Quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa có văn bản đề nghị Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) thành lập đoàn đánh giá rủi ro khẩn cấp để có giải pháp tổ chức kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi phù hợp và hiệu quả.

Đến ngày 18-2-2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh.
Đến ngày 18-2-2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh.

Cục Thú y dẫn thông tin từ OIE cho biết, tính từ năm 2017 đến ngày 18-2, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Theo thông tin từ OIE và FAO, từ ngày 3-8-2018 đến ngày 18-2-2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Ngày 17-1, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo hoang không có người ở), Liên Giang, Đài Loan (Trung Quốc) cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả giải trình tự gien của vi rút này tương đồng 100% với vi rút dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực là rất cao.

Cục Thú y nhận định, trên thế giới, trong những năm vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác. Mặt khác, yếu tố con người và phương tiện vận chuyển đi từ nơi này, sang nơi khác. Tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng, ba nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Bộ NN-PTNT đã có các văn bản gửi Đại sứ quán các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi (Ba Lan, Hungari và Bỉ) thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu lợn, sản phẩm của lợn từ các tỉnh (vùng) có bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam. Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.

Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị FAO hỗ trợ về kỹ thuật và có dự án khẩn cấp về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho Việt Nam. Đồng thời đề nghị FAO chủ trì, phối hợp với OIE thành lập đoàn Đánh giá rủi ro khẩn cấp để có giải pháp tổ chức kiểm soát phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả. Kịp thời và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở các nước; chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác để có giải pháp quản lý, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ khẩn cấp, tăng cường, nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Tại Việt Nam, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm thừa trong chăn nuôi là khá phổ biến, nên nếu sử dụng các sản phẩm thịt lợn dư thừa sẽ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, phức tạp. Bộ NN-PTNT lo ngại, nếu các địa phương không kiểm soát tốt dịch bệnh, để dịch xảy ra, ngành chăn nuôi lợn nước ta sẽ bị thiệt hại rất lớn, việc xuất khẩu thịt lợn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.