Phát triển ngành cao-su hiệu quả và bền vững đến năm 2030

NDO -

NDĐT - Ngày 6-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Phát triển cao-su hiệu quả, bền vững đến năm 2030.

Đồng chí Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị.

Dự, chủ trì hội nghị có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư và địa phương có cây cao-su đứng chân.

Đến hết năm 2018, Việt Nam đã có 965 nghìn héc-ta cao-su với tổng diện tích cho thu hoạch là 686 nghìn héc-ta, năng suất đạt khoảng 16,6 tạ/ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.141 nghìn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu mủ cao-su đạt hai tỷ USD, tính chung tất cả các sản phẩm cao-su xuất khẩu toàn ngành đạt hơn sáu tỷ USD.

Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao-su hiện là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cây cao-su đã mở rộng địa bàn từ nam ra bắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và vùng Tây Bắc.

Tuy nhiên, ngành cao-su ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn 2010 đến 2015, diện tích cao-su tăng nhanh, nhưng giá cao-su thế giới từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp. Sản phẩm cao-su chế biến của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Công nghệ chế biến còn hạn chế so các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao-su trong nước.

Dự kiến, đến năm 2030, diện tích cao-su cả nước khoảng 900 nghìn héc-ta, sản lượng cao-su đạt khoảng 1,43 triệu tấn, tăng hơn 84,3 nghìn tấn so năm 2020; sản lượng xuất khẩu đạt một triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2,31 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 450 nghìn lao động.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát khẳng định, ngành cao-su có truyền thống lịch sử lâu đời, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường. Cao-su là cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Để phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới, đồng chí Cao Đức Phát yêu cầu, ngành cao-su cần có tầm nhìn dài hạn, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cao-su; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp trồng cao-su.

Ngoài ra, ngành cao-su cần khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, trồng, chế biến các sản phẩm công nghiệp cao-su. Bên cạnh đó, ngành cao-su phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống người dân vùng trồng cao-su. Đồng thời, phải xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm duy trì khách hàng cũ, tăng khách hàng mới.