đã bày bán khá nhiều vào khoảng hơn hai tuần trước đây, nhưng chị vẫn chờ đến phiên chợ chính thức của Thanh Hà mới mua vải.

Theo chị Thu, vải Thanh Hà mua tại các phiên chợ, tuần hàng do địa phương phối hợp các đơn vị xúc tiến thương mại tổ chức, trái đẹp, sáng mã, sản phẩm lại được truy xuất nguồn gốc rõ ràng giúp những người tiêu dùng yên tâm hơn.

Để mùa vải được mùa được giá

Theo nhận định của lãnh đạo huyện Thanh Hà, năm nay, nhận thức được khó khăn về tác động của dịch Covid-19 đến nhu cầu tiêu thụ nông sản của người tiêu dùng trong nước, Thanh Hà dã tập trung định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Trịnh Văn Thiện, chia sẻ: Trung Quốc từ lâu được xem là thị trường xuất khẩu chủ lực của vải Thanh Hà, tiêu thụ khoảng 30% đến 40% tổng sản lượng vải của huyện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các thương lái hạn chế nhập cảnh nên chưa đến các nhà vườn thu mua như mọi năm. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, huyện đã chủ động đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

“Huyện chủ động chuyển hơn 1.000 thư mời đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như hệ thống siêu thị, thương lái nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, các HTX trên địa bàn cũng chuẩn bị túi có in sẵn logo, tem truy xuất nguồn gốc cho người dân trước khi vào chính vụ”, ông Thiện nói.

Thanh Hà mùa vải ngọt ảnh 2

Vải Thanh Hà được bày bán tại Tuần hàng trái cây nông sản các tỉnh, thành phố tại siêu thị BigC Thăng Long. (Ảnh: THANH TRÀ)

Để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, UBND huyện Thanh Hà phối hợp Sở Công thương tỉnh khảo sát thị trường nhằm tìm kiếm thêm đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường trong nước nhất là các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng và các tinh phía nam.

Hiện tại, vải Thanh Hà được hệ thống siêu thị BigC cam kết thu mua, phân phối toàn hệ thống trên cả nước. Việc thu mua trực tiếp sẽ giảm thiểu chi phí trung gian, đồng thời bảo đảm chất lượng vận chuyển giúp sản phẩm luôn được tươi mới đến tay người tiêu dùng. Theo đại diện BigC Việt Nam, hiện đơn vị đã giới thiệu ra thị trường nhiều sản phẩm chế biến như nước ép vải, thạch rau câu vải, chè hạt sen vị vải… đều được chế biến từ quả vải Thanh Hà.

Mặt khác, nhằm tăng cường nhận diện hình ảnh, thu hút khách hàng, vừa qua UBND huyện Thanh Hà đã lắp đặt tám biển quảng cáo hình ảnh vải thiều tại các khu vực: Cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, bến xe Thanh Hà, đầu đường xã Thanh Khê hướng vào cây vải tại thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn)… Bên cạnh đó, huyện cũng đã trích ngân sách hơn bảy tỷ đồng xây dựng bãi đỗ xe rộng 1.000m2 và làm đường ra vào vườn cây vải thiều tổ để phục vụ khách đến tham quan.