Quảng Ninh duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tỉnh Quảng Ninh dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 10%, thuộc nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng cao nhất, khẳng định trụ cột đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; thu hút khách du lịch năm 2020 đạt khoảng 10 triệu lượt; thu ngân sách nhà nước ước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

Sản xuất gạch chất lượng cao tại Công ty cổ phần Gốm Đất Việt (Quảng Ninh). Ảnh: MẠNH TRƯỜNG
Sản xuất gạch chất lượng cao tại Công ty cổ phần Gốm Đất Việt (Quảng Ninh). Ảnh: MẠNH TRƯỜNG

Tính đến  giữa tháng 11, kế hoạch vốn đầu tư phát triển đạt hơn 15.200 tỷ đồng, tăng 1.064 tỷ đồng so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 90%. Các công trình trọng điểm, dự án động lực trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ. Trong năm nay, tỉnh đã khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư chín dự án, công trình động lực, với tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng; hoàn thành và gắn biển các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 với tổng mức đầu tư hơn 5.649 tỷ đồng... Tổng chi an sinh xã hội đạt 2.280 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 0,36%... 

Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, Quảng Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) khoảng 10%; tạo đột phá mới về tăng trưởng ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tận dụng tối đa cơ hội phát triển, đón bắt các dòng vốn dịch chuyển đầu tư; khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ... Riêng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tỉnh xác định tập trung vào thị trường trong nước, do vậy tiếp tục phải kéo dài cơ chế kích cầu du lịch trong nước. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

* Sau hai năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 120 sản phẩm, trong đó có 118 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 đến 4 sao, hai sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao. Hà Giang là tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu, với những điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm thế mạnh như: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, gạo Già Dui, dược liệu,… Trước đây, khi chưa triển khai Chương trình OCOP, những sản phẩm này ít được các địa phương chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác và thị trường tiêu thụ.

Theo đánh giá của tỉnh, Chương trình OCOP mang lại tư duy mới cho các chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp và hợp tác xã, đó là từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô, theo quy trình kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho tất cả cán bộ, lãnh đạo quản lý, các chủ thể sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp, hợp tác xã về Chương trình OCOP. Tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn và hỗ trợ những sản phẩm chưa được chứng nhận, cấp sao thực hiện các tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã. Từ đó, các chủ thể sản xuất căn cứ vào những hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm của mình. Hà Giang hiện có bốn sản phẩm gồm: cam, dầu lạc, chè Shan tuyết và mật ong bạc hà được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Vinmart. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm OCOP không ngừng gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân.