Tạo điều kiện thuận lợi trong trồng rừng gỗ lớn

Thực hiện cam kết quốc tế, các thị trường xuất khẩu gỗ đều yêu cầu sản phẩm sản xuất từ gỗ được cấp chứng chỉ. Vì thế, để chủ động nguồn cung trong nước cho chế biến gỗ, phải phát triển trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ phù hợp. Ðây đang là một đòi hỏi lớn đặt ra đối với ngành lâm nghiệp.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Hiệu quả từ mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có tại các địa phương. Theo đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến năm 2020, diện tích vùng trồng rừng gỗ lớn trên cả nước vào khoảng 1,2 triệu ha. Phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản, đồng thời, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Ðối với cây trồng phổ biến hiện nay là cây keo, đến chu kỳ khai thác chỉ có thể bán làm dăm gỗ, làm trụ mỏ với giá trị chỉ đạt khoảng 80 đến 90 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu để hơn mười năm mới khai thác, đường kính cây lớn hơn, sẽ bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến, nâng giá trị lên gấp từ hai đến ba lần. Tuy nhiên, do thời gian thu hồi vốn từ trồng rừng gỗ lớn quá dài, trong khi điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn cho nên chủ trương này chưa được người trồng rừng mặn mà. Theo đánh giá chung, tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng trong thời gian qua, nhưng chủ yếu vẫn là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ... giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngành lâm nghiệp đang tích cực triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho rằng, ngành lâm nghiệp đang duy trì kết quả khả quan, tiến tới hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019. Cùng với những thuận lợi, ngành lâm nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hiện nay nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn. Nhận thức của người dân về giá trị và hiệu quả kinh tế của việc kinh doanh rừng trồng gỗ lớn vẫn còn hạn chế. Chính sách khuyến khích phát triển rừng như hỗ trợ đầu tư và tín dụng, chính sách về đất đai, bảo hiểm, đầu tư hạ tầng lâm nghiệp, chưa thật sự khuyến khích được người dân, doanh nghiệp tham gia. Ðể nâng cao diện tích cũng như năng suất từ trồng rừng gỗ lớn, các địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn cả về mặt bằng sản xuất, tài chính và cơ chế chính sách. Hiện nay, quỹ đất lâm nghiệp cho trồng rừng gỗ lớn tập trung không còn nhiều. Mặc dù hằng năm, các tỉnh đều có dự kiến diện tích trồng mới, song thực tế, những nơi có điều kiện tốt thì đã trồng rừng, còn diện tích chưa trồng phần lớn là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa lý khó khăn, chỉ có thể phát triển trồng cây bản địa lâu năm. Quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ; phần lớn trong số họ sống ở miền núi, đời sống khó khăn, không có vốn để đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Tại nhiều địa phương, công tác giao đất lâm nghiệp cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân còn chậm. Nhiều chủ rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khó khăn cho việc vay vốn ổn định sản xuất. Trong khi, các công ty lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hằng năm phải đóng thuế sử dụng đất, làm tăng chi phí trồng rừng. Riêng về vốn đầu tư đang trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại thường có lãi cao, điều kiện và thủ tục vay khó khăn, phải có tài sản thế chấp, thời gian cho vay ngắn cho nên khó tiếp cận được nguồn vốn, trong khi đầu tư trồng rừng gỗ lớn lại có chu kỳ kinh doanh dài và rủi ro cao...

Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đến hết năm 2020, phải đưa năng suất bình quân trồng rừng chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12m3/ha/năm trở lên tại vùng Ðông Bắc Bộ; từ 15m3/ha/năm trở lên tại vùng Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Với những khó khăn đang gặp phải, mục tiêu trên khó thành hiện thực nếu không kịp thời có cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch trong năm 2019, cả nước trồng 265.000 ha rừng thâm canh gỗ lớn.

Tính đến nay, các địa phương đã trồng được hơn 220.000 ha (đạt 83,4% kế hoạch). Các khu vực trồng nhiều diện tích rừng gỗ lớn, gồm Ðông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.