Tạo cơ sở thúc đẩy thị trường trong nước phát triển

Trong quý I vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh, doanh, nhất là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch. Đó là những chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản; xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực của các địa phương gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; phối hợp doanh nghiệp rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối để huy động khi cần thiết;... Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý nhà nước liên quan đã chủ động kết nối hàng loạt doanh nghiệp phân phối cùng các địa phương thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. 

Đơn cử, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16-2, Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn như: Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!), Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market,... để thu mua nông sản đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh. Nhờ đó, dù dịch Covid-19 với biến thể mới diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương gây ra không ít thách thức, nhưng thị trường trong nước vẫn được bảo đảm và dần phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so cùng kỳ cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2020.

Ngày 17-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Đề án đã đưa ra bốn nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện: Thông tin truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tăng cường thực hiện và tổ chức các hoạt động phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi như:  “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”. Đồng thời, lồng ghép vào chương trình hành động hằng năm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị về phát triển kinh tế - xã hội để tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.