Quy hoạch đô thị sông Hồng - Xung lực phát triển kinh tế Thủ đô

NDO -

Một tin quan trọng, tốt lành đang làm nóng dư luận Thủ đô, đó là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (gọi tắt là Quy hoạch), hiện đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 6-2021.

Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Là một trong sáu mảnh ghép còn lại (gồm các quy hoạch sông Hồng, sông Đuống và bốn quận nội đô) để khép kín nốt 14% trong 100% quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, do nhà nước làm chủ đầu tư.

Quy hoạch hội tụ đủ yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, sẽ hiện thực hóa giấc mơ được cộng đồng người dân và doanh nghiệp chờ đợi từ năm 1954 đến nay, sau bảy lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô và được kỳ vọng tạo xung lực tích cực giải phóng các nguồn lực xã hội to lớn cho phát triển nhanh và hiệu quả hơn kinh tế Thủ đô thời “hậu Covid-19”.

Quy hoạch được xây dựng theo nguyên tắc mà Thành ủy Hà Nội chỉ đạo là thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, hướng ra sông, nhưng không chất tải công trình, mà tích hợp cả quy hoạch đê điều, phòng, chống lũ và nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa, phát triển cả hai bên dòng sông như là trục vành đai xanh, cải thiện cảnh quan đô thị.

Tham khảo, kế thừa những điểm phù hợp từ khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước trước đó (gồm cả của Hà Lan, Hàn Quốc), Quy hoạch dự kiến trải dài 40km hai bên bờ sông (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô khoảng 11.000ha (trong đó sông Hồng chiếm 33% tổng diện tích), đất bãi sông chiếm khoảng 50% tổng diện tích và 1.190ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư…), thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện dân số 280.000 đến 320.000 người (hiện trạng hơn 228.000 người).

Trong phạm vi Quy hoạch hiện có hơn 100 công trình di tích lịch sử, đa dạng về loại hình và có nhiều di tích đã xếp hạng, lại nằm kề cận khu phố cổ, khu phố cũ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa, hệ thống không gian xanh, mặt nước sông hồ…  thuận lợi về giao thông thủy, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch, kết nối với cả vùng.

Quy hoạch khi được phê duyệt, sông Hồng sẽ ở giữa thành phố. Việc hình thành con đường ven sông sẽ là điểm đột phá giúp cải thiện, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển đô thị mới, văn minh, hiện đại hơn; đồng thời, quỹ đất kinh tế sẽ mở rộng thêm gần 6.500ha, hàng loạt dự án mới sẽ được hình thành, triển khai, mở rộng cơ hội đầu tư cho hàng chục nghìn doanh nghiệp và tạo việc làm, sinh kế cho hàng triệu người dân.

Cần nhấn mạnh rằng, Hà Nội đã, đang và sẽ còn nhiều tiềm năng đất đai và dư địa chính sách để mở rộng không gian kinh tế và khơi thông dòng vốn hàng chục, hàng trăm tỷ USD cả từ trong nước và nước ngoài (nhất là từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Italy…) cho phát triển kinh tế.

Những xung lực tích cực cho phát triển kinh tế của Hà Nội không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên và vị thế Thủ đô (với 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số, 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học, khoảng 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và 2/5 khu công nghiệp công nghệ cao của cả nước), mà còn đến từ việc xây dựng và triển khai Quy hoạch và các quy hoạch chất lượng cao tương tự liên quan toàn bộ sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, chung quanh Hồ Tây và các vùng không gian tương tự.

Nói cách khác, xây dựng, thông qua và triển khai Quy hoạch chính là một trong các chìa khóa cho mở cửa khai thông và phối hợp hiệu quả các xung lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế Thủ đô cả hiện tại và tương lai…

Để hiện thực hóa những tiềm năng và lợi ích từ Quy hoạch, một mặt, thành phố cần khuyến khích tạo ra cuộc cách mạng trong kiến trúc Thủ đô, với các dự án trong Quy hoạch được khuyến khích theo hướng giảm mật độ xây dựng, kiến trúc hiện đại, đa chức năng, công năng và góp phần mở rộng, tận dung hiệu quả không gian kinh tế đô thị cả trên bề mặt, dưới ngầm cũng như trên cao khoảng không đất và nước.

Phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao; nhấn mạnh yêu cầu tăng màu xanh cho thành phố từ các công viên giải trí kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng nông sản sạch; hài hòa các công trình trúc với cây xanh và mặt nước sông, hồ để phát triển du lịch đô thị - sinh thái và cải thiện chất lượng không khí…

Mặt khác, việc triển khai Quy hoạch cần bám sát nguyên tắc công khai, minh bạch, kết hợp nguyên tắc thị trường (nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất, phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ và khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái) và có sự kiểm soát xây dựng sau Quy hoạch sát sao, chặt chẽ của nhà nước gắn với chức năng sử dụng theo quy hoạch.

Theo đó, Hà Nội cần chủ động công khai các dự án quy hoạch và điều kiện đấu giá các lô đất; kiểm soát chặt chẽ phòng tránh tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích theo Quy hoạch…

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chủ động khai thác và linh hoạt thiết kế thêm các cơ chế tài chính mới, đặc thù theo phân cấp quản lý để triển khai và quản lý Quy hoạch và các dự án tương tự phù hợp tinh thần Luật Thủ đô và Nghị quyết Quốc hội về cơ chế tài chính đặc thù và về cơ chế quản lý Chính quyền đô thị của Thủ đô.

Trong quá trình thực hiện, cần nghiêm túc phòng tránh và kiểm tra sát sao, xử lý kịp thời các biểu hiện lêch lạc, tiêu cực, bất cập hoặc lạm dụng, gắn với lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách. Đặc biệt, cần giữ nghiêm kỷ luật công vụ, kiên quyết ngăn chặn mọi sai phạm ngay từ đầu, không để lặp lại tình trạng “bảo kê”, dung túng và cưỡng chế “cắt ngọn”, xử lý chạy theo kiểu “sự đã rồi”, gây phức tạp và lãng phí tài sản, đầu tư xã hội.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài, thành phố cần tiếp tục quyết liệt triển khai cải cách các thủ tục hành chính; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính - tín dụng, công nghệ, xúc tiến đầu tư và thông tin thị trường, cũng như về quản trị kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử thích ứng với bối cảnh mới vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài.

Phấn đấu đạt mục tiêu Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thủ đô năm 2021 về thúc đẩy DNNVV phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia liên kết chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế với chất lượng, hiệu quả hoạt động của DNNVV ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN.

Phấn đấu trong năm 2021 tăng thêm từ 10% (khoảng 30.000) doanh nghiệp thành lập mới; tạo thêm 150.000 việc làm mới; khu vực DNNVV chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp khoảng 45% GRDP và hơn 30% ngân sách Thủ đô.

Thành phố cũng cần có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt có chuyên môn và uy tín cao, có sức trẻ, khát vọng, hoài bão và quyết tâm cống hiến lớn, giàu tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và phản biện, được lắng nghe, tôn trọng và cống hiến, vì sự nghiệp phát triển chung của Thủ đô.