Sức ép đổi mới mô hình tăng trưởng (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Hiện thực hóa khát vọng quốc gia thịnh vượng

Kỹ sư Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TRẦN ĐỨC
Kỹ sư Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TRẦN ĐỨC

Cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện có nhiều nét tương đồng với Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc ở thời điểm khoảng 30 năm trước, khi các quốc gia này bắt đầu bùng nổ tăng trưởng để tiến lên quỹ đạo mới và hai trong số đó đã trỗi dậy thành những “con rồng” châu Á. Lợi thế của nước đi sau giúp Việt Nam có đủ lý luận và thực tiễn để tìm cho mình con đường ngắn nhất trở thành quốc gia thịnh vượng, phát triển giàu mạnh: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng (MHTT) với chất xúc tác là cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

Cơ hội lớn từ kinh tế số

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) nhìn nhận, kinh tế số (KTS) chính là nhánh mới của đổi mới MHTT. Sự xuất hiện của dịch Covid-19 khiến yếu tố này bộc lộ rõ nét hơn và thúc đẩy nhanh hơn. Cơ hội tăng tốc KTS phụ thuộc vào khả năng đột phá các rào cản về hạ tầng, thể chế và con người. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xây dựng thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển KTS. Đó phải là thể chế khuyến khích, thúc đẩy, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo (ĐMST). Phải đổi mới tư duy quản lý vì KTS, chuyển đổi số là động lực hoàn toàn mới, làm xuất hiện hàng loạt mô hình kinh doanh, dịch vụ chưa từng có tiền lệ. Không thể bắt kịp thời đại nếu tiếp tục quản lý theo hướng chỉ cho phép người dân, doanh nghiệp (DN) làm theo quy định. Cách tiếp cận mới trong quản lý được nhiều nước áp dụng là cho phép thí điểm (thể chế sandbox) các mô hình kinh doanh mới tự phát triển trong một không gian, thời gian nhất định nhằm bộc lộ hết các vấn đề nội tại, sau đó, Nhà nước mới hình thành chính sách, quy định để quản lý.

KTS đã và đang là một phần tất yếu của đời sống xã hội ở quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng in-tơ-nét cao như Việt Nam. Các dịch vụ công nghệ - những thành phần lắp ghép tạo nên nền KTS cũng rất tích cực cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng, từ ăn uống, đi lại, mua sắm, hội họp đến đào tạo trực tuyến, nhất là trong dịch Covid-19. Nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế đã dự báo KTS của Việt Nam sẽ thuộc tốp dẫn đầu khu vực Đông - Nam Á, đạt quy mô khoảng 43 tỷ USD vào năm 2025. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các ngành tài chính, ngân hàng, giao thông, du lịch và còn gia tăng trong thời gian tới nhờ việc nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử và kế hoạch xây dựng thành phố thông minh (Smart City) tại hơn 30 thành phố.

Việc thực hiện chuyển đổi số ở Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hai năm vừa qua đã làm thay đổi cơ bản từ thói quen đi lại của hành khách đến các hoạt động lõi của hãng hàng không này. Qua website và app của VNA, hành khách có thể tự làm thủ tục trực tuyến thông suốt từ khi tìm kiếm chuyến bay, tra cứu hành trình, mua vé, in thẻ lên máy bay, thậm chí là tự đổi giờ và hành trình bay mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của nhân viên hàng không. Về phía VNA, hoạt động điều hành bay, chính sách giá vé cũng trở nên linh hoạt hơn nhờ các thông tin phân tích hiệu quả đường bay được cập nhật hằng ngày, thậm chí là hằng giờ để căn cứ vào đó xây dựng lịch bay phù hợp nhất. Hiện VNA được đánh giá đã bước sang giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số, thuộc nhóm hãng hàng không mới nổi. Theo Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành, DN đã sẵn sàng nhưng chặng đường chuyển đổi số tiếp theo phụ thuộc nhiều vào thể chế, chính sách liên quan. Đơn cử, năm 2017, VNA đã triển khai kế hoạch phát triển công nghệ lĩnh vực hàng không dựa trên nền tảng Skywise, do Tập đoàn FPT và nhà chế tạo máy bay Airbus hợp tác. Skywise được xem là “trái tim” của công nghệ hàng không, giúp các hãng nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng việc giảm bớt sự gián đoạn của chuyến bay; giảm chi phí bảo trì thông qua chiến lược bảo trì dự báo; tối ưu hóa hoạt động bay/quản lý đội bay,... Quá trình này đã chuyển sang giai đoạn 2, kinh phí tăng lên rất lớn cho nên VNA thay đổi phương thức hợp tác để tiết kiệm chi phí. Do thiếu cơ sở pháp lý để giải trình với Hội đồng quản trị đây là khoản đầu tư hay chi thường xuyên, có phát sinh tài sản khấu hao hay không, nên kế hoạch này phải dừng lại chờ làm rõ. “Chúng tôi đặt mục tiêu tham vọng năm 2020 trở thành hãng hàng không số nhưng định nghĩa thế nào là hãng hàng không số vẫn chưa rõ ràng cho nên tiến độ đang chậm lại. Nhiều vấn đề phải tháo gỡ từ cơ chế tài chính, an ninh”, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành trăn trở.

Tạo động lực tăng trưởng mới

GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, 30 năm để từ một nước nghèo nàn, lạc hậu vươn lên thành quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam thì nhiều quốc gia làm được. Nhưng chặng đường trở thành một nước phát triển vào năm 2045 như mục tiêu Việt Nam đang hướng đến thì rất ít quốc gia thành công. Hình mẫu cho Việt Nam là Hàn Quốc. Giai đoạn 1963-1978, Hàn Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục 10% để vượt qua mức thu nhập đầu người 10 nghìn USD/năm vào những năm 1990. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã vượt 30 nghìn USD/năm, thuộc nhóm G20. Còn Việt Nam hiện nay, thu nhập bình quân đầu người mới đạt gần 3.000 USD/năm, cần tăng trưởng ít nhất 7,5% đến 8%/năm liên tục trong 25 năm mới thu hẹp được khoảng cách. Đổi mới MHTT là xu thế vận động đi lên của nền kinh tế và đó là cả một quá trình nhiều năm, không có đường lùi. Sau suy giảm kinh tế năm 2009, dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã không còn, Việt Nam cần tạo ra động lực mới là khoa học - công nghệ (KHCN), ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao. Có nhiều chiến lược để kích hoạt các động lực tăng trưởng đó, lựa chọn thích hợp là đầu tư “vượt trần thủy tinh” (khái niệm chỉ rào cản vô hình phải vượt qua để đạt đến đỉnh cao trong khoa học) cho KHCN. 

Đổi mới MHTT là yêu cầu cấp bách đặt ra được nhấn mạnh trong nhiều nghị quyết của Đảng nhưng qua khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, các DN và tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia, chúng tôi nhận thấy, tuy có sự thống nhất cao về mục tiêu nhưng xác định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu, chuyển đổi MHTT vẫn còn sự khác nhau, dẫn đến cách triển khai thực hiện mỗi nơi một kiểu. Theo TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đổi mới MHTT hay lựa chọn tối ưu một MHTT kinh tế mới là tùy cách gọi. Nhưng đích đến cuối cùng là phải bảo đảm được mục tiêu kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường, ứng phó hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài. Trước hết, cần thể chế hóa cụ thể yêu cầu, mục tiêu đặt ra từ các nội hàm đổi mới của MHTT, đặc biệt chú trọng vai trò của ĐMST và hoạt động KHCN nhằm từng bước đưa nền kinh tế nước ta chuyển đổi sang nền KTS.

Là người tham gia nghiên cứu, chấp bút nhiều đề án quan trọng của đất nước về cải cách hành chính, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới MHTT, TS Nguyễn Đình Cung rất tâm tư khi nhận thấy quá trình đổi mới MHTT vừa qua chưa đi vào thực chất, do các cải cách cơ chế và thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế chưa được tiến hành nhất quán, toàn diện, chưa đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại. Qua đó, làm bùng nổ các nguồn lực xã hội và phân bổ nguồn lực đó một cách hiệu quả hơn, từng bước hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý, năng động hơn với tiềm năng tăng trưởng ngày càng được gia tăng. “Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là kém hiệu quả trong sử dụng các nguồn lực về vốn, lao động, tài nguyên, đất đai. Đáng lẽ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi MHTT phải nằm ở khâu xây dựng thể chế để phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất đó, đồng thời thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực của Nhà nước, của xã hội một cách thị trường và thị trường hơn nữa để nguồn lực chảy đến nơi nào sử dụng hiệu quả nhất”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là một trong những chủ trương lớn của Đảng ta, được hình thành rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho đến nay. Nhờ đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn chuyển từ tăng trưởng chủ yếu dựa trên gia tăng huy động và sử dụng nguồn lực sang tăng trưởng chủ yếu dựa trên gia tăng hiệu quả. Tuy nhiên, việc đổi mới MHTT, cơ cấu lại nền kinh tế trong những năm vừa qua vẫn chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện rõ nét. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ rõ: MHTT hiện tại của Việt Nam đã đạt tới đỉnh. Nếu tiếp tục con đường tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô vốn, sử dụng nguồn nhân công giá rẻ với tay nghề thấp và giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thấp, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh và đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai. Yêu cầu về tiếp tục đổi mới MHTT trở nên cấp thiết hơn, khi Việt Nam đang ở giữa ngã ba đường: Bứt phá lên quỹ đạo tăng trưởng cao để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc là trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 hay bằng lòng với hiện tại để rồi vướng vào bẫy thu nhập trung bình, ngày càng tụt hậu và một lần nữa vuột mất cơ hội tiến cùng các cường quốc trên thế giới.

Để chuyển đổi thành công MHTT cần phải có hệ thống đồng bộ các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế đến giải pháp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, vùng kinh tế. Qua đó, khắc phục được điểm yếu của cơ cấu kinh tế hiện nay là kém năng động, thiếu cân bằng, dư địa chính sách hẹp, khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài rất mỏng,... Trong rất nhiều giải pháp đề ra, tăng năng suất lao động là giải pháp cốt lõi, vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển và có độ mở cao như Việt Nam vì thúc đẩy năng suất quốc gia đồng nghĩa với tăng trưởng nhanh và bền vững. Quá trình này luôn phải dựa vào ứng dụng KHCN, ĐMST, thúc đẩy nhanh KTS.

-----------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3, 4-11.

Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đổi mới MHTT trong quá khứ. Dịch Covid-19 xảy ra, các cường quốc đang phải tạm dừng tăng trưởng để tập trung “dưỡng thương” là cơ hội để Việt Nam bứt tốc đuổi kịp họ thay vì cứ phải đi sau trên con đường phát triển. Thời cơ tốt nhất đang đến với Việt Nam khi chúng ta đang ở vào giai đoạn CMCN lần thứ tư, cần chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của nó, gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu không dứt điểm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi MHTT sẽ khó nói trước được chúng ta có một lần nữa bỏ lỡ cơ hội hay không.

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN

Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng