Sớm chấm dứt tình trạng trồng dưa hấu theo phong trào

Dưa hấu là loại cây trồng không nằm trong quy hoạch phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi. Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đổ xô trồng dưa hấu theo phong trào, dù chưa xác định được nhu cầu thị trường cũng như chất lượng sản phẩm. Đây chính là nguyên nhân khiến dưa hấu thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, cần phải “giải cứu”.

Do sản xuất theo phong trào, nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.
Do sản xuất theo phong trào, nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Giá rớt thê thảm vẫn không có người mua

Những ngày cuối tháng 3, tại vùng trồng dưa hấu ở các thôn Xuân Mỹ, Xuân Hòa thuộc xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh vắng bóng thương lái đến thu mua. Trên những cánh đồng, dưa hấu đang trong thời kỳ chín rộ nhưng nông dân không buồn thu hoạch. Cả vùng quê ảm đạm vì dưa hấu. Ông Lý Văn Dũng, nông dân thôn Xuân Mỹ cho biết, có năm vào thời điểm này, trên con đường dẫn về vùng trồng dưa luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Thương lái từ các nơi đổ về, hàng loạt xe tải hạng nặng đứng nối đuôi chờ bốc dưa hấu lên xe để xuất sang Trung Quốc. Năm nay, hình ảnh bà con tập trung thu hoạch đông đúc đã không còn. “Vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch được bảy tấn dưa. Do không có thương lái thu mua, sợ dưa bị hư hỏng nên phải thuê xe chở ra TP Đà Nẵng bán dạo khắp các ngả đường suốt 10 ngày mới hết. Nhiều người mua ủng hộ, cho nên tôi thu hồi lại được ít vốn đã đầu tư ”- ông Dũng chia sẻ.

Ngồi buồn não bên ruộng dưa hấu chín rộ, hàng loạt trái bị nứt toác, ông Đỗ Đình Vương, nông dân thôn Xuân Mỹ nói rằng, suốt ba tháng cả gia đình dãi dầm mưa nắng, “ăn, ngủ” bên cây dưa. Nhờ vậy, 10 sào dưa hấu phát triển xanh tốt, sai quả. Hy vọng một mùa dưa thắng lợi, gia đình có thêm thu nhập bị dập tắt ngay sau khi thu hoạch lứa đầu tiên. “Cách đây nửa tháng, giá dưa hấu rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 700 đến 800 đồng/kg nên sau khi thu hoạch bốn sào dưa, gia đình tôi thua lỗ ba triệu đồng”- ông Vương lo lắng. Hiện gia đình ông vẫn còn sáu sào dưa chín rộ, thân cây dần chết khô nhưng mấy ngày qua “đỏ mắt” đi tìm mà không có thương lái thu mua, trong khi đó chỉ cần một cơn mưa chiều thì coi như mất trắng vì dưa bị hư hỏng hết.

Các hộ trồng dưa khác ở xã Tịnh Hiệp cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhìn ruộng dưa dần chín rục, nông dân trồng dưa như “ngồi trên lửa”, muốn bán đổ, bán tháo để thu hồi lại ít vốn cũng không xong. Tiếc của, nhiều hộ đành thu hoạch để làm thức ăn cho gia súc.

Qua trao đổi, nhiều nông dân trồng dưa hấu ở các địa phương trên địa bàn Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc thu mua với số lượng lớn để xuất khẩu bị ngưng trệ, chỉ chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Những ngày gần đây, giá dưa có nhích lên khoảng 1.800 đồng/kg nhưng do lượng thu mua rất ít dẫn đến diện tích dưa chín trên đồng còn nhiều. Mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh kêu gọi mọi người chung tay “giải cứu” dưa hấu, song đây chỉ là biện pháp tình thế.

Cần chấm dứt tình trạng trồng theo phong trào

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Dương Văn Tô cho biết, nông dân ở Quảng Ngãi trồng dưa hấu theo phong trào, xu hướng sản xuất tự phát. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc song không ổn định, giá cả thất thường. Thời gian qua, ngành nông nghiệp không khuyến khích mở rộng, không chỉ đạo nông dân phát triển sản xuất, cũng chưa có quy hoạch, chính sách phát triển vùng trồng cây dưa hấu. Dù vậy, vụ đông xuân 2019 - 2020 diện tích trồng dưa hấu trong tỉnh vẫn tăng lên 734 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bình Sơn (272 ha), Sơn Tịnh (150 ha), Đức Phổ (140 ha), Mộ Đức (112 ha). Thời gian thu hoạch rộ từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 4-2020.

Để hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản (dưa hấu, ớt) đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ. Cụ thể, đối với các loại nông sản (dưa hấu, ớt,…) đang được xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới có biện pháp khuyến nghị nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với những diện tích chưa gieo trồng, xem xét hướng dẫn chuyển sang canh tác các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn. Tỉnh giao Sở Công thương thường xuyên liên hệ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương, nắm bắt tình hình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, kịp thời thông báo, giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy chuyển hướng thị trường thay thế trong bối cảnh hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung, để sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, nông dân phải thay đổi nhận thức, sớm chấm dứt tình trạng làm theo phong trào, không có định hướng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện xây dựng chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng giá trị sản lượng trên đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với thị trường và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch sản xuất cây trồng cụ thể từng năm dựa trên nhu cầu của thị trường, phải gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP...