Tận dụng EVFTA đẩy nhanh xuất khẩu nông sản

NDO -

“Để tận dụng tốt cơ hội Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA), các hợp tác xã (HTX), trang trại, doanh nghiệp (DN) nông nghiệp cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, như: tiêu chuẩn về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng và an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bền vững về môi trường, cũng như chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản”.

Quảng cảnh hội thảo.
Quảng cảnh hội thảo.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 24-7. Hơn 150 đại biểu đại diện các HTX, trang trại, DN nông nghiệp đến dự.

Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Với Hiệp định EVFTA, sau khi có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản Việt Nam có cơ hội rất lớn tiếp cận thị trường đầy tiềm năng châu Âu hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta sang châu Âu ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm, thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng ba năm gần đây.

Việt Nam còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này. Hiệp định EVFTA thực sự là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuât khẩu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, như: thủy sản, rau quả, gạo, cà-phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ.

Một cơ hội lớn khác đó là tăng cường hoạt động đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đi kèm chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Điều này sẽ giúp tăng sản lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nói về thách thức, TS Đinh Viết Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng, các DN, HTX nông nghiệp trong nước phải đối mặt sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước châu Âu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu, DN phải tuân thủ các quy định của các nước châu Âu không chỉ bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn bảo đảm các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, giới…

TS Đinh Viết Tú đưa ra giải pháp là DN, HTX và các đơn vị liên quan cần xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, phải tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp địa phương, cơ sở sản xuất và DN; sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong sản xuất; quản lý theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững…

Cho rằng, ngành nông nghiệp đã có sự chuẩn bị trước để gia nhập thị trường châu Âu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Phó Cục trưởng Trồng trọt, Bộ NN-PTNT Lê Thanh Tùng cho hay, nông dân và nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng chất lượng và giá trị một cách bền vững, có thể đáp ứng được các yêu cầu khó khăn nhất của DN hay các nước nhập khẩu từ thị trường châu Âu.

Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường, đẩy mạnh thực hiện chương trình giống quốc gia, sản xuất nông nghiệp bền vững, thúc đẩy liên kết sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu theo cách đồng lớn… Do đó, chất lượng nông sản của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

a3.jpg -0
 Trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh, năm 2019.